Aa

Đề xuất lấy mốc Luật Nhà ở mới thi hành để quy định về thời hạn chung cư

Thứ Bảy, 26/11/2022 - 06:27

Đây là một trong những kiến nghị được đưa ra tại Toạ đàm “Quy định thời hạn sở hữu chung cư, những vấn đề pháp lý và thực tiễn” do Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức sáng ngày 25/11/2022 tại Hà Nội.

Đã có hai nhóm chủ đề được tập trung thảo luận tại toạ đàm, đó là “Cơ sở pháp lý của những quy định pháp luật hiện hành về thời hạn sở hữu chung cư” và “Quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư và những tác động kinh tế, xã hội”.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã đưa ra 2 phương án đề xuất: Bổ sung mới quy định về thời hạn chung cư căn cứ theo thời hạn sử dụng công trình và giữ nguyên quy định hiện hành (không quy định thời hạn sở hữu, người mua nhà được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất lâu dài, ổn định).

Theo Ban tổ chức, trên thực tế, đang tồn tại song song 2 chế độ sở hữu nhà chung cư: có thời hạn hoặc không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất, ví dụ như trường hợp của Singapore. Trong khi các nước châu Á chỉ bán có thời hạn với nhà chung cư, thì các quốc gia phương Tây và Mỹ lại bán có thời hạn với mọi loại hình, từ chung cư, trang trại hay biệt thự. Khi hết hạn, chủ sở hữu có thể xin gia hạn và đóng thêm phí.

Một điểm quan trọng nữa, theo các đại biểu, chuyên gia pháp lý, hiện cũng đang tồn tại những quy định khác nhau về vấn đề thời hạn chung cư và việc sở hữu. Cụ thể, thời hạn chung cư được quy định trong Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia, trong khi quyền sở hữu chung cư lâu dài lại được quy định trong Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai 2013.

Với các tác động của quy định nhà chung cư sở hữu có thời hạn, nhiều ý kiến tại toạ đàm cho rằng, thời gian tới, sẽ tiếp tục có thêm nhiều hơn nữa các dự án nhà chung cư được ra đời, và Nhà nước sẽ vẫn phải quản lý cả hai loại hình chung cư sở hữu có thời hạn và không có thời hạn. Do đó, việc Luật Nhà ở 2014 xác định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất là phù hợp (công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài; hoặc công nhận sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn).

Do đó, nhiều đại biểu đề xuất lấy mốc thời hạn Luật Nhà ở mới có hiệu lực để làm căn cứ thực hiện một số quy định. Cụ thể, không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn áp dụng đối với tất cả nhà chung cư xây dựng sau ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực thi hành, còn đối với các nhà chung cư có trước ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực thi hành thì được sở hữu không có thời hạn.

Cùng với đó, việc nên giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở 2014 quy định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất, theo đó công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc công nhận quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người dân, cần phải xây dựng thêm các quy định về trình tự đăng ký quyền sở hữu, thay đổi nội dung đăng ký quyền sở hữu đối với nhà chung cư và quy định bảo đảm quyền sở hữu của người dân trong các trường hợp cần phải tu sửa nhà chung cư xuống cấp. Phải đảm bảo sau khi tu sửa, xây mới nhà chung cư thì người dân vẫn có quyền sở hữu đối với nhà chung cư mới, hạn chế tình trạng người dân bị buộc phải miễn cưỡng bán lại quyền sở hữu của mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top