Được biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư 7 tuyến cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu- Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên- Rạch Giá- Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, sẽ được phân kỳ đầu tư, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.272 tỷ đồng.
Việc đầu tư mới hạ tầng giao thông cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là rất cần thiết, song các công trình dở dang, đang khai thác cũng cần đẩy nhanh tiến độ để việc kết nối này không bị ngắt quãng.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998km. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc này theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030. Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lộ trình đầu tư các tuyến cao tốc này lên giai đoạn trước năm 2030, đồng thời bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch.
Không chỉ phía Tây Nam Bộ đang gấp rút hoàn thiện hạ tầng, các tỉnh, thành phía Đông cũng đang xúc tiến nhiều công trình giao thông trọng điểm để giải tỏa ùn tắc, đồng thời sẵn sàng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai...
PGS. TS. Nguyễn Du Sanh - Giảng viên Trường Đại học Khoa học và Tự nhiên TP.HCM, cho rằng việc đầu tư mới hạ tầng giao thông cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức cần thiết, song các công trình dang dở, đang triển khai (Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…) cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ để việc kết nối sau này không bị ngắt quãng, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ.
Cũng theo PGS. TS. Sanh, một vấn đề hết sức quan trọng khác cho việc thực hiện thành công các kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay chính là vốn. “Các giải pháp để kích thích, huy động vốn từ các nguồn lực tư nhân cho các công trình và dự án này như thế nào? Loại hình hình đầu tư BOT hay PPP đã thực sự hấp dẫn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân hay chưa? Khó khăn, vướng mắc ở các loại hình này như thế nào?... cũng là vấn đề cần phải xử lý quyết liệt”, PGS. TS. Sanh đặt vấn đề.