Aa

Di dời ga Hà Nội, sớm triển khai đường sắt đô thị tạo đà phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô

Thứ Tư, 07/09/2022 - 06:39

Để triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) Yên Viên - Ngọc Hồi, trong thời gian tới, ga Hà Nội và ga Giáp Bát sẽ được di dời về ga Thường Tín, bàn giao mặt bằng cho dự án.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, di dời ga Hà Nội và triển khai đường sắt đô thị sẽ tạo động lực cho Thủ đô phát triển về hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường sắt quốc gia không xuyên tâm qua ga Hà Nội như hiện nay. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội nêu rõ, sau khi di dời hạ tầng đường sắt quốc gia, ga Hà Nội có diện tích dự kiến khoảng 15ha chỉ lập tàu khách và là ga trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác.

Ga nằm trên mặt đường Quốc lộ 1 cũ, thuộc thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín cắt ngang với ga Thường Tín là Tỉnh lộ 427 - Đường 71 cũ

Trải qua thời gian khai thác kéo dài, nhiều hạng mục tại nhà ga Thường Tín đã xuống cấp, cũ kỹ

Tổ hợp ga Ngọc Hồi nằm cách ga Hà Nội khoảng 13km, có diện tích khoảng 150ha, là nhà ga lớn nhất Việt Nam, được Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết từ năm 2014. Tàu khách tuyến quốc gia sẽ dừng ở ga này để giảm ách tắc cho nội đô thay vì dừng ở ga Hà Nội như hiện nay. Nhà ga này có chức năng chính là ga khách, ga hàng hóa, xí nghiệp tàu đô thị, xí nghiệp đầu máy, xí nghiệp toa xe khách, xí nghiệp duy tu bảo dưỡng hạ tầng đường sắt, trạm điện.

Ga Ngọc Hồi được thiết kế là khu vực trung tâm phục vụ khách đi tàu quốc gia và đường sắt đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc cho toàn bộ tổ hợp ga. Quảng trường trước ga đảm bảo được yếu tố không gian kiến trúc và chức năng giao thông, kết nối với giao thông trong khu vực thuận lợi, dễ dàng. Đối với khu vực văn phòng làm việc của các xí nghiệp được thiết kế 3-5 tầng, với không gian đẹp, bố trí hài hòa diện tích cây xanh.

Khu tổ hợp depot ga Ngọc Hồi mới khi được xây dựng hoàn thiện sẽ cách ga Hà Nội khoảng 13km theo hướng Quốc lộ 1A về phía Nam

Còn dự án đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 1, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư năm 2008, đến năm 2017 được phê duyệt điều chỉnh với dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành. Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 80.000 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.280 tỷ đồng thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật của dự án và giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước và chi phí khác.

Đến nay, tổ hợp ga Ngọc Hồi đã thu hồi được khoảng 120ha, diện tích còn vướng thủ tục xác định quy mô metro, đường sắt quốc gia. Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các hạng mục thuộc đường sắt quốc gia trong tổ hợp ga Ngọc Hồi, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi để UBND TP. Hà Nội chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư khu depot và dự án theo thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: Trong nội đô, đường sắt đô thị là một loại hình giao thông rất quan trọng, và Hà Nội cũng đã từng có nhiều định hướng thực hiện quy hoạch giao thông. Cụ thể, sau quy hoạch chung được duyệt năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 519 đã phê duyệt giao thông vận Thủ đô và xác định 8 tuyến đường sắt đi qua nội đô. Đáng chú ý, quy hoạch ga Hà Nội phải đảm bảo diện mạo đô thị, chức năng thay đổi từ ga đầu mối sang ga trung chuyển, di dời một số hạ tầng kỹ thuật. Ông cũng đánh giá, việc di dời lần này là điểm rất tốt để Hà Nội có cơ hội cải tạo chỉnh trang đô thị mà không gây áp lực đến hạ tầng giao thông, nhất là khu vực nội đô. Lần này thành phố và các Sở, ban, ngành đã hết sức quyết liệt thực hiện việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị, nếu thực hiện được sớm sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho giao thông, kinh tế, xã hội phát triển trong định hướng quy hoạch chung 2021 - 2030.

Tuy nhiên, nhiều người dân cũng tỏ ra e dè và nghi ngại việc chuyển đổi sai mục đích ga Hà Nội thành chung cư, nhà cao tầng… sẽ ảnh hưởng xấu đến hạ tầng giao thông khu vực. Khi được hỏi, hầu hết người dân quan tâm là ga Hà Nội cần được giữ nguyên vẻ ngoài với những nét kiến trúc, văn hoá đặc trưng gắn liền với một thời kỳ lịch sử của Thủ đô.

KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ thêm, ga Hà Nội được hình thành lâu đời. Ga Hà Nội trước năm 1975 gọi là ga Hàng Cỏ, xây dựng vào năm 1902, cùng với cầu Long Biên là hai hạng mục của đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội. Sau đó, ga Hà Nội tiếp tục là điểm đầu của các tuyến đường sắt liên tỉnh đi Hải Phòng, Lào Cai... Năm 1936, ga Hàng Cỏ trở thành điểm đầu của đường sắt xuyên Việt.

Không thể kể đến giá trị lịch sử của ga Hàng Cỏ khi trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là nơi tập kết, xuất phát của những chuyến tàu “Nam tiến” nổi tiếng trong lịch sử đất nước, đưa hàng triệu bộ đội từ Bắc vào giải phóng miền Nam. Cũng chính vì vị trí và vai trò chiến lược đó, ga Hàng Cỏ trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá. Năm 1972, bom Mỹ đã đánh sập nhà đại sảnh ga Hàng Cỏ, các chuyến tàu phải chuyển sang khởi hành vào ban đêm. Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ga được đổi tên thành ga Hà Nội. Nhà đại sảnh được xây mới lại, các tuyến đường sắt nối Hà Nội với cả nước trở thành mạch máu vận tải vô cùng quan trọng.

Cùng với sự phát triển của đất nước, tuyến đường sắt, đường thủy không được tận dụng hết nguồn lực và vai trò cũng đã giảm đi nhiều so với thế kỷ trước. Ngoài ra, việc ga đầu mối nằm sâu trong nội độ cũng lộ ra nhiều điểm bất cập, do đó yêu cầu bức thiết cần thay đổi từ ga đầu mối thành ga trung chuyển là phù hợp với tình hình hiện tại. Vì thế, Hà Nội cần phải bảo tồn và phát huy giá trị của những công trình di tích ở ga. Theo tôi được biết, cũng đã có nhiều cuộc thi thiết kế nhằm khai thác không gian xung quanh ga Hà Nội. Từ đó, sẽ hình thành nhiều không gian mới, không gian công cộng phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Do đó, sau khi chuyển đổi công năng và di dời, những di tích, quan trọng của ga Hà Nội cần được xem xét kỹ lưỡng và có phương án bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của nó, không nên “nhồi” cao ốc, trung tâm thương mại… mà không xem xét sự ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, ga Hà Nội sẽ có cả phần ngầm, phần nổi và trên cao. Việc cải tạo nhà ga cho tương thích với tổ hợp kết cấu đó cần phải được hoạch định sớm, nghiên cứu, đánh giá tỉ mỉ, đảm bảo vừa chuyển đổi công năng thành công vừa giữ lại vẹn nguyên giá trị văn hóa, lịch sử của một ga Hàng Cỏ đã cùng Thủ đô đi qua hàng trăm năm thăng trầm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top