Aa

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15 - 17%

Thứ Sáu, 10/04/2020 - 15:30

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội thực hiện chính sách ưu đãi thuế suất 15 - 17% để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo các giải pháp chính sách tài khoá nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trước tác động của đại COVID-19.

Nếu đề xuất giảm thuế, phí của Bộ Tài chính được thực hiện từ tháng 7/2020, dự kiến có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, 6,8 triệu người hưởng lợi.

98% doanh nghiệp được miễn giảm thuế

Giải pháp đầu tiên được Bộ Tài chính đề cập là gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng gần 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong đó, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 ngày 8/4 với giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng. Dự kiến 98% doanh nghiệp thuộc diện được áp dụng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nước sát trùng, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, vật tư và thiết bị y tế khác.

Đồng thời, điều chỉnh biểu thuế xuất khẩu và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, hỗ trợ phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô.

Dự kiến việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020 (theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ 1/1/2021).

Theo đó dự kiến áp dụng thuế suất 15 - 17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

“Trường hợp thực hiện từ tháng 7/2020, thì dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng)”, Bộ Tài chính tính toán.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Mặt khác, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát để thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân như miễn lệ phí môn bài đối với một số đối tượng; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50 - 70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã gặp gỡ các doanh nghiệp để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, các doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời gian nộp thuế đến 12 tháng thay vì dự kiến 5 tháng; mở rộng các loại sắc thuế được gia hạn, gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng...

Đảm bảo đủ nguồn đáp ứng giải ngân đầu tư công

Về nguồn lực chi đầu tư công năm 2020, nhắc lại con số gần 700.000 tỷ đồng mà Thủ tướng đã nêu trước đó, Bộ trưởng Dũng cho biết, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

“Bộ Tài chính cam kết đảm bảo đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên”, ông Dũng cho hay.

Về bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ dành khoảng 36 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn…

Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách nhà nước như cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600 - 700 tỷ đồng), sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm…

Bộ Tài chính cũng dự báo khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1,5 - 1,6% GDP (tức là ở mức 5 - 5,1% GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi ngân sách nhà nước năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so với GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top