Tọa lạc tại Thái Bình với khuôn viên rộng 850m2, sở hữu vị trí đắc địa với 18m tiếp giáp hướng sông và 1 mặt tiền giáp đường chính, công trình thờ tự chào đón những người con xa quê với vẻ đẹp rất riêng như một khu nghỉ dưỡng nhưng không kém phần trang nghiêm.
Không gian thấm đượm nỗi niềm của người con xa quê
Là một người làm ăn xa quê hương rất chú trọng toàn vẹn chữ hiếu, gia chủ mong muốn có thể tạo nên một không gian thống nhất giữa việc thờ phụng và nghỉ dưỡng, không chỉ để bản thân mà cả ông bà, con cháu dòng họ được tìm về với cội nguồn và gắn bó cùng quê cha đất tổ.
Đó là khởi nguồn về một không gian tràn ngập sự sống, ẩn chứa tình thương gia đình sâu sắc chứ không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự trang nghiêm, chỉ có hương khói và nguội lạnh. Nhà thờ tuy được xây dựng xa nhà nhưng lại đọng lại nhiều cảm xúc cho những người con xa xứ khi trở về thờ cúng tổ tiên.
Nắm bắt được tâm sự của chủ nhà, An Nam - đơn vị thiết kế và thi công của công trình này đã khéo léo quyết định thiết kế công trình với phong cách nhà vườn xen kẽ không gian sống, tạo ra các sân rộng rợp bóng cây theo lối thiết kế nhà Bắc Bộ.
“Căn nhà không nhất thiết phải mang vẻ đẹp rồng phượng, một căn nhà đẹp không chỉ đơn giản là để ở, mà phải kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này vào một không gian”, kiến trúc sư cho biết.
Vẻ đẹp trường tồn theo thời gian
Vì gia chủ hy vọng giữ lại được nét truyền thống của nhà Bắc Bộ thời xưa, xây dựng phải phù hợp với môi trường thiên nhiên, nương nhờ vào thiên nhiên để tạo nên một hệ sinh thái bền vững, An Nam đã thống nhất phương án thiết kế: Vẫn giữ lại những gì tinh túy nhất của lối thiết kế nhà thờ miền Bắc, lược bớt đi những chi tiết quá cũ, cổ hủ và thêm thắt những chi tiết hiện đại phục vụ cho công năng nghỉ dưỡng.
Căn nhà được chia thành hai khối: Khối phía trước là nhà thờ tạo ra các nét trang trọng, phía sau được tận dụng để xây dựng khối nhà nghỉ dưỡng với tầm nhìn ra sông, tạo cảm giác tươi mới tràn đầy.
Không gian mặt tiền khi bước vào là khu thờ và sảnh lớn bên hông liên kết chung với mái nhà thờ và từ sảnh có thể nhìn xuyên qua phòng khách, bếp của khu vực sau - đó cũng là mặt tiền thứ hai của căn nhà.
Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập của chốn thị thành, nơi đây mang vẻ đẹp yên bình như một thanh âm kết hợp hài hòa những nốt trầm truyền thống cùng nốt thăng hiện đại.
Các khoảng không gian xen kẽ kết hợp với việc trồng nhiều cây cối giúp nơi thờ tự mang vẻ đẹp độc đáo hơn so với các công trình nhà thờ thông thường, một vẻ đẹp đậm chất thôn quê, cổ điển nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại.
Phần mái nhà không chỉ được làm mái ngói ngang truyền thống Bắc Bộ mà được cách điệu, tạo nên một nét đương đại, những góc tam giác mang lại vẻ đẹp cổ điển đậm chất thôn quê nhưng vẫn tạo điểm nhấn mỹ thuật trong kiến trúc.
Trở lại với hơi thở hiện đại, công trình được thiết kế với các khoảng không gian tiện nghi phù hợp với công năng nghỉ dưỡng tại mặt tiền thứ hai của căn nhà.
Toàn bộ không gian được thiết kế khéo léo lấy trọn ánh sáng tự nhiên, chiếu sáng kín đáo, nhẹ nhàng; ưu tiên chiếu sáng không gian nhà phía trước, nơi tiếp khách hoặc diễn ra các hoạt động đông người của gia đình.
Vật liệu sử dụng trong nhà có xu hướng giản dị, gần gũi với tự nhiên, khi kết hợp với nhau đem lại một tổng thể sắc nét chứa đựng tinh thần riêng của không gian nội thất Bắc Bộ. Màu sắc tối giản, trung tính tạo nên không gian ấm áp, yên bình, thấm đượm vẻ đẹp của thời gian./.