Hạ tầng giao thông thuận tiện, cảnh quan sinh thái tự nhiên rộng lớn, gần gũi nhiều di tích lịch sử, thắng cạnh,... không phải ngẫu nhiên mà khu vực hồ Tây lại tập trung nhiều khách sạn sang trọng, cao cấp đến thế. Có thể kể đến InterContinental Hanoi Westlake, Sheraton và Sofitel Plaza…
Tuy nhiên, dù có nhiều ưu thế hoàn hảo để trở thành một điểm đến phục vụ du lịch trong bối cảnh ngành du lịch có tốc độ phát triển cao, nhiều chính sách mở cửa thu hút du khách quốc tế, song dường như hồ Tây vẫn còn thiếu một điểm nhấn vùng. Điểm nhấn ấy có thể là một công trình cao tầng tầm nhìn toàn thành phố, cũng có thể là một kiến trúc đặc biệt,... Nếu giả sử đó là một công trình cao tầng có tầm nhìn rộng mở giống nhiều công trình biểu tượng trên thế giới, thì câu hỏi đặt ra là: "Có được hay không?"
Trả lời cho câu hỏi này, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: "Theo hướng phát triển của đô thị Hà Nội, tôi hoàn toàn hoan nghênh nhà cao tầng, các công trình cao tầng, bởi đây là hình thái đô thị nén thay vì lan tỏa theo chiều rộng. Tuy nhiên cao tầng thì phải xem xét xây công trình đó ở vị trí khu vực nào là phù hợp, hạ tầng có tương xứng hay không. Nếu không gia tăng mật độ dân số, không đòi hỏi thêm hoặc gây áp lực nên các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông thì hoàn toàn khả thi. Riêng khu vực khách sạn Thắng Lợi nằm ở vị trí vàng nhìn ra toàn cảnh hồ Tây và sông Hồng nên ưu thế về xây dựng khách sạn chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư".
TS. Liêm nói rõ ràng, quan trọng là phải rà soát lại tất cả các văn bản xem khu vực đó có được phép xây cao tầng hay không. Nếu xây dựng thì có ảnh hưởng đến không gian, di sản văn hóa của hồ Tây nói riêng, Hà Nội nói chung hay không?
Ở góc độ bảo tồn các di sản, TS. KTS Ngô Doãn Đức, Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, khách sạn Thắng Lợi được Cu Ba xây tặng Việt Nam từ năm 1973 và được khánh thành vào năm 1975. Hơn 40 năm tồn tại, ngoài giá trị về kiến trúc, công trình còn là biểu tượng tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cu Ba.
“Câu chuyện khách sạn Thắng Lợi, không nên “ôm khư khư” mà nên cải tạo nâng cấp giá trị. Người ta cải tạo nhưng không chất tải những khối tích quá lớn, có giải pháp hợp lý để chấp hành những chỉ số về quy hoạch, những quy định về quy hoạch và giải pháp kiến trúc tương thích thì nên khuyến khích", TS.KTS Ngô Doãn Đức phân tích.
Theo ông Đức, nếu nhìn dưới góc độ phát triển kinh tế xã hội của khu vực và vùng phụ cận, các chuyên gia quy hoạch, KTS Hà Nội hoàn toàn có thể xem xét để điều chỉnh quy hoạch của khách sạn Thắng Lợi với chiều cao 36 tầng.
“Đáng lẽ ở câu chuyện khách sạn Thắng Lợi, cần phải có cuộc họp nhanh các nhà khoa học, nhà quy hoạch để phân định khu vực này nên xây thế nào, xây ra sao nhưng không hề có cuộc họp nào mới dẫn đến tranh cãi có cho xây khách sạn cao tầng hay không. Qua đây Hà Nội phải công bố quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu rõ ràng để doanh nghiệp biết. Không nên trách chủ đầu tư, khi họ bỏ tiền ra đầu tư họ cũng muốn công trình tốt nhưng không rõ ràng về quy hoạch sẽ khiến họ gặp khó”, TS.KTS Ngô Doãn Đức nói thêm.