Aa

Di dời hàng loạt chợ nổi tiếng về chợ đầu mối Bình Điền: Nói dễ, làm khó

Chủ Nhật, 19/02/2017 - 07:00

Dù chợ Bình Điền kiến nghị di dời chợ hoa sỉ, chợ hải sản, các khu bán súc sản khác về đây, nhưng lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, chợ Bình Điền chưa có chính sách cụ thể.

Phải di dời nhiều chợ lâu đời, nổi tiếng

Tại buổi làm việc với các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các chợ đầu mối phải chủ động xây dựng mô hình chợ văn minh, hiện đại theo hướng trở thành địa điểm thu hút du lịch. Đồng thời, chuẩn hóa nguồn gốc sản phẩm cũng như khâu tiếp thị tiến đến xây dựng thương hiệu nông sản sạch, hàng hóa chất lượng cao.

Trước những ý trái chiều về việc di dời các chợ đầu mối, chợ bán sỉ ra khỏi nội thành, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, cần phải kiên quyết thực hiện chủ trương, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trong thành phố và tạo sự công bằng cho các tiểu thương. 

Trong các chợ phải di chuyển, có nhiều chợ nổi tiếng, lâu đời của TP. HCM như chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10), chợ hoa Đầm Sen (quận 11), chợ thủy hải sản khô trên đường Lê Tấn Kế (quận 6).

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ về đêm.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ về đêm. Ảnh: Diễm Mi.

Một số điểm kinh doanh thịt súc sản, gia cầm tươi và đông lạnh trên quốc lộ 50 (quận 8), huyện Bình Chánh và chợ trái cây trên đường Trang Tử, bến xe chợ Lớn (quận 5) cũng được kiến nghị dời về chợ đầu mối Bình Điền.

Bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, kiến nghị thành phố có chính sách quyết liệt, triệt để trong việc di dời một số chợ sỉ nội thành về chợ Bình Điền. Trong đó, chợ hoa Hồ Thị Kỷ với gần 100 hộ kinh doanh hoa nhiều khả năng sẽ là chợ sỉ nằm trong khu vực nội thành phải di dời đầu tiên, do việc buôn bán của tiêu thương chợ này gây ảnh hưởng đến giao thông.

Ban quản lý các chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn kiến nghị UBND TP. HCM đẩy mạnh việc giải tỏa các điểm kinh doanh, chợ tự phát trên các tuyến đường xung quanh chợ đầu mối, nhằm đảm bảo công bằng cho các tiểu thương kinh doanh trong nhà lồng chợ.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ là chợ hoa lâu đời nhất tại TPHCM.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ là chợ hoa lâu đời nhất tại TP. HCM. Ảnh: Diễm Mi.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, cho biết theo chỉ đạo của thành phố, từ năm 2016, Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện thực hiện việc giải tỏa các chợ tạm trên địa bàn. Đã có 21 quận huyện báo cáo kế hoạch giải tỏa chợ tự phát thuộc địa bàn của mình. Trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh việc đôn đốc triển khai kế hoạch này.

Riêng việc xử lý các cơ sở kinh doanh xung quanh khu vực chợ đầu mối, ngày 31/7/2009, UBND TP. HCM đã có quyết định giao việc quy hoạch các chợ nông sản thực phẩm trên địa bàn cho các quận, huyện.

Theo quyết định này, các cơ sở kinh doanh nông sản thực phẩm không được bày bán tại các tuyến đường xung quanh chợ đầu mối. Tuy nhiên, đến năm 2012, sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố kiến nghị không để các quận, huyện thực hiện việc tổ chức, quy hoạch kinh doanh theo ngành hàng nữa. Do đó, quyết định này đến nay vẫn còn bỏ ngõ.

Hàng loạt điểm "nghẽn"

Việc di dời một số chợ truyền thống ra khỏi nội thành theo ý kiến của chợ Bình Điền là hợp lòng các tiểu thương tại đây, tuy nhiên lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng còn tồn tại nhiều vấn đề cần xem xét lại.

Đơn cử như tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ, được xem là khu vực chuyên doanh hoa lớn nhất TP. HCM hiện nay, đang có 97 tiểu thương kinh doanh, tất cả đều được cấp phép hộ kinh doanh cá thể.

Theo giấy phép, các hộ kinh doanh này đều bày bán trong nhà thuê hoặc các sạp kinh doanh. Nhưng thực tế, gần như hộ nào cũng tận dụng một phần lề đường để trưng bày hàng hóa, gây ảnh hưởng đến giao thông tại khu vực này. Nhưng việc vận động, di dời rất khó khăn, do các tiểu thương cho rằng kinh doanh tại đây thuận lợi hơn.

