Aa

Đến năm 2030 quy hoạch đất đô thị đạt 2,95 triệu ha

Bảo Linh
Bảo Linh vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 29/10/2021 - 16:45

Để đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha.

Chiều 29/10, tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững; phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất (quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch tỉnh) đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn; giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.

Đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ các hệ sinh thái, di tích, di sản, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho không gian phát triển, khai hoang, lấn biển.

Tiếp cận nguyên tắc thị trường và phát triển bền vững, mọi nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên sự cân bằng và khả năng cung ứng của hệ sinh thái, bảo vệ, phục hồi đất bị suy thoái, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; được phân kỳ để sử dụng hợp lý, bền vững, tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng các mục tiêu: Đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%, kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực; khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha

Tờ trình nêu rõ, đến năm 2050, tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 6 vùng kinh tế - xã hội, đảm bảo cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; đảm bảo cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.

Về phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu:

Đất nông nghiệp: Chỉ tiêu được Quốc hội quyết định đến năm 2020 của cả nước là 27,04 triệu ha. Thực hiện quy hoạch được phê duyệt, cả nước đã chú trọng công tác bảo vệ, quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng lúa; thực hiện tốt việc khai hoang, phục hóa; năm 2020, diện tích đất nông nghiệp có 27,98 triệu ha đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42 - 43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu ha , giảm 251,22 nghìn ha.

Đất phi nông nghiệp: Trong 10 năm vừa qua, diện tích đất phi nông nghiệp tăng 226,04 nghìn ha, năm 2020 có 3,93 triệu ha. Trong thời kỳ 2021 - 2030 đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,90 triệu ha. Trong đó: Đất khu công nghiệp: Chỉ tiêu được Quốc hội quyết định đến năm 2020 là 191,42 nghìn ha, thực hiện được 90,83 nghìn ha đạt 47,45%. Đất quốc phòng, đất an ninh: Với quan điểm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, an toàn xã hội. Quy hoạch đến năm 2030 đất quốc phòng là 289,07 nghìn ha, tăng 45,91 nghìn ha; đất an ninh là 72,33 nghìn ha, tăng 19,62 nghìn ha.

Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia: Năm 2020, cả nước có 1,34 triệu ha đất phát triển hạ tầng. Trong thời kỳ 2021 - 2030, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng tạo đột phá cho phát triển của đất nước, quy hoạch sử dụng đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia đến năm 2030 là 1,75 triệu ha, tăng 412,20 nghìn ha so với năm 2020. Trong đó: Đất giao thông là 921,88 nghìn ha, tăng 199,55 nghìn ha đảm bảo đủ quỹ đất cho phát triển hạ tầng giao thông  đi trước một bước để thúc đẩy đầu tư, phát triển, gia tăng giá trị đất đai. Đất cơ sở giáo dục đào tạo là 78,60 nghìn ha, đất cơ sở y tế 12,04 nghìn ha, đất cơ sở văn hóa 20,37 nghìn ha, đất thể dục thể thao 37,78 nghìn ha đáp ứng yêu cầu về chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2030.

Đất đô thị: Cả nước hiện có 2,03 triệu ha (gồm các loại đất nằm trong phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn; các khu đô thị mới đã hình thành thuộc phạm vi phát triển đô thị); đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha. Chỉ tiêu các loại đất còn lại được thể hiện tại Tờ trình, Báo cáo quy hoạch.

Về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm được tính toán, phân kỳ trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn; các kịch bản tăng trưởng kinh tế có tính đến độ trễ do tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước; nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, Bộ, ngành, lĩnh vực...

Quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng

Tờ trình cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện như hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều; tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, không làm thay đổi tính chất lý hóa của đất có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát. Hoàn thiện thể chế tăng cường giám sát, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện, công khai quy hoạch; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và của nhân dân.

Đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung. Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong việc giám sát thực hiện quy hoạch; ưu tiên đầu tư công cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong 5 năm đầu kỳ để dẫn dắt đầu tư tư nhân; tạo quỹ đất phụ cận của các công trình để đấu giá quyền sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai.

Về ứng phó với biển đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái: Khai hoang phục hóa phát triển diện tích rừng trên đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông ven biển; phát triển cây xanh đô thị, thúc đẩy, phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải; phát triển các khu xử lý, tái chế rác thải liên vùng, liên tỉnh; về kiểm tra, giám sát: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Thực hiện giám sát thường xuyên quy hoạch bằng các công nghệ hiện đại.

Về vấn đề tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trên cơ sở quy hoạch được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ chỉ đạo: Tổ chức thực hiện công bố công khai, phát huy vai trò giám sát của nhân dân; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch có sử dụng đất; bố trí các nguồn vốn để đảm bảo thực hiện quy hoạch; quan tâm đầu tư cho điều tra, đánh giá đất đai, hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Tổ chức lập, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; các quy hoạch có sử dụng đất như quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch kết cấu hạ tầng… thống nhất với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, trong đó quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, sông hồ, di tích, danh thắng để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, các giá trị văn hóa; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất, đồng bộ giữa chỉ tiêu và khoanh định trên thực tế để đảm bảo quản lý nghiêm ngặt các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top