Aa

Đề xuất dùng vốn ngân sách Trung ương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Chủ Nhật, 29/11/2020 - 16:23

Việc dùng ngân sách triển khai Dự án xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là phương án khả dĩ nhất trong giai đoạn hiện nay.

Bộ GTVT vừa có công văn số 11928/BGTVT - KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT vào đầu tháng 12/2019 và được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức hợp đồng BOT vào cuối tháng 7/2020.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định nhưng không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, nên đề nghị chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP loại hợp đồng BOT sang đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo Bộ GTVT, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nên không hấp dẫn nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông có quy mô, tổng mức mức đầu tư lớn và thời gian kéo dài, hơn nữa việc các nhà đầu tư huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng ở thời điểm hiện nay gặp nhiều khó khăn… 

Ảnh minh họa.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, cân đối khả năng bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách địa phương để đầu tư theo hình thức đầu tư công phù hợp với quy định của pháp luật.

“Trong trường hợp ngân sách nhà nước khó khăn, đề nghị xem xét phương án tăng vốn góp của Nhà nước để hấp dẫn nhà đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định là cơ sở để UBND tỉnh Tuyên Quang thực hiện”, đại diện Bộ GTVT đề xuất.

Trước đó, vào giữa tháng 10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tại tờ trình này, UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ PPP, loại hợp đồng BOT sang đầu tư công và bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2019 với mục tiêu đầu tư khoảng 40,2 km theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; tổng mức đầu tư khoảng 3.271,09 tỷ đồng (trong đó 500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, 10,79 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, 2.760,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng); tiến độ thực hiện từ năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2023.

Để hoàn vốn, Thủ tướng cho phép nhà đầu tư xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn phần vốn với thời gian dự kiến thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn là 19 năm 2 tháng (từ năm 2023 đến năm 2042). Thời gian chính thức sẽ được xác định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Do đến hết thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển nên đến ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định hủy thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án.

“Nguyên nhân hủy thầu do trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án cũng như việc các ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án BOT là rất khó khăn, các nhà đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay của các Ngân hàng. Vì vậy, dự án không hấp dẫn nhà đầu tư, đấu thầu sơ tuyển nhà đầu tư không thành công”, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Với lý do nói trên, UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang nói riêng và của đất nước nói chung. Việc hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án càng sớm càng có ý nghĩa đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

“Đến nay, các nội dung về thiết kế cơ sở của Dự án đã hoàn thành. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành đạt hơn 70%, dự kiến hết năm 2020 hoàn thành 100%. Do vậy, Dự án được chuyển đổi sang sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020 và hoàn thành trong năm 2023”, ông Nguyễn Văn Sơn đánh giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top