Theo tóm tắt Dự án đầu tư của Doanh nghiệp Xuân Trường gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP. Hà Nội vào ngày 7/11/2018, Dự án “Khu du lịch tâm linh Hương Sơn” có quy mô 1.500ha. Trong số các hạng mục của Dự án, có nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 30km nối từ Tam Chúc đến Suối Yến; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá lợi Phật…
Tại “Bản đồ quy hoạch không gian Khu du lịch tâm linh Hương Sơn” gần như bám sát và bao trùm hết các ngả đường vào chùa Hương. Trong đó, trục hành hương từ chùa Hương sang Tam Chúc buộc phải đi qua cổng bán vé mà doanh nghiệp Xuân Trường kiểm soát. Đã có ý kiến lo ngại việc Dự án bao trùm các ngả đường sẽ hình thành các trạm thu phí trong tương lai, hay nắn dòng người hành hương về Hương Tích bằng ô tô sang khu vực Tam Chúc thay vì đến thẳng Suối Yến như hiện nay. Do vậy, nhiều ý kiến của người dân khu vực Hương Sơn tỏ rõ sự bức xúc và lo ngại về sự xung đột trong vấn đề sinh kế của người dân địa phương.
Song nhìn dưới ý tưởng quy hoạch, tuyến du lịch tâm linh chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính đang có nhiều điều kiện để thực hiện. Chùa Hương, Tam Chúc và Bái Đính là ba điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình. Hiện nay, chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, có mùa hội dài nhất nước, thu hút đông khách du lịch đi tham quan và hành hương. Trong khi đó, Bái Đính gần đây nổi danh với một ngôi chùa có 13 kỷ lục quốc gia, cũng đang là một điểm đến du lịch rất được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, những điểm đến khác ở Ninh Bình như Vân Long, Thung Nham, Kênh Gà, Vườn Quốc gia Cúc Phương… tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng cho Ninh Bình. Mặc dù mới bắt đầu xây dựng nhưng nhiều người kỳ vọng, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) với những ngọn tháp cao từ 100 - 150m, với tượng phật bằng đồng nặng 200 tấn và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều hạng mục du lịch hoành tráng sẽ thu hút lượng khách du lịch, vãn cảnh đông không kém gì Bái Đính hiện nay.
Ba điểm đến trong “trục du lịch tâm linh” có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt địa lý và đều có tiềm năng phát triển du lịch. Khu du lịch chùa Hương cách Khu du lịch Tam Chúc 6km, hệ thống đường giao thông từ Hà Nội và Hà Nam nối hai điểm đến này đang trong quá trình hoàn thiện. Từ Hà Nam tới Ninh Bình, điểm đến tâm linh là chùa Bái Đính, về giao thông cũng đã rất thuận lợi.
Nhiều chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, chùa Hương là di sản văn hóa quốc gia, việc đầu tư phải đảm bảo giữ được yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể gốc, không thể ồ ạt mở rộng quy mô, làm biến dạng văn hóa truyền thống.
Hơn nữa, theo quy định của Luật Di sản, khu vực khoanh vùng bảo vệ là phải bảo vệ nguyên trạng mặt bằng và không gian. Nhưng cũng còn có thêm một ý nữa là trong trường hợp cần thiết, phải xây dựng trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy di tích thì việc xây dựng đó phải có ý kiến của người có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích. Cho nên, việc xây dựng, cải tạo chùa Hương hay bất cứ công trình đình chùa nào về mặt pháp lý phải làm theo quy định từ quy hoạch chung, quy hoạch riêng, rồi quyết định của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch… thậm chí cả lấy ý kiến của người dân.
Mới đây, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đã khẳng định: “Muốn triển khai dự án này phải có đề án quy hoạch tổng thể để khai thác. UBND Thành phố và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục trao đổi cụ thể về quy hoạch của khu du lịch này. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể, vì chưa xác định rõ khu vực sẽ lập đề án, thời gian triển khai, vốn… đầu tư. Đây là dự án khó triển khai, khả năng thu hồi vốn lâu...”.
Dưới góc nhìn quy hoạch, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho hay: “Chúng ta có quỹ di sản phong phú thì phải xem xét mục tiêu khai thác sử dụng, phải xác định lộ trình, đặc biệt tìm mối tương quan giữa bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta chưa phát huy được vai trò cộng đồng trong bảo tồn các di sản, nhiều di tích người dân muốn trùng tu bảo tồn song không có chuyên môn. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tu bổ từ thiện vào các chùa chiền. Hay những hồ nước, cây xanh đều có những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư. Phải xác định là không nên trông chờ từ ngân sách nhà nước mà phải từ xã hội.
Bảo tồn di sản là vấn đề rất được cộng đồng quan tâm song chúng ta chưa có cơ chế thích hợp thu hút cộng đồng đầu tư cho di sản. Nói rêng ở câu chuyện xây chùa hiện nay, việc xây mới các công trình tôn giáo là tất yếu nhằm bảo đảm tốt hơn nhu cầu tâm linh của người dân. Nhưng nếu không có định hướng trong việc xây mới hay trùng tu, phục dựng thì những công trình kiến trúc tôn giáo ấy có thể bị làm sai lệch, phản truyền thống. Các đình chùa sẽ rộng hơn và số lượng lớn hơn nhưng dần dần nó bị vật chất hóa chứ không nâng cao yếu tố tinh thần”.
Ông Nghiêm cũng cho rằng, thực tế là nhiều người thợ không nắm được quy tắc kiến trúc cho từng ngôi chùa, theo từng hệ phái khác nhau, vô tình làm hỏng kết cấu, kiến trúc của nó bằng cách làm mới như một công trình xây dựng thông thường. Mặt khác, người làm quy hoạch thì không nắm chắc chỗ nào cần bảo tồn chỗ nào cần xây dựng. Hệ quả là đụng đến di sản, thiên nhiên đều vấp phải tranh cãi.
Giới phân tích cũng cho rằng, việc đầu tư các cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn chế thì nguồn xã hội hóa rất quan trọng, nhưng phải cẩn thận tránh tình trạng lợi dụng xã hội hóa để biến đất đai, tài sản của Nhà nước, cộng đồng thành của riêng.
Do đó, TP. Hà Nội phải cân nhắc thật kỹ lưỡng những dự án nào cần triển khai trước bằng nguồn ngân sách, rồi phân bổ ra sao cho phù hợp, dự án nào nên huy động nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, các thủ tục đầu tư phải đảm bảo đầy đủ quy định, công khai, minh bạch, có sự tham vấn ý kiến ý kiến từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng để một địa phương tự quyết định.