Aa

Dễ rước họa vì ăn rau sống không rõ nguồn gốc

Chủ Nhật, 02/12/2018 - 00:15

Vừa qua, báo chí quốc tế đưa tin về việc tại Mỹ, hàng loạt người đã phải điều trị tích cực do nhiễm khuẩn Ecoli vì ăn rau diếp sống. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn có thói quen ăn rau sống, trong đó có rau diếp khi chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ.

  Quá trình sơ chế rau được diễn ra ngay tại điểm bán. Ảnh: Đỗ Dung

Quá trình sơ chế rau được diễn ra ngay tại điểm bán. Ảnh: Đỗ Dung

Rau sống tiêu thụ lớn, nguồn gốc không ai rõ

Chị Bùi Thị Lan Anh (41 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) là người chuyên cung cấp rau hơn 10 năm nay cho các chợ xép tại địa bàn quận Cầu Giấy cho biết: “Để có thể sản xuất rau sạch thì tiêu chuẩn về nước tưới phải rất đảm bảo. Tuy nhiên, để đầu tư hệ thống nước tưới này tốn rất nhiều chi phí, do đó, phần lớn người dân vẫn dùng nguồn nước không đảm bảo như từ sông ngòi, ao hồ gần điểm trồng để tưới rau. Rau diếp không phải nơi nào cũng trồng, chỉ những vùng trồng chuyên các loại rau mùi mới có”.

Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, người chuyên trung chuyển rau từ chợ đầu mối cho các đầu buôn lẻ thì cho rằng: “Rau sạch của nông dân tự sản xuất giá thành đắt không bảo quản được lâu. Rau diếp có lượng tiêu thụ khá lớn dùng chủ yếu để ăn sống nhưng phương thức thu hoạch, vận chuyển không khác so với các loại rau được nấu chín khi chế biến. Loại rau này được các chủ quán ăn đặt hàng quanh năm để làm rau sống”.

Bạn Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội chia sẻ về việc mua rau tại chợ sinh viên: “Chúng em biết rõ các loại rau ở đây đều không có nguồn gốc nhưng giá rẻ, phù hợp với điều kiện của sinh viên. Ví dụ như 1kg rau cải ở đây chỉ có giá 10.000 đồng, trong khi ở các cửa hàng rau sạch có khi lên đến 25.000 đồng. Do đó, chúng em buộc phải sử dụng các loại rau này. Rau diếp cũng là loại hay được sinh viên lựa chọn, vì loại rau này bán nhiều, có tác dụng làm mát, thanh nhiệt nên phần đa sinh viên đều ăn để mong đỡ mụn, viêm da… Khi mua rau diếp nói riêng và các loại rau khác nói chung là đánh giá qua cảm quan, không biết được rau trồng ở vùng có an toàn hay không”.

Hiện nay, trên thị trường từ chợ xép cho đến các cửa hàng uy tín nguồn gốc rau sạch vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng. Ngoài các sản phẩm được cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì vẫn còn các loại rau được dán nhãn “rau sạch” đều không có nguồn gốc rõ ràng.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Anh Tuấn, chủ một đơn vị sản xuất rau sạch tại địa bàn miền Bắc cho rằng: “Để có thể xây dựng được một quy trình rau sạch đòi hỏi sự đầu tư rất lớn từ doanh nghiệp. Kinh phí này tập trung vào việc phát triển hệ thống quản lý, chăm sóc. Hơn nữa, rau trồng đúng quy trình quy chuẩn cho rau sạch thì cho sản lượng tự nhiên khá thấp, giá bán sẽ đội lên cao nên thị trường không có nguồn cung lớn cho loại rau này”.

Đáng chú ý, khi sử dụng rau sống tại các nhà hàng, địa điểm ăn uống, đặc biệt là các điểm ăn uống đường phố, người dân sẽ không thể xác định được nguồn gốc chính xác của các loại rau được sử dụng. Các quán ăn vỉa hè này thường có diện tích nhỏ, hẹp, nguồn nước hạn chế do đó quy trình sơ chế rau sống diễn ra hết sức sơ sài.

Sử dụng rau không rõ nguồn gốc sẽ gây nhiều hệ lụy

 Các loại rau được bày bán đều không có nguồn gốc rõ ràng.

Các loại rau được bày bán đều không có nguồn gốc rõ ràng.

Sử dụng rau không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại rau sống tiềm ẩn nguy cơ tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, đặc biệt là các loại ký sinh trùng có hại.

Chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ nội trú Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Đặng Quang Tân cho rằng: “Khi sử dụng rau củ không rõ nguồn gốc, đặc biệt các loại rau sống chứa hàm lượng thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật cao thì có thể sẽ có nguy cơ tiềm ẩn các vấn đề cho sức khỏe, là nguy cơ gây ngộ độc cấp hoặc mãn tính và nhiễm ký sinh trùng điển hình như khuẩn Ecoli.

Người dùng có thể bị ngộ độc cấp do hóa chất thuốc bảo vệ thực vật gây ra, nếu mới phun 2-3 ngày đã thu hoạch. Có thể bị ngộ độc thể mãn tính nếu lượng ăn vào nhiều hơn khả năng tự đào thải của cơ thể qua tích lũy lại lâu ngày gây nên. Ung thư là một trong các hậu quả nặng nhất của ngộ độc mạn tính.

Còn với ký sinh trùng, khi nhiễm phải người bệnh sẽ gặp phải hiện tượng tiêu chảy cấp. Thậm chí, gây nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm. Người tiêu dùng phải thực sự tỉnh táo khi chọn lựa rau sử dụng, đặc biệt là quan tâm đến nguồn gốc trước khi sử dụng”.

Để trở thành người tiêu dùng thông thái, người dân cần trang bị những hiểu biết về cách chọn lựa rau để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Với các loại rau sống trước khi sử dụng cần phải thực hiện ngâm nước muối để có thể loại bỏ các ký sinh trùng gây hại.

5 nguyên tắc về lựa rau an toàn theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế gồm: Không nên mua các loại rau quả trái vụ, lúc này thời tiết không thuận lợi nên sâu bọ phát triển nhiều, rau quả cằn cỗi nên người trồng rau phải dùng nhiều loại hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng; Không nên chọn những mớ rau quá non, mỡ màng, các loại quả to và bóng so với bình thường vì những loại rau quả này người trồng phải dùng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng; Không mua rau quả có mùi vị lạ, màu sắc khác thường; Nên chọn rau quả còn nguyên lành, không dập nát hoặc có vết nứt, thủng; Tránh mua rau quả gọt vỏ và xắt sẵn, ngâm nước vì nguồn nước ngâm không đảm bảo vệ sinh hay có hoà các hoá chất độc hại để giữ trắng.

Huy Hoàng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top