Hỗ trợ để đạt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ.
Tại Dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất việc áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ nhằm tăng cường thúc đẩy DN phát triển và mở rộng sản xuất và đặc biệt là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình DN (Thuộc nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ) theo mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, kể từ thời kỳ đổi mới cho đến giai đoạn hiện nay, kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh, chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân.
Cụ thể như, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN.
Bên cạnh đó, có các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập DN tư nhân; thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình DN thông qua các chính sách như: Miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập DN, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tổ chức công tác tài chính, kế toán; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị DN và tư vấn pháp luật.
Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 3 cũng đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018, trong đó đã có quy định về nguyên tắc chung làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN nhằm hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình DN cũng như hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì thế, việc đề xuất, trình Quốc hội ban hành theo thẩm quyền Nghị quyết của Quốc hội để quy định một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN nhằm cụ thể hóa các chủ trương về hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân như đã nêu trên và sớm đưa các chính sách này vào thực tiễn là cần thiết.
Sẽ miễn, giảm thuế thu nhập DN
Dự thảo nêu rõ, thuế suất 15% áp dụng đối với trường hợp DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với trường hợp DN nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người, trừ DN quy định nêu trên. Miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với 2 trường hợp DN siêu nhỏ, DN nhỏ nêu trên được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng 715.000 DN. Trong cơ cấu DN của Việt Nam, nhóm DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN và trong số này, DN có quy mô siêu nhỏ chiếm 65,52%; DN quy mô nhỏ chiếm 30,8% và DN quy mô vừa chiếm 3,67%. |
Hộ kinh doanh quy định này phải đáp ứng điều kiện đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật, đồng thời có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 12 tháng tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
DN thành lập mới được miễn thuế theo quy định này là DN đăng ký kinh doanh lần đầu, không bao gồm trường hợp DN thành lập mới mà người đại diện theo pháp luật (Trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật không phải là thành viên góp vốn), thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất đã tham gia hoạt động kinh doanh với vai trò là người đại diện theo pháp luật, thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất trong các DN đang hoạt động hoặc đã giải thể nhưng chưa được 12 tháng tính từ thời điểm giải thể DN cũ đến thời điểm thành lập DN mới.
Thời gian miễn thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế được tính từ năm thứ tư.
“Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính và về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập DN cho NSNN vào những năm sau”, Bộ Tài chính cho biết./.