Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu đề xuất trên trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Theo đó, người bỏ cọc đấu giá đất đồng thời sẽ mất tiền đặt trước (tiền cọc); phải trả các chi phí liên quan vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Người tự ý bỏ cọc và từ chối đấu giá đất thì trong 5 năm sẽ không được tham gia các cuộc đấu giá đất khác.
Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá đất thực hiện dự án phải có vốn không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án quy mô dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án từ 20ha; có kinh nghiệm thực hiện dự án có sử dụng đất. Ngoài ra, họ phải ký quỹ; nộp tiền đặt trước; có tài sản đảm bảo năng lực tài chính (tài sản thế chấp).
Tiền cọc do tổ chức đấu giá và người tham gia thỏa thuận, nhưng tối thiểu bằng 20% giá khởi điểm tài sản. Số tiền này được gửi vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá. Nếu tiền cọc dưới 5 triệu đồng, người tham gia có thể nộp trực tiếp cho đơn vị đấu giá. Hai bên có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Nếu người tham gia tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối đấu giá sẽ phải bồi thường cho nhà nước thêm khoản tiền bằng tiền đặt trước. Sau khi nộp đủ số tiền này, người tham gia đấu giá mới được nhận lại tài sản thế chấp. Nếu không nộp đủ tiền phạt, họ sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.
Giá trị tài sản thế chấp phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia và tổ chức đấu giá có thể thay thế tài sản thế chấp và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Tổ chức, cá nhân có quyền từ chối tham gia đấu giá và nhận lại tiền cọc nếu có thay đổi về giá khởi điểm, vị trí, diện tích, loại đất đã niêm yết; được nhận lại tài sản thế chấp nếu không trúng hoặc trúng và nộp đủ tiền.
Người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền cọc nếu không tham gia buổi đấu giá, công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; bị truất quyền do vi phạm pháp luật; từ chối ký biên bản đấu giá; rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận; từ chối kết quả trúng đấu giá mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là bất khả kháng gồm: Ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, thảm họa môi trường; hỏa hoạn, dịch bệnh; chiến tranh. Các trường hợp khác do Thủ tướng quyết định trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh.
Dự thảo cũng nêu rõ tổ chức đấu giá không được dùng tiền cọc và tài sản thế chấp của người tham gia vào mục đích khác; chỉ thu tiền cọc và tài sản thế chấp trước 3 ngày mở cuộc đấu giá; trả lại tiền cọc trong 3 ngày nếu người tham gia không trúng đấu giá.
Việc đấu giá đất hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản. Luật Đất đai 2013 quy định, đấu giá đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Tuy nhiên, Nghị định từ năm 2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chưa nêu cụ thể về các chế tài với người bỏ cọc, như đề xuất trong dự thảo mới. Đây là lần đầu các quy định về đấu giá đất và chế tài với người bỏ cọc được nêu cụ thể.
Trước đó ngày 16/3, trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu quan điểm phải có chế tài mạnh mẽ hơn với người tự ý bỏ cọc đấu giá đất. Doanh nghiệp bỏ cọc sẽ phải xử lý "để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe"./.