Aa

Đề xuất giảm thuế VAT 2% trong nửa đầu năm 2024: Bất động sản mong được lọt danh sách

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 18/10/2023 - 06:05

Theo chuyên gia, thị trường BĐS hiện chưa thoát khỏi khó khăn nên vẫn cần trợ lực từ các chính sách để vực dậy. Trong đó, việc giảm thuế VAT 2% được xem là giải pháp hữu hiệu để kích hoạt thanh khoản thị trường.

Cần mở rộng đối tượng giảm 2% thuế VAT với bất động sản

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như ngân hàng, chứng khoán và kinh doanh bất động sản không nằm trong đối tượng được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% của năm 2023.

Vì vậy, ở thời điểm hiện tại - khi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị liên quan về đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024, không ít ý kiến cho rằng, nên mở rộng đối tượng áp dụng chính sách, trong đó có các sản phẩm bất động sản.

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản đã đón nhận nhiều chính sách, giải pháp  từ Chính phủ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi như thành lập Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho các dự án, ban hành Nghị định 08 hỗ trợ thị trường trái phiếu, Nghị định 10 quy định về cấp sổ đỏ cho condotel… Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có động thái giảm lãi suất điều hành hay nới room tín dụng lên 14% để hỗ trợ thị trường.

Đến nay, có thể nói thị trường bất động sản đã vượt qua được giai đoạn xấu nhất và kết thúc đà suy giảm từ nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa đủ khỏe để hồi phục mạnh mẽ. Số doanh nghiệp giải thể qua mỗi tháng, mỗi quý vẫn tiếp tục tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới giảm.

Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, bất động sản cần được nằm trong danh sách giảm thuế VAT. Và việc giảm thuế VAT trong kinh doanh bất động sản sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để kích hoạt thanh khoản thị trường.

TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM)

Trao đổi với Reatimes, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) nhìn nhận, thị trường bất động sản hiện chưa thoát khỏi khó khăn nên vẫn cần trợ lực từ các chính sách để vực dậy. Bên cạnh tháo gỡ pháp lý, khơi thông dòng vốn nhằm hỗ trợ cho phía chủ đầu tư, Nhà nước có thể xem xét đến việc giảm 2% thuế VAT cho lĩnh vực này để hỗ trợ người mua nhà.

Theo chuyên gia, VAT là thuế gián thu nên bản chất không phải giảm thuế cho các doanh nghiệp bất động sản mà là giảm cho người tiêu dùng mua nhà ở và các bất động sản khác. Vì vậy, nếu nhóm kinh doanh bất động sản được đưa vào danh mục giảm 2% thuế VAT, ít nhất giá nhà ở sẽ hạ theo tỷ lệ này. Khi đó, người dân sẽ có cơ hội mua được nhà với chi phí thấp hơn. Điều này có thể trở thành động lực để người dân quyết tâm hơn trong việc mua nhà ở thời điểm hiện tại, từ đó giúp thanh khoản thị trường hồi phục.

"VAT là thuế gián thu nên bản chất không phải giảm thuế cho các doanh nghiệp bất động sản mà là giảm cho người tiêu dùng, chủ yếu là mua nhà ở và bất động sản khác. Vì vậy, nếu nhóm kinh doanh bất động sản được đưa vào danh mục giảm 2% thuế VAT, ít nhất giá nhà ở sẽ hạ theo tỷ lệ này".

TS. Huỳnh Thanh Điền

“Trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước tăng chi giảm thu là cần thiết. Với một nền kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng, Nhà nước cần bơm tiền ra đúng nơi, đúng thời điểm để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu chỉ chú ý vào các khoản thu sẽ làm nền kinh tế suy giảm mạnh hơn. Trong đó, bất động sản là một lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt, bởi đây được coi là ‘hàn thử biểu’ của nền kinh tế”, TS. Huỳnh Thanh Điền nhận định.

Trước đó, tại phiên họp của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 5/2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng cần mở rộng đối tượng được nhận hỗ trợ ưu đãi giảm 2% thuế VAT, không nên loại trừ đối với một số hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại… bởi đây cũng là những lĩnh vực khó khăn, cần kích cầu tiêu dùng.

Thị trường bất động sản cần thời gian để vực dậy

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, thị trường bất động sản gặp khó khăn hơn 1 năm nay không đơn thuần xuất phát từ các tác động bên ngoài hay là hệ quả của việc điều hành chính sách tiền tệ có phần giật cục, mà nguyên nhân cơ bản là do nội tại thị trường đã phát triển quá nhanh và nóng trong chu kỳ 10 năm trở lại đây.

Thời gian qua, bất động sản Việt Nam phát triển "không giống ai", bơm tín dụng là thị trường sôi động, thắt tín dụng là thị trường đứng hình. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn này, trong khi bất động sản cần vốn trung dài hạn mà tín dụng ngân hàng lại là vốn ngắn hạn.

Còn một vấn đề khác là tình trạng đầu cơ trên thị trường quá nhiều. Thực tế nguồn cung bất động sản Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhưng cung - cầu vẫn chênh lệch là do nguồn cung đến với giới đầu cơ chứ không về được tay người có nhu cầu thực. Việc mua đi, bán lại trên thị trường thứ cấp diễn ra như một nghề hái ra tiền được người người nhảy vào.

“Nền kinh tế có căn cơ hay không nằm ở chỗ, người dân kiếm tiền phải bằng cách tạo ra các hàng hóa dịch vụ, mang đến lợi ích cho xã hội; chứ không phải có tiền là đầu cơ đất, đầu cơ nhà. Bởi điều này không tạo ra giá trị cho sự phát triển của nền kinh tế mà tiền chỉ đang chạy vòng quanh, từ túi người này qua túi người khác”, TS. Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản vẫn cần thời gian để vực dậy. (Ảnh minh họa: Bùi Doanh)

Vì vậy, chuyên gia cho rằng, những khó khăn trong 1 năm trở lại đây là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản “nhìn lại mình”, “tự điều chỉnh bản thân”. Nếu Chính phủ, các Bộ, ngành nỗ lực hỗ trợ để đưa thị trường ra khỏi “vũng lầy” thành công, nhưng bản chất tính đầu cơ của thị trường không thay đổi, hình thái phát triển bền vững của thị trường không hình thành, thì thị trường sẽ nhanh chóng bước vào giai đoạn suy thoái tiếp theo. Thị trường sẽ lại tiếp tục điệp khúc “nóng - lạnh”, “thăng hoa - suy giảm”.

Do vậy, để thị trường thực sự vực dậy và phát triển bền vững, nhà điều hành cần nhìn thẳng vào vấn đề cốt lõi để có những giải pháp đúng và trúng. Đơn cử như việc điều tiết để thị trường không phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng. Hay Chính phủ nên ưu tiên cho việc mua nhà lần đầu, những dự án bán lần đầu, sản phẩm sơ cấp. Còn đối với thị trường thứ cấp, nên hạn chế bơm tiền vào để tránh tình trạng mua đi bán lại. Luật pháp liên quan đến ngành bất động sản cũng cần có những quy định rõ ràng để tránh hoạt động đầu cơ. 

“Tôi cho rằng, thị trường bất động sản vẫn cần thời gian dài để vực dậy và phát triển theo hướng bền vững. Đâu đó khoảng nửa cuối năm 2024, thị trường mới có cơ hội bước vào chu kỳ mới”, ông Điền dự đoán./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top