Hãy thức dậy, đất đai!
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...
xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm
rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn
Những dòng thơ của Nguyễn Duy được mở đầu với lời kêu gọi đất đai thức giấc để mang lại no ấm cho con người. Không chỉ đất đai, tác giả còn đề cập đến nhiều tài nguyên thiên nhiên khác mà loại nào cũng được gắn liền với mức độ thừa thãi, phì nhiêu, trù phú:
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
châu báu vô biên dưới thềm lục địa
rừng đại ngàn bạc vàng là thế
phù sa muôn đời như sữa mẹ
sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
Sự miêu tả của Nguyễn Duy khiến người đọc có thể tưởng tượng ra một đất nước giàu có, trù phú với “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” như tư duy đã được ăn sâu vào tâm thức của hàng triệu con người trong nhiều năm qua.
Cũng cần nhắc lại, bài thơ này được nhà thơ Nguyễn Duy viết từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tức là cách đây gần 4 thập kỷ nên có thể hoàn toàn đúng vào thời điểm đó. Có lẽ, đấy là lý do để tác giả Nguyễn Duy đặt câu hỏi:
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
Tuy nhiên, sau gần 4 thập kỷ tài nguyên quốc gia bị khai thác liên tục để phục vụ phát triển đất nước, người ta sẽ không khỏi giật mình khi tình hình đã đổi khác rất nhiều.
Giờ đây, khoáng sản không còn tiềm tàng trong ruột núi non bởi sự khai thác đến cạn kiệt, nhiều ngọn núi đã bị san bằng để khai thác triệt để các loại khoáng sản, để lấy đá xây dựng. Dưới thềm lục địa có những gì chắc con người cũng đã tìm kiếm và tận dụng hết sức có thể chứ không còn “châu báu vô biên” như tác giả từng viết cách đây gần 40 năm.
Còn rừng đại ngàn ư? Rừng đã bị khai thác gỗ trái phép đến mức thành rừng hoang đồi trọc nên lũ lụt, hạn hạn mới xảy ra ngày càng nhiều và khủng khiếp đến vậy. Phù sa cũng không còn “ngọt ngào” như sữa mẹ vì tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra với tốc độ rất nhanh trong khi sông và biển thì ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Tình trạng tài nguyên đất nước suy giảm chóng mặt theo thời gian khiến người không khỏi giật mình khi đọc bài thơ của Nguyễn Duy trong đề thi Ngữ văn Trung học phổ thông Quốc gia 2018.
Không ít người đã đặt câu hỏi tại sao Bộ Giáo dục lại đưa bài thơ “Đánh thức tiềm lực” được viết cách đây gần 40 năm vào đề thi năm nay khi tình trạng tài nguyên đất nước đã hoàn toàn khác?
Trong khi các quốc gia hùng mạnh trên thế giới luôn dạy giới trẻ sử dụng trí tuệ và sức lao động để làm giàu cho đất nước thì việc các thày cô Việt Nam vẫn dạy học sinh rằng đất nước chúng ta rất giàu tài nguyên liệu có còn phù hợp? Phải chăng, chính việc “nhồi sọ” đấy khiến cho nhiều bạn trẻ ỷ lại, lười biếng, thích hưởng thụ, lười lao động?
Việc lật lại một bài thơ từ những năm đầu thế kỷ 80 và đã không còn phù hợp với tình hình thực tiến để đưa vào đề thi chính thức năm 2018 có thể khiến nhiều người cho rằng đây là tư duy “lỗi thời” của Bộ Giáo dục.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những ý kiến lại cho rằng, việc đưa bài thơ, kèm theo câu nghị luận số 4 có ý nghĩa rất cao khi đánh thức tư duy phản biện của các thí sinh: “Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong 2 dòng thơ “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên" có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay hay không? Vì sao?”
Nếu theo quan điểm này, việc đưa bài thơ của nhà thơ Nguyễn Duy vào đề thi ngữ văn năm nay có thể là một bước đột phá lớn, thể hiện tư duy thức thời của những người ra đề thi.
Tuy nhiên, thực tế có phải như vậy không, xin để bạn đọc và các bậc phụ huynh tự đánh giá. Bởi e rằng, chỉ thông qua một đề thi ngắn mà đánh giá tư duy của Bộ Giáo dục nói chung và những người ra đề thi nói riêng là Thức thời hay Lỗi thời là quá vội vàng.
Bên cạnh đó, cũng cần nói thêm rằng, để có thể đánh giá đúng, cần có thông tin thống kê cụ thể từ kết quả làm bài của hàng triệu thí sinh mà việc này có làm được hay không chỉ có thể trông chờ vào Bộ Giáo dục mà thôi.