Aa

Đề xuất thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng liệu có khả thi?

Chủ Nhật, 22/11/2020 - 07:55

Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, nếu triển khai thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng thì người dân vẫn có thể phân tán rác đi cho đỡ tiền và không có cách giải quyết nào thực sự triệt để vì ý thức người dân còn thấp.

Thông qua quy định thu phí rác thải theo khối lượng

Rác thải càng ngày càng là vấn nạn khó giải quyết của toàn xã hội. Số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2016 cho thấy, con người tạo ra 2,01 tỉ chất thải rắn và đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 3,4 tấn. Khoảng 12% số rác thải đô thị năm 2016 là nhựa, tương đương 242 triệu tấn.

Thống kê của Bộ xây dựng, mỗi năm tổng lượng rác thải sinh hoạt của người dân đổ ra gần 18 nghìn tấn mỗi ngày, tuồn ra biển khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Biện pháp xử lý rác thải phổ biến nhất ở Việt Nam là chôn lấp chiếm trên 70%, đốt thủ công chiếm 28%.

Số lượng rác thải ra quá lớn khiến cho các quốc gia phải đau đầu nghĩ cách xử lý. Ở Việt Nam, hiện tại mới chỉ có biện pháp thu gom rác thải theo hộ gia đình và không quan tâm đến gia đình đó có bao nhiêu người, xả rác nhiều hay ít chứ chưa có biện pháp hạn chế rác thải ra môi trường. Do đó, người dân không ý thức được và không có thói quen hạn chế rác thải.

Chính vì thế, cuộc họp Quốc hội chiều 17/11, các ĐBQH đã thông qua sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó có quy định thu phí rác thải theo khối lượng từng hộ gia đình. Quy định sẽ chính thức được thực hiện vào ngày 01/01/2022 và chậm nhất trước năm 2024.

Theo đó, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại gồm chất thải có khả năng tái chế, sử dụng; chất thải thực phẩm; chất thải khác. Rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng quy định thì không phải chi trả phí. Trường hợp hộ gia đình không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải trả phí cho tất cả các loại rác phát sinh.

Đối với các chuyên gia, đa số đều đồng tình với dự thảo này và cho rằng nó hoàn toàn phù hợp với xu hướng của các đô thị thông minh.

“Tôi cho rằng thu phí theo khối lượng là sự cải tiến so với phương pháp thu theo đầu người như hiện nay. Thu theo đầu người không khuyến khích được người dân giảm rác thải vì người thải nhiều cũng từng đó tiền ít cũng từng đó tiền.

Luật mới đã được thông qua tính theo khối lượng dẫn đến người dân phải tự giảm rác tại nguồn bằng nhiều cách khác nhau. Cái gì xài được thì họ để lại dùng, thậm chí loại rác thải như chai lọ phế liệu sẽ được bán đi đỡ phải trả tiền. Hoặc họ tìm cách giải quyết rác thải, tận dụng được cái gì thì tận dụng… Ví dụ đi ra mua mớ rau cũng phải tính toán đến bao bì. Từ đó sẽ sinh ra ý thức giảm chất thải để giảm tiền. Đó là cái tốt”

Rác thải ra môi trường là vấn nạn của toàn xã hội

Thực tế, một số nước trên thế giới đã áp dụng thu phí rác thải theo khối lượng chứ không phải mới mẻ gì.

Ở Mỹ, người dân phải “trả tiền cho những gì bạn ném đi” và tiền phí được áp dụng như thuế chất thải, mỗi gia đình đều phải nộp, càng xả ra môi trường bao nhiêu thì lại càng phải trả tiền bấy nhiêu. Chính sách này được cho là đã giúp giảm 17% khối lượng rác thải ra môi trường.

Tại Hàn Quốc, rác thu phí được tính theo thể tích của túi đựng rác. Chính phủ nước này cũng yêu cầu phân loại rác tại nguồn và các loại túi đựng rác chuyên dụng riêng theo từng chất thải.

Còn tại Nhật, từ năm 2003, đã có 30% các thành phố áp dụng tính phí đổ rác theo khối lượng/thể tích (của túi rác hoặc thùng rác). Rác thải được phân loại nghiêm ngặt thành các loại: rác tài nguyên tái chế, rác thải lớn (bàn ghế, giường tủ), rác không cháy (ni lông, nhựa), rác thải sinh hoạt hữu cơ (vụn thức ăn, rau cỏ...). Rác được phân loại ngay từ trong nhà, ngày đổ rác và địa điểm đổ rác được quy định rõ. Ví dụ rác sinh hoạt đổ vào ngày thứ 2, 4, rác thải rắn, lớn đổ tháng 1 lần, rác không cháy đổ vào thứ 3-5.

