Aa

Lãi suất liên tục hạ, vì sao thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động?

Thứ Hai, 16/10/2023 - 14:00

​​​​​​​PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, lãi suất giảm rất có lợi cho thị trường bất động sản, nhưng hiện nay giá bất động sản vẫn rất cao nên để thị trường sôi động là rất khó.

Lãi suất hạ, thị trường vẫn chưa khởi sắc

Sau khi ngân hàng Vietcombank giảm lãi suất, 3 ngân hàng còn lại trong nhóm "big 4" (Agribank, Vietinbank, BIDV) cũng đồng loạt hạ thêm lãi suất huy động, đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống 5,3%/năm. Đây là mức thấp hơn cả giai đoạn dịch COVID-19.

Cụ thể, ngân hàng Agribank công bố biểu lãi suất mới, điều chỉnh giảm 0,2% tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng giảm từ 3,5% xuống 3,3%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng giảm từ 4,5% xuống 4,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên là 5,3%/năm. Vietinbank và BIDV công bố mức lãi suất tương tự. Đây cũng là các mức lãi suất mà ngân hàng Vietcombank áp dụng vào ngày 3/10 trước đó.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm thời gian qua, nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc như một số dự báo của năm ngoái. 

Lãi suất liên tục giảm - Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Huyền Trang - một nhân sự ngành công nghệ thông tin cho biết, dù lãi suất hạ nhiệt nhưng giá nhà đất lẫn chung cư đều tăng (trong khi giá nhà vốn đã rất cao), còn thu nhập giảm nên không dám vay mua nhà. 

“Ngành công nghệ tưởng chừng “hot” nhưng thời gian qua thu nhập của rất nhiều nhân sự ngành này giảm sút, thậm chí rất nhiều người bị đào thải. Do đó, việc vay khoảng 1,5 tỉ đồng và trả gốc và lãi hàng tháng với mức lãi suất khoảng 9% hiện nay cũng không phải vấn đề đơn giản”, chị Trang nói.

Anh Lê Hoàng Hiệp, một môi giới bất động sản tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm cho biết, thị trường bất động sản hiện nay chỉ có nhà thổ cư, chung cư, tức là phân khúc ở thực là có giao dịch, còn các phân khúc như đất nền dù giá giảm vẫn rất ít giao dịch. 

“Lãi suất hạ nhưng thanh khoản vẫn khó khăn, việc đầu tư, đầu cơ, “lướt sóng” không hiệu quả nên ít người mặn mà đầu tư ngắn hạn và việc dùng “đòn bẩy” để đầu tư bất động sản giai đoạn này càng không có. Nếu lực lượng đầu tư không có thì bất động sản rất khó sôi động trở lại”, anh Hiệp nói. 

Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2023 của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) vừa công bố cho thấy, trong quý 3/2023, lượng giao dịch thực tế chưa tăng nhưng tâm lý của khách hàng đã được cải thiện, tỷ lệ tìm kiếm bất động sản của khách hàng gia tăng, đặc biệt là phân khúc phục vụ nhu cầu ở. 

Theo báo cáo, "khẩu vị" khách hàng tập trung vào việc ưu tiên lựa chọn sản phẩm có pháp lý chuẩn, chủ đầu tư uy tín và chính sách bán hàng cạnh tranh, đặc biệt về phần tài chính và thanh toán. Về nhu cầu, loại hình thu hút khách hàng hiện tại là căn hộ tại các thành phố lớn, đất nền, nhà phố…

Tuy nhiên, trước câu hỏi khách hàng có ý định mua bất động sản khi lãi suất đã giảm hay không, chỉ 26% số người được hỏi chọn đáp án "có", 43% trả lời "chưa chắc chắn’’ và 31% phản hồi "không". Điều này cho thấy khi lãi suất giảm, niềm tin thị trường đang dần dần quay lại, nhưng chưa lớn. 

Giá bất động sản vẫn rất cao

Ở góc nhìn chuyên gia, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, lãi suất giảm rất có lợi cho thị trường bất động sản, nhưng hiện nay giá bất động sản vẫn rất cao nên để giao dịch sôi động là không thể.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - Ảnh: Bizlive

“Thị trường bất động sản vẫn rất nhiều khó khăn, việc tái cấu trúc vẫn đang diễn ra, chưa kể tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn khó khăn nên dòng tiền chưa quay lại thị trường. Chúng ta thấy giá một số phân khúc bất động sản vẫn tăng và lượng người quan tâm rất nhiều nhưng số người bỏ tiền ra mua lại rất ít”, ông Thịnh nói.

Do đó, theo ông Thịnh, việc hạ lãi suất chưa phải là yếu tố quyết định nhà đầu tư có rót tiền vào bất động sản hay không, mà còn tuỳ thuộc vào mức giá và diễn biến của thị trường. Khi giá bất động sản đã ở rất cao thì việc đầu tư sẽ khó thu được lợi nhuận, thậm chí đối mặt với rủi ro. Do đó, để thị trường hồi phục thì cần thêm nhiều thời gian. 

Chuyên gia phân tích thêm, lãi suất hạ cũng là điều kiện rất tốt để những người có nhu cầu ở thực tìm mua nhà cho mình. Ngoài ra, với những người vay tiền mua nhà ở giai đoạn trước thì lãi suất hạ cũng khiến họ dễ thở hơn trong bối cảnh hết ưu đãi lãi suất.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, như các động thái tháo gỡ khó khăn của cơ quan chức năng về vốn và pháp lý; nhiều luật liên quan đến bất động sản sắp được thông qua và đặc biệt, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được đẩy mạnh. Những điều này sẽ là động lực để đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường.

“Nếu tháo gỡ được những vướng mắc để đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, thì khi lượng nhà giá rẻ này được tung ra, người dân sẽ đón nhận bởi đây là phân khúc vừa túi tiền, giảm áp lực tài chính cho người mua nhà. Điều này cũng góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phục hồi của thị trường bất động sản”, ông Thịnh nói. 

Có "độ trễ" để chính sách có thể ngấm vào thị trường bất động sản - Ảnh: Vietnamnet

Tại buổi công bố báo cáo quý 3/2023, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, nếu như giai đoạn 2008-2012, thị trường mất đến 4 năm mới có dấu hiệu điều chỉnh lãi suất ngân hàng thì ở giai đoạn này, ngay từ quý 1/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành và sau đó là các đợt giảm nhiều loại lãi suất.

“Lãi suất ngân hàng đang ghi nhận chuyển biến tích cực. Tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có động thái hạ trần lãi suất cho đến lúc thị trường bất động sản bắt đầu đảo chiều là phải mất 1,5 năm. Cuối năm 2023 là thời điểm bất động sản bước qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng chưa thể tính đến chuyện phục hồi sớm”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 6/10, tính đến cuối tháng 7, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022. 

Như vậy, dù giảm lãi suất nhưng số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng liên tiếp tăng, những kỷ lục cũ liên tục bị phá. So với cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng tăng thêm gần 752.600 tỷ đồng.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top