Theo Báo Tiền Phong, Bộ Xây dựng vừa công bố lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo hồ sơ Quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia, bao gồm các ga trong đô thị, ga đầu mối và ga liên vận quốc tế.
Trong báo cáo tóm tắt do liên danh tư vấn CCTDI - TRICC lập, quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu nâng năng lực vận tải lên gần 12 triệu tấn hàng hóa (gấp đôi năm 2019) và 21,5 triệu lượt hành khách (tăng gần gấp ba).
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc cải tạo và xây dựng mới các tuyến đường sắt, việc quy hoạch hệ thống ga nhằm nâng cao năng lực thông qua - đặc biệt là các ga trong đô thị, ga đầu mối và ga liên vận quốc tế - được xem là yếu tố then chốt.

Ảnh minh họa
Theo đó, liên danh tư vấn đề xuất quy hoạch tổng cộng 21 ga quan trọng trên 4 tuyến đường sắt đang khai thác thường xuyên, ngoại trừ các ga đã nằm trong các dự án quy hoạch như khu đầu mối đường sắt Hà Nội, TP. HCM hay tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.
Cụ thể, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng quy hoạch 4 ga Đồng Đăng, Yên Trạch, Kép và Sen Hồ.
Tuyến Hà Nội - TP. HCM quy hoạch 12 ga Ninh Bình, Khoa Trường/Trường Lâm, Vinh, Đông Hà, Kim Liên, Diêu Trì, Nha Trang, Vĩnh Trung, Tháp Chàm và Cà Ná.
Tuyến Hà Nội - Lào Cai có 4 ga Lào Cai, Xuân Giao A, Việt Trì và Hương Canh.
Tuyến Hà Nội - Hải Phòng quy hoạch 2 ga Cao Xá và Vật Cách.
Trong số này, có 5 ga được xác định là ga liên vận quốc tế gồm Đồng Đăng, Kép, Sen Hồ, Cao Xá và Lào Cai.
Liên danh tư vấn cũng kiến nghị ưu tiên đầu tư các ga có sản lượng hàng hóa hoặc hành khách lớn (trên 200.000 tấn hoặc lượt/năm) và đang gặp "điểm nghẽn" hạ tầng ảnh hưởng đến năng lực khai thác tuyến. Đồng thời, xem xét đầu tư vào các ga có tiềm năng vận tải liên vận quốc tế, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Việc đầu tư sẽ căn cứ theo dự báo vận tải từng thời kỳ.
Trường hợp có sự thay đổi trong kịch bản khai thác thực tế, quy hoạch có thể được điều chỉnh hoặc xem xét đầu tư sớm hơn. Trước mắt, các ga hiện hữu sẽ được cải tạo trong ranh giới hiện trạng; nếu cần mở rộng, phải có sự đồng thuận của địa phương hoặc trình Thủ tướng xem xét.
Trong báo cáo, liên danh tư vấn còn xây dựng kịch bản phát triển mạng lưới đường sắt đến năm 2030.
Theo đó, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng được duy trì khai thác với quy mô đường đơn, khổ lồng, đồng thời cải tạo, nâng cấp các ga để kết nối với các đầu mối vận tải như cảng cạn và trung tâm logistics.
Tuyến Hà Nội - TP. HCM tiếp tục khai thác với đường đơn, khổ 1.000mm; các ga sẽ được cải tạo, mở rộng và xây mới nhằm kết nối với hệ thống cảng biển, cảng cạn và trung tâm logistics.
Nhìn tổng thể, đến năm 2030, các tuyến hiện hữu sẽ được nâng cấp để nâng cao hiệu quả khai thác. Cùng lúc, nhiều tuyến đường sắt mới sẽ được khởi công như: tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, tuyến Vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội, Biên Hòa - Vũng Tàu và tuyến kết nối đến các cảng biển, cảng cạn. Tuy nhiên, các dự án này không gây ảnh hưởng lớn đến các ga đã được quy hoạch trên các tuyến hiện hữu.