Tuy nhiên, người dân chưa hiểu rõ về quy định này vẫn đang khá hoang mang: “Tôi không hiểu là thu phí rác thải kiểu gì. Chẳng nhẽ mỗi nhà hoặc người đi thu rác phải mang theo một cái cân khi đổ rác à? Cân xong rồi thì lại ghi vào sổ như ghi số điện sao? Ôi bất tiện quá thể” Thu phí theo khối lượng rác có làm được không? Nếu vẫn thu phí theo khối lượng sẽ có tình trạng đổ rác đi nơi khác hoặc nhà khác ai quản lý được. Việc phân loại rác là tốt nhưng nhiều năm qua vẫn còn chưa được vì rất phức tạp . Cần nhiều loại túi , thùng đựng khác nhau, cần nhiều loại xe chở rác. Nên chăng tập trung rác về bãi rồi cho người phân loại , cho họ hưởng tiền công theo khối lượng hoặc cho họ hưởng phần rác có thể tái chế tái sử dụng. Để bù vào phí này, tăng tiền thu rác ở các hộ lên. Chứ thu phí theo khối lượng rác là khó khả thi” – Chị Mai Lan (Cầu Giấy) cho biết.

“Tôi mới nghe nói trên ti vi mà cũng chưa hiểu. Tôi đồng ý với việc thu tiền theo khối lượng rác để còn hạn chết bớt lượng rác khổng lồ mỗi ngày. Thế nhưng thu thế nào phải thật chặt chẽ, thậm chí phải phân loại ra hữu cơ và vô cơ. Chứ người thải rác hữu cơ thu bằng tiền người thải rác vô cơ thì cũng bằng hòa à? Rồi ai giám sát cái việc cân đo đong đếm đó?”

Không có biện pháp nào là triệt để

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam cho rằng, thu theo khối lượng tuy có cải tiến so với cách thu theo đầu người nhưng cũng tồn tại những bất cập. Thứ nhất là thu như thế nào? Đến nhà nào cũng cân thì không khả thi. Thứ hai, người dân sẽ có tâm lý "phân tán rác để đỡ tiền, sáng đi xe máy ra chỗ vắng vẻ, chỗ công cộng vất đi cho đỡ tiền. Hoặc người ta vất ở sông hồ kênh rạch… lại càng ô nhiễm hơn".

Tuy nhiên Bộ TNMT đã tiết lộ cách thức thực hiện, đó là tương tự như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, dùng bao bì quy định khối lượng rác và phân loại rác.

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ "Không có biện pháp nào là triệt để"

Có thể hình dung là, Bộ TNMT sẽ chia rác thành các loại túi khối lượng nhất định và bao bì nào dành cho rác hữu cơ, bao bì nào dành cho rác vô cơ không phân hủy được. Tiền xử lý rác tính vào tiền mua bao bì. Người dân càng xả nhiều rác thì càng phải mua nhiều bao bì loại này. Nhân viên thu thu rác chỉ cần nhìn là biết khối lượng bao nhiêu. Các hộ gia đình sẽ phải tự phân chia các loại rác thải phân loại gồm chất thải có khả năng tái chế, sử dụng; chất thải thực phẩm; chất thải khác. Các đơn vị thu gom có quyền từ chối nếu rác chưa được phân loại và không dùng bao bì đúng quy định.

Hiện nay tỉ lệ chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt còn cao dẫn đến nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt cao là do chúng ta không thực hiện phân loại rác tại nguồn. Với quy định trên của Bộ TNMT sẽ hạn chế được khâu phân loại rác trước khi xử lý.

Nhưng với cách phân loại trên, TS. Phùng Chí Sỹ cũng cho rằng không chính xác tuyệt đối. “Người dân vẫn có thể phân tán rác đi cho đỡ tiền, rồi không phải loại rác nào cũng giống nhau và cũng không phân loại được đâu là rác hữu cơ hay vô cơ. Rồi còn liên quan đến vấn đề kiểm soát ở bãi rác công cộng. Có thể lắp camera nhưng cũng không hết được. Có rất nhiều cách qua mặt camera không thể phát hiện được. Người ta mang rác đi tẩu tán ở sông hồ kênh rạch… lại càng ô nhiễm hơn.”

Phó Giáo sư Sỹ khẳng định, không có cách giải quyết nào thực sự triệt để tại Việt Nam vì ý thức của người dân chưa thể bằng bên Hàn bên Nhật được “Một khi nhận thức chưa cao thì tất cả những bất cập đều có thể xảy ra”. Do đó việc quan trọng nhất là giáo dục ý thức cho người dân. Dù sao, với quy định mới này sẽ dần từng bước nhân rộng các mô hình điển hình để hoạt động phân loại rác tại nguồn thực sự đi vào cuộc sống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top