Aa

Đề xuất “chia đất” cho 2 sàn chứng khoán

Thứ Bảy, 21/09/2019 - 06:00

Điểm mới trong dự thảo Quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam lần này là HoSE, HNX được gia tổ chức từng mảng riêng biệt và lương của quản lý Sở sẽ được xếp theo hạng đặc biệt...

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE)

Đề xuất “chia đất” để tránh trùng lặp về chức năng nhiệm vụ 

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Theo đó, tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chuyển đổi mô hình tổ chức, thành lập công ty con của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam để tổ chức các thị trường giao dịch chứng khoán như thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay có sự trùng lặp về chức năng nhiệm vụ giữa các sở giao dịch chứng khoán trong việc quản lý thành viên giao dịch, nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin bị phân tán, chưa tổ chức được hoạt động giám sát tổng thể trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, căn cứ Quyết định số 32, để tập trung đầu mối và khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tại dự thảo Quyết định (Điều 2) phân định rõ chức năng nhiệm vụ giữa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con.

Cụ thể, đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ chính bao gồm: xây dựng chiến lược, định hướng hoạt động, định hướng phát triển công nghệ thông tin; định hướng phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới, ban hành quy chế nghiệp vụ; chủ trì quản lý và giám sát các thành viên giao dịch; giám sát chung hoạt động thị trường chứng khoán; quản lý vốn, tài sản, tài chính; quản lý các công ty con theo quy định pháp luật và Điều lệ tổ chức hoạt động.

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với hai Sở giao dịch chứng khoán trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ để đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả.

Đối với công ty con, chức năng nhiệm vụ chính là trực tiếp tổ chức vận hành thị trường giao dịch chứng khoán và trực tiếp giám sát tại các khu vực thị trường được giao quản lý, tổ chức triển khai phát triển sản phẩm và công nghệ mới theo định hướng của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Đáng chú ý, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) được giao tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường trái phiếu. Trong khi đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) được giao tổ chức thị trường cổ phiếu.

Vốn điều lệ được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế

Về vốn điều lệ, theo Quyết định số 32/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có mức vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, bao gồm vốn điều lệ của HNX là 1.000 tỷ đồng và vốn điều lệ của HoSE là 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2023, Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hóa.

Theo báo cáo tài chính được kiểm toán đến ngày 31/12/2018, tổng mức vốn chủ sở hữu thực có của 2 sở giao dịch chứng khoán là 2.520,27 tỷ đồng.

Do đó tại dự thảo Quyết định, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2023 (trước thời điểm nghiên cứu cổ phần hóa) mức vốn điều lệ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là 3.000 tỷ đồng, HoSE là 2.000 tỷ đồng, HNX là 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, từ nay đến năm 2023, các sở giao dịch chứng khoán sẽ tự bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Quản lý Sở sẽ hưởng lương theo hạng "đặc biệt"

Về tổ chức bộ máy, dự thảo quy định Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cơ cấu tổ chức bộ máy của HNX, HoSE bao gồm Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên, như quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Về cơ chế tài chính, đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cơ chế quản lý tài chính thực hiện theo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn; Nghị định số 122/2017/NĐ-CP ngày 13/11/2017 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch Chứng khoán.

Đối với HNX và HoSE, cơ chế quản lý tài chính và chế độ tiền lương do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép HNX, HoSE tiếp tục được vận dụng xếp lương người quản lý theo hạng Tổng công ty như hiện nay. Riêng với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất được vận dụng xếp lương người quản lý theo hạng Tổng công ty đặc biệt.

Việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo thị trường vẫn hoạt động ổn định, liên tục, bao gồm 2 giai đoạn sau:

a) Giai đoạn 1 (2019 - 2020):

Thành lập Sở GDCK Việt Nam, tiếp tục duy trì hoạt động các thị trường giao dịch chứng khoán như hiện nay tại HOSE, HNX.

Thống nhất tổ chức bộ máy hoạt động của Sở GDCK Việt Nam, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của HNX và HOSE.

Hoàn chỉnh dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thị trường do HOSE đang làm chủ đầu tư để có thể nâng cấp hiện đại hóa công nghệ thông tin cho toàn thị trường.

b) Giai đoạn 2 (2020 - 2023):

Đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường đi vào hoạt động áp dụng cho HNX và HOSE, trên cơ sở đó thực hiện lộ trình phân khúc các khu vực thị trường.

Xây dựng phương án cổ phần hóa Sở GDCK để triển khai thực hiện sau năm 2023.



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top