Dự án tỷ đô dọc sông Hồng của bầu Thụy gây xôn xao dư luận và lo ngại về tác động của nó tới môi trường sinh thái.
Đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng của công ty bầu Thụy.
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Văn phòng Chính phủ hiện chưa nhận được thông tin chính thức về dự án này. Hiện mọi thông tin vẫn đang ở phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trước nhiều luồng dư luận trái chiều, ông Dũng nói: “Chính phủ đã nghe đâu mà biết. Dự án đang trong quy trình của Bộ. Chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay từ phía bầu Thụy về dự án nên chưa thể đưa ra bình luận lúc này”.
Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu quan điểm, việc xây dựng các công trình hạ tầng phải có quy hoạch mới phát huy được hiệu quả.
“Dự án này theo tôi được biết chưa có quy hoạch nên khoan hãy bàn dự án nào, bao nhiêu dự án mà hãy bàn về quy hoạch. Chưa có quy hoạch mà đã xin làm dự án là không đúng trình tự. Chủ đầu tư khi xin làm dự án cũng phải đưa ra đủ lý lẽ thuyết phục và nếu có ai phản đối cũng phải có lý do chính đáng”, ông Liêm nói.
Bầu Thụy đáng khen
Từ chối bình luận sâu về dự án do chưa có nhiều thông tin, nhưng ông Liêm hoan nghênh ý tưởng của bầu Thụy.
“Bản thân người đưa ra ý tưởng này rất đáng khen vì đã dám nghĩ, dám đề xuất còn được hay không được thì phải chờ xem xét. Nhà đầu tư mà không dám có ý tưởng gì thì vứt. Người ta khuyến khích phải sáng tạo, phải dũng cảm tìm tòi cái mới. Việc họ đề xuất ý tưởng trên chẳng có gì sai cả, nhưng nội dung đó có hợp hay không phải thì phải có tính toán cụ thể”, ông Liêm nói thêm.
Tuy vậy, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Nếu tôi là lãnh đạo Nhà nước, tôi chưa chấp nhận chuyện đó vì phải rà soát quy hoạch trước đã”.
Với tổng mức đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD (24.500 tỷ đồng), cơ cấu vốn của dự án gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại với lãi suất (dự kiến) 4-9%.
Trước ý kiến cho rằng dự án không có khả năng thu hồi vốn như đề xuất, ông Liêm phát biểu: “Doanh nghiệp tư nhân lấy vốn ở đâu làm đó là việc của họ. Đừng hiểu lầm kinh doanh là phải bằng vốn tự có. Không phải đâu! Vốn tự có chỉ 30% là cùng thôi. Chuyện thu hồi được vốn hay không đó là việc của người ta. Người ta bỏ tiền người ta phải lo chứ. Mà đã làm đâu mà biết thu hồi được hay không? Đây mới chỉ là dự án tiền khả thi”.
“Chuyện gì chẳng có thể xảy ra”
Khi được hỏi về dự án này, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam – ông Trần Viết Ngãi - bày tỏ lo ngại việc xây dựng thủy điện vắt ngang qua sông sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước, lòng sông, môi trường rừng.
Đồng quan điểm, ông Liêm cho biết: “Chuyện đó là dĩ nhiên. Làm sao mà không có ảnh hưởng?! Nhưng ảnh hưởng như thế nào thì phải có nghiên cứu. Đây mới đang ở giai đoạn bàn làm hay không làm”.
Doanh nghiệp cho rằng mục tiêu chính của dự án là tạo thành đường giao thông đường thuỷ xuyên Á, nối liền giao thương với Trung Quốc…
Tuy nhiên, ông Liêm băn khoăn: “Xuyên Á hay không xuyên Á để làm gì trong khi hiện chúng ta đã có cao tốc Hà Nội – Lào Cai? Tôi chưa thấy lý do trên thuyết phục lắm. Doanh nghiệp cần nêu rõ sự cần thiết của dự án này ra sao? Giao thông thế nào? Mật độ ra sao? Nhỡ đâu một năm mới có một chuyến thì xây dự án làm gì?”.
Trước lo ngại buôn lậu đường sông gia tăng nếu phát triển mạnh tuyến giao thông thuỷ dọc sông Hồng gắn với mục tiêu tăng giao thương với Trung Quốc, ông Liêm cho rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng nếu chúng ta đạt được lợi ích lớn thì việc xảy ra một vài vụ buôn lậu đường sông có đáng gì?
“Tôi nghĩ chẳng phải lo chuyện đó. Đường sắt họ cũng buôn cứ gì đường thủy. Nói thế thì chẳng lẽ loại đường sắt đi à?”, ông Liêm chia sẻ.
Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng nếu được thực hiện dự án, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bỏ túi nhiều lợi ích.
“Họ bao giờ chẳng nói cho hay, nói là phù hợp, nhưng chúng ta nên nhớ họ đâu phải các nhà từ thiện? Họ vì kiếm lợi nhuận chứ. Cho nên họ có nói trời nói biển gì thì cần hiểu rằng họ vì lợi ích của chính họ trước. Vấn đề là phải xem lợi ích của họ có trùng hợp với lợi ích của quốc gia hay không”, ông Liêm nhấn mạnh.
Theo Zing