Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện khu vực phường Long Phước, quận 9 để di chuyển vào trung tâm thành phố phải mất hơn 23km thông qua các trục đường chính như Long Phước - Long Thuận - Nguyễn Duy Trinh.
Tuy nhiên,những tuyến đường này hiện đều quá tải do lưu lượng phương tiện lớn, mặt đường nhỏ hẹp nên thường xuyên tắc nghẽn.
Do đó, Sở Giao thông Vận tải vừa gửi UBND thành phố xem xét để có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, cập nhật vào kế hoạch mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trong đó, có đề xuất kết nối cao tốc với đường Long Phước, quận 9 hướng vào trung tâm thành phố và ngược lại. Theo Sở Giao thông Vận Tải, đây là phương án khả thi, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, dễ thực hiện bởi phần lớn là đi qua đất nông nghiệp.
Phương án này cũng phù hợp với định hướng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía Đông thành phố.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM mới đây cũng vừa ban hành kế hoạch phát triển giao thông nhằm xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao tại khu Đông với 3 quận gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức - nơi sẽ là thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Theo đó, trong 10 năm tới khu Đông sẽ cần khoảng 300.000 tỷ đồng để phát triển các dự án hạ tầng giao thông.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 với quy mô bốn làn xe, dài hơn 55km có điểm đầu tại quận 2 (TP.HCM) và kết thúc tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Tổng vốn đầu tư dự án là 20.630 tỷ đồng. Dự án được thông xe toàn tuyến vào năm 2015.
Tháng 8/2020, Bộ Giao thông Vận Tải đã phê duyệt lập dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến thị trấn Long Thành (Đồng Nai) sẽ mở rộng 8 - 10 làn xe. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây giữ nguyên 4 làn xe.