Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành công văn số 14038/BGTVT – KHĐT gửi lãnh đạo Chính phủ về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Tại công văn này, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét chấp thuận chuyển nghiên cứu đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo phương thức PPP sang nghiên cứu đầu tư theo hình thức đầu tư công; đồng thời giao Bộ này là cơ quan chủ quản, phối hợp cùng với UBND các tỉnh gồm Gia Lai, Bình Định tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Theo dự kiến, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ được chuẩn bị đầu tư hoàn thành và khai thác trong giai đoạn 2026-2027.
Theo như đề xuất của Bộ GTVT, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh, thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; chiều dài toàn tuyến khoảng 123km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định dài khoảng 37,4km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 85,6km.
Tuyến đường thuộc phạm vi Dự án được thiết kế và đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt, với quy mô 4 làn xe và bề rộng nền đường 24,75m.
Tốc độ thiết kế tiêu chuẩn là 100km/h, riêng các đoạn qua khu vực hầm An Khê và hầm Mang Yang - nơi địa hình phức tạp - được nghiên cứu với tốc độ thiết kế 80km/h, vẫn giữ quy mô 4 làn xe.
Theo rà soát và cập nhật mới nhất của UBND hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án khoảng 36.594 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng: 3.733 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị là 26.833 tỷ đồng, chi phí tư vấn, quản lý dự án và các chi phí khác 2.012 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 4.015 tỷ đồng.
Với chiều dài toàn tuyến khoảng 123km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, suất vốn đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 267 tỷ đồng/km.
So với suất vốn đầu tư chuẩn do Bộ Xây dựng công bố (đường cao tốc 4 làn xe khoảng 187,24 tỷ đồng/km), suất đầu tư của Dự án cao hơn khoảng 80 tỷ đồng/km.
Nguyên nhân chủ yếu là do khối lượng lớn các công trình cầu và hầm, đặc biệt hai hầm An Khê và Mang Yang với tổng chiều dài khoảng 5km (chi phí đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng) và hệ thống cầu dẫn trước hầm có tổng chiều dài khoảng 8km, với trụ cầu cao trên 50m (chi phí đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng).
Liên quan đến phương án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT tải cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cùng một số đối tác để khảo sát và nghiên cứu phương án đầu tư.
Theo báo cáo của UBND hai tỉnh vào tháng 5/2024, kết quả nghiên cứu và tính toán sơ bộ tài chính cho thấy:
Với kịch bản mức vốn hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, dự án không đảm bảo hiệu quả tài chính theo các quy định hiện hành.
Theo nghiên cứu, để dự án đạt hiệu quả tài chính và thời gian thu hồi vốn trong các kịch bản lần lượt là 25 năm, 18 năm và 10 năm, mức vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cần chiếm từ 76% đến 88% tổng mức đầu tư. Điều này cho thấy phương thức đầu tư PPP không đảm bảo hiệu quả và khó khả thi.
Trước bối cảnh thực tiễn và yêu cầu đầu tư cấp thiết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phối hợp với UBND hai tỉnh Gia Lai và Bình Định tiến hành rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án đầu tư dự án theo phương thức PPP.
Một kịch bản được xem xét là tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập, sử dụng vốn đầu tư công (khoảng 3.733 tỷ đồng), trong khi phần còn lại thuộc dự án PPP (khoảng 32.861 tỷ đồng). Với phương án này, tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ không vượt quá 70% sơ bộ tổng mức đầu tư, theo quy định sửa đổi của Luật PPP.
Phần vốn nhà nước cần hỗ trợ dự án PPP: Khoảng 23.673 tỷ đồng.
Tổng mức vốn nhà nước tham gia (bao gồm giải phóng mặt bằng): 27.406 tỷ đồng, chiếm khoảng 75% tổng mức đầu tư. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến tỏng khoảng 25,1 năm.
Để thời gian thu hồi vốn của dự án thành phần PPP rút ngắn xuống còn 21 năm, 18 năm hoặc 16 năm, phần vốn nhà nước hỗ trợ cần tăng lên từ 24.929 đến 27.565 tỷ đồng, chiếm 74 - 82,5% sơ bộ tổng mức đầu tư PPP.
Tổng vốn Nhà nước tham gia (bao gồm giải phóng mặt bằng) cần từ 28.662 đến 31.298 tỷ đồng, chiếm 78,3 - 85,5% tổng mức đầu tư.
Ngay cả khi áp dụng các quy định sửa đổi của Luật PPP, dự án vẫn có hiệu quả tài chính thấp với thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài trên 25 năm, gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn tín dụng.
Để đạt kỳ vọng thời gian hoàn vốn dưới 21 năm, đáp ứng điều kiện vay vốn từ các tổ chức tài chính, tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ phải chiếm từ 78,3 - 85,3% sơ bộ tổng mức đầu tư, tương đương 28.662 - 31.298 tỷ đồng. Đây là mức vốn rất lớn, không phù hợp với nguyên tắc "vốn mồi" nhằm thu hút các nguồn lực xã hội hóa theo định hướng đầu tư PPP.
Từ những phân tích trên, Bộ GTVT nhận định rằng việc UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định đề xuất dừng nghiên cứu phương thức PPP và chuyển sang đầu tư công là hợp lý. Phương án này tương tự cách tiếp cận đã được thực hiện với Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả triển khai dự án.
Bình Định là vùng đất trung tâm của miền Trung Việt Nam, nằm giữa khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên hơn 6.000km2. Đây là tỉnh án ngữ ở vị trí có nhiều lợi thế khi phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, tạo thành một dải đất liền mạch dọc theo bờ biển miền Trung, phía Nam giáp với tỉnh Phú Yên, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển kinh tế giữa hai địa phương.