Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm

Nhà báo Trọng Chính
Nhà báo Trọng Chính trongchinhphoto@yahoo.com
Thứ Bảy, 16/03/2024 - 06:05

Không chỉ hệ sinh thái đa dạng với hàng nghìn loài động thực vật, Vườn Quốc gia Cúc Phương còn có những cây chò ngàn năm tuổi, cây đại thụ cả chục người ôm mới hết... Đó là một không gian đặc biệt để "tắm rừng", thuật ngữ "Shinrin yoku" trong tiếng Nhật có thể hiểu là để cơ thể và tâm hồn được thư giãn, gột rửa trong không khí của rừng, bằng tất cả các giác quan.

***

Khái niệm "tắm rừng" bắt đầu từ thuật ngữ "Shinrin yoku" nghĩa là tách biệt khỏi guồng quay hàng ngày, tìm sự tĩnh lặng, để bình tâm nhìn lại, lắng nghe. Có nhiều cách vào Cúc Phương "tắm rừng" nhưng đi bộ là thú vị nhất bởi có thể khám phá tận ngóc ngách của rừng trong mỗi bước đi. Đây không phải là lần đầu đặt chân tới Cúc Phương, nhưng với hơn 3 tiếng đi rừng, len lỏi xuyên qua những tán cây to, nhỏ và chằng chịt dây leo trong huyền ảo sương mù "treo" khắp không gian, thật ấn tượng và khó quên.

Mang theo chiếc máy ảnh, hành trình "chinh phục" Cúc Phương của tôi cũng không ghê gớm như các đường "Jungle Marathon", sự kiện chạy bộ vượt rừng tổ chức nhiều trong thời gian gần đây. Đơn giản hơn, chỉ trekking từ bìa rừng đến cây chò ngàn năm tuổi, một "huyền thoại" trong Vườn Quốc gia Cúc Phương. Từng nghe, đọc nhưng để tận mắt chứng kiến, "chạm" tới "cụ" chò, tôi phải men theo những con đường mòn nhỏ dẫn lên gốc.

Rừng Cúc Phương có một con đường dài gần 20km đi sâu vào vùng lõi, song để đến được vị trí cây chò ngàn năm vẫn phải đi bộ trong rừng rậm thêm 3-4km nữa. Đó thực sự là quãng đường "ma mị" trong buổi sáng mù sương, xuyên qua các tầng thực vật đa dạng, đặc biệt là khu rừng nguyên sinh với những cây to, từng mảng rêu bám đầy thân.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 1.

Diện tích rừng chủ yếu là các lớp quần hệ rừng rậm nhiệt đới thường xanh trên đất thấp và núi thấp, phong hóa từ đá phiến và đá vôi, thể hiện tính đặc trưng của các hệ sinh thái núi đá vôi và tính đa dạng sinh học cao.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 2.

Những cây chò, loài thực vật tiên phong vươn sáng, tỉa tán tự nhiên và có sức sống mãnh liệt trong rừng...

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 3.

… trong lớp sương mù bảng lảng, những thân cây dáng hình ma mị trong Vườn quốc gia.

Nếu mùa hè, từ tháng 4-8 là thời tiết đẹp, có nắng, ít mưa bão thích hợp để vào rừng thì đầu tháng 3, chỉ mù và sương là đặc sản đón chúng tôi. Đó cũng là lý do các thành viên trong team dù đến đây nhiều lần cũng phải thốt lên rằng, Cúc Phương rộng lớn và đúng là bí ẩn như "Mê cung kỳ thú". Quả thực, với một cánh rừng nguyên sinh có lịch sử hàng triệu năm như Cúc Phương, chắc chắn mang bên trong một hệ giá trị tiềm ẩn và kỳ thú. Các khối đá vôi trông cằn cỗi nhưng trên đó lại có một hệ sinh thái với động, thực vật hàng trăm, hàng nghìn loài khác nhau. Rõ ràng đó là sự bí ẩn và kỳ thú.

Là một trong những cây đại thụ ở Việt Nam, cây chò ngàn năm có tên khoa học là Terminalia myriocarpa, chiều cao lên tới 50m, đường kính 5m và chu vi hơn 20 người ôm mới hết. Tiếc rằng, tôi đến đây khi cây đã chết, còn lại chiếc gốc mục. Phần thân trên cây chia làm ba nhánh lớn, thân vươn thẳng, độ cao đạt 50m. Tuy nhiên, khi được chạm tay vào gốc cây, vẻ kỳ vĩ của nó vẫn thực sự gây choáng ngợp với tôi khi được tận mắt nhìn thấy. Nằm giữa lõi rừng, cây chò ngàn năm đã trở thành một biểu tượng, một linh hồn của Cúc Phương và ngay cả khi đã chết đi vẫn sừng sững, hiên ngang.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 4.

Càng đi sâu vào rừng, cảm giác thật bí ẩn và hoang dã.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 5.

Vẻ uy nghi của những cây chò với thân cao lớn, tán xòe rộng phủ bóng cả một vùng...

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 6.

… cùng không gian trong lành của rừng, "chữa lành" cho những mỏi mệt…

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 7.

Những con đường trong rừng quanh co, ngang qua nhiều cây cổ thụ với dây leo vắt quanh ma mị…

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 8.

… cùng hệ sinh thái vô cùng đa dạng.

Nằm cách Hà Nội 120km về phía Nam, Vườn Quốc gia Cúc Phương được thành lập năm 1962, thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, có tổng diện tích 22.408ha nằm sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học nên từ lâu, Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách. Cúc Phương cũng là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam và là một trong những viên ngọc quý về sinh thái rừng trên thế giới 3 năm liền (2019 - 2021) được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.

Chuyến đi ngắn không chỉ mang đến cho chúng tôi trải nghiệm thú vị mà còn là một nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống bộn bề. Ba giờ trong rừng trôi qua thật nhanh nhưng là quãng nghỉ cần thiết để lấy lại năng lượng của mình. Bước ra khỏi rừng, một cảm giác khá mệt nhưng lại là cái mệt khỏe người, để sẵn sàng bước tiếp hành trình mới của mình./.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 9.

Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương có nhiều loài cây cổ thụ lâu năm được biết đến như chò, đăng, sấu... đều có độ cao từ 50m trở lên.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 10.

Những dây leo khổng lồ vắt ngang tán cây cổ thụ cao lớn trong rừng.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 11.

Cây chò chỉ 1.000 năm tuổi ở Vườn Quốc gia Cúc Phương có hai thân, phần gốc cực lớn, chu vi khoảng 20 người ôm. Người dân sống ở khu vực này cho biết, cây đã chết khô từ khoảng 5 năm về trước, nguyên nhân có thể do cây đã quá già cỗi…

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 12.

… và dù đã chết, thế cây vẫn tỏ ra vững chãi, phần rễ lan rộng chu vi hàng chục mét.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 13.

Đến Cúc Phương, xuyên rừng ma mị, ngắm cổ thụ ngàn năm- Ảnh 14.

Hình ảnh tương quan với con người cho thấy độ to lớn của phần gốc cây chò nghìn năm tuổi.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top