Ngày 2/12/2005, công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La – một trong những dự án thủy điện trọng điểm quốc gia – chính thức được khởi công tại huyện Mường La cũ, tỉnh Sơn La. Sau 7 năm thi công liên tục, vượt tiến độ Quốc hội phê duyệt 3 năm, nhà máy đã hoàn thành và khánh thành vào ngày 23/12/2012, trở thành biểu tượng của sức mạnh công nghiệp và ý chí Việt Nam.
Thủy điện Sơn La nằm trên thượng nguồn sông Đà, cách Thủy điện Hòa Bình khoảng 200km về phía Tây Bắc. Với công suất lắp đặt 2.400MW, gồm 6 tổ máy (mỗi tổ 400MW), đây không chỉ là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm khánh thành.

Nhà máy Thủy điện Sơn La không chỉ là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm khánh thành. Ảnh: Internet
So sánh với các "đàn anh" cùng dòng sông, Sơn La vượt trội cả về công suất và sản lượng điện so với Thủy điện Hòa Bình (1.920MW) và Thủy điện Lai Châu (1.200MW). Trung bình mỗi năm, nhà máy sản xuất khoảng 10,246 tỷ kWh, đủ đáp ứng nhu cầu điện của hơn 2,8 triệu hộ gia đình (theo báo Tuổi Trẻ).
Đặc biệt, sản lượng này còn bổ sung cho Thủy điện Hòa Bình khoảng 1,267 tỷ kWh/năm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ban đầu, dự án được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2015, nhưng nhờ sự nỗ lực phi thường của hàng vạn kỹ sư, công nhân, tiến độ đã được rút ngắn đáng kể. Ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 hòa lưới điện quốc gia. Năm 2011, ba tổ máy tiếp theo lần lượt đi vào vận hành. Ngày 26/9/2012, tổ máy cuối cùng hoàn tất chạy thử, và đến tháng 12/2012, toàn bộ nhà máy được đưa vào hoạt động.

Đập Thủy điện Sơn La. Ảnh: Báo Lao Động
Đập chính của công trình cao 138,1m, dài gần 1km, được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn tiên tiến nhất thời điểm đó, trở thành đập bê tông đầm lăn cao nhất Việt Nam và nằm trong top 9 đập cao nhất thế giới. Hồ chứa của nhà máy rộng 224km2, tuy dung tích (9,26 tỷ m3) thấp hơn Thủy điện Hòa Bình (9,45 tỷ m3), nhưng nhờ thiết kế tối ưu, sản lượng điện của Sơn La vẫn cao hơn. Toàn bộ công trình được trang bị hệ thống quan trắc với 668 thiết bị giám sát an toàn, đảm bảo vận hành ổn định lâu dài.
Đằng sau thành công rực rỡ này là sự hy sinh thầm lặng của hàng vạn hộ dân vùng dự án. Hơn 20.000 hộ thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời để nhường đất cho công trình, riêng Sơn La có hơn 12.500 hộ. Đây là cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử thủy điện Việt Nam, được tổ chức bài bản nhằm ổn định cuộc sống và sinh kế cho người dân.
Tổng mức đầu tư của dự án đạt gần 60.200 tỷ đồng, tăng gần 60% so với dự kiến ban đầu. Trong đó, khoảng 16.900 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước chủ yếu phục vụ công tác di dời, tái định cư, phần còn lại do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng.
Thủy điện Sơn La được thiết kế, thi công chủ yếu bởi đội ngũ kỹ sư, công nhân trong nước, dưới sự giám sát của chuyên gia quốc tế. Công trình không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn giảm nguy cơ lũ lụt cho hạ lưu sông Đà, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho cả vùng Tây Bắc.
Với quy mô và ý nghĩa to lớn, Thủy điện Sơn La không chỉ là niềm tự hào của ngành năng lượng Việt Nam mà còn là dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển thủy điện của khu vực Đông Nam Á, minh chứng cho năng lực kỹ thuật, tổ chức và tinh thần đoàn kết của người Việt trên hành trình chinh phục thiên nhiên, phát triển đất nước.