Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn số 3733/BXD-QHKT, trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Hà Nam về việc tỉnh này đề nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương đẩy mạnh việc di dời các trường đại học, cao đẳng, trong đó tập trung di dời các Trường khỏi nội đô thành phố Hà Nội về các Khu đại học đã được phê duyệt như Khu Đại học Nam Cao của tỉnh Hà Nam, đồng thời tạo cơ chế về nguồn vốn, hình thức đầu tư để triển khai thực hiện.
Còn nhiều vướng mắc
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011) và Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội (Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016).
Đến nay, Thành phố Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan để triển khai tổ chức lập, trình và được phê duyệt các đề án, quy hoạch cơ sở giáo dục, đào tạo cấp vùng như Đại học Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên), Khu Đại học Nam Cao (tỉnh Hà Nam), Khu đô thị - đại học Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc)...; tổ chức xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp thực hiện việc di dời cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô...
Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, tồn tại một số khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong việc thực hiện di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại khu vực nội đô Thành phố Hà Nội.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội về công tác di dời đến nay còn chậm. Về cơ bản, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đều đang tiếp tục sử dụng cơ quan cũ; riêng Trường Đại học Y tế Công cộng tại số 138B phố Giảng Võ, quận Ba Đình đã được di dời đến địa điểm mới tại quận Bắc Từ Liêm; danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế ra khỏi nội thành chưa được các bộ, ngành triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Những tồn tại, vướng mắc trên do một số nguyên nhân chủ yếu như: Công tác dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn, nguồn vốn thực hiện chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (về cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan...); các quy hoạch ngành chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành; sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành có liên quan chưa tích cực, chủ động.
Vấn đề cấp bách, thực hiện nửa vời
Với mục tiêu giảm tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho nội thành, năm 2003, Đại học Quốc gia Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng cơ sở mới ở Hoa Lạc để di dời cơ sở cũ trong nội thành.
Đến giai đoạn từ năm 2010 - 2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đã đưa ra phương án di dời 23 cơ sở giáo dục ra ngoại thành. Thời điểm đó, Hà Nội có 96 đại học, cao đẳng với 66.000 sinh viên, bằng 40% tổng sinh viên cả nước.
Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại các trường đại học như Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội... có chưa đầy 5m2 đất/sinh viên, trong khi tiêu chuẩn là 25m2 đất trên một người học.
Hay đơn cử như trên tuyến đương Nguyễn Trãi, là con đương có mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội, thế nhưng mỗi ngày đến giờ cao điểm, đây lại là nỗi ám ảnh của những ai phải đi qua đây. Hơn 10 năm qua, dù luôn được cải tạo, nâng cấp hạ tầng, thế nhưng với hơn 7 trường đại học "ngự trị": Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông…, tình trạng ùn tắc của tuyến đường này trở thành nỗi “sợ” của cả thành phố.
Bên cạnh đó, một trong những minh chứng dễ thấy trong việc giảm gánh nặng hạ tầng bằng cách di dời các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô đó là thời điểm khi đại dịch COVID-19 bùng lên tại Hà Nội, các trường đại học triển khai chương trình học trực tuyến, đường phố Hà Nội được ví như "phố Tết" bởi lượng xe lưu thông ít đi rõ rệt, tắc đường cũng không còn quá nghiêm trọng như trước đó.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, bài toán di dời cơ sở giáo dục vẫn chưa thể xác định được hồi kết. Bởi cho đến nay, Dự án Trường đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vẫn dang dở sau gần chục năm triển khai, cho đến nay chỉ có một số công trình đang hoạt động như Khu nhà khách Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu quốc phòng an ninh, Ban quản lý dự án, còn lại là những bãi đất để cỏ mọc hoang hóa.
Hay dự án cơ sở mới cho Viện Đại học Mở Hà Nội tại Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, được đồng ý xây dựng từ năm 2015, thế nhưng đến nay dự án đang chỉ được dùng cho giáo dục quốc phòng, trường vẫn phải đi thuê địa điểm bên ngoài làm giảng đường, thư viện...