Khu bán cá tại chợ đầu mối Bình Điền.

Khu bán cá tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Diễm Mi.

Sở Công Thương đã nhiều lần tổ chức vận động, nhưng vấn đề chính là Chợ Bình Điền cũng chưa có chính sách khuyến khích rõ ràng và đầy đủ.

Với kiến nghị di dời chợ thủy hải sản khô trên đường Lê Tấn Kế, lãnh đạo quận 6 cho là không phù hợp. Bởi chợ này đã tồn tại lâu đời, và là một phần của chợ truyền thống Bình Tây, nơi thu hút được khá đông khách quốc tế.

Trong khi đó, theo ông Trương Quốc Cương, Phó chủ tịch UBND quận 11, khu vực chuyên doanh hoa tại Đầm Sen thường được người dân gọi là chợ, nhưng thực chất lại hoạt động dưới mô hình hợp tác xã.

Chợ được thành lập từ năm 2003, khi có chủ trương di dời các chợ sỉ ra khỏi khu vực nội thành. Nhưng do các tiểu thương khu vực này hoạt động dưới hình thức hợp tác xã, cũng trùng với thời điểm thành phố khuyến khích mô hình kinh tế tập thể, nên lúc đó thành phố đã thống nhất không di dời chợ. Đến nay, chợ đã có 55 tiểu thương, bình quân phân phối ra thị trường khoảng 15 tấn hoa/ngày.

Lãnh đạo quận 11 cho rằng chợ hoa Đầm Sen hoạt động xung quanh tuyến đường Nguyễn Văn Phú – Tống Văn Trân là nơi có mật độ giao thông không cao. Hơn nữa, giờ xe vận chuyển hoa ra vào chợ là 1-2 h sáng, gần như không ảnh hưởng đến giao thông.

“Hợp tác xã hoạt động có đăng ký kinh doanh, và cũng không gây ra vấn đề lấn chiếm đường giao thông. Quận thiết nghĩ duy trì hoạt động của chợ thế này cũng là điều hay”, ông Trương Quốc Cương kiến nghị.

Tương tự, lãnh đạo quận 6 cũng cho rằng việc kiến nghị di dời chợ thủy hải sản khô trên đường Lê Tấn Kế là không phù hợp. Bởi chợ này đã tồn tại lâu đời, và là một phần của chợ truyền thống Bình Tây. Đây cũng là một khu chợ thu hút được khá đông khách quốc tế.

Chợ đâu mối Bình Điền hoạt động suốt đêm.

Chợ đâu mối Bình Điền hoạt động suốt đêm. Ảnh: Diễm Mi.

Riêng các điểm bán thịt súc sản, gia cầm tươi và đông lạnh trên quốc lộ 50, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y TP. HCM cho biết đây là khu vực tập kết, kinh doanh các sản phẩm từ các lò giết mổ của Gò Vấp, Long An.

Dù chợ Bình Điền kiến nghị di dời chợ hoa sỉ, chợ hải sản, các khu bán súc sản khác về đây, nhưng lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, chợ Bình Điền chưa có chính sách cụ thể. Trong khi chi cục thú y khẳng định mặt bằng kinh doanh gia súc, gia cầm tại chợ đầu mối này đã quá tải.

Khu vực này chủ yếu hoạt động 2-3h sáng hàng ngày. Các điểm kinh doanh đều có đăng ký với địa phương, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Khu vực này cũng không thuộc diện phải di dời vào chợ đầu mối, vì không phải chợ sỉ.

Đây là khó khăn lớn trong chủ trương di dời các chợ sỉ về chợ đầu mối, theo cơ quan chức năng khó phân định giữa bán sỉ và bán lẻ. Vì dù cung cấp hàng chục tấn hàng hóa mỗi ngày cho khu vực phía Nam, nhưng các chợ này cũng tồn tại song song với hình thức bán lẻ. Trong khi nếu là bán lẻ thì sẽ không thuộc chủ trương phải di dời ra khỏi nội thành thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, chủ tương di dời các chợ bán sỉ ra khỏi nội thành trước hết là vì giảm áp lực lên giao thông và an ninh trật tự của thành phố. Do đó, thay vì tranh luận là chợ bán sỉ hay chợ bán lẻ, ông Tuyến yêu cầu các quận huyện xét theo chỉ tiêu chợ đó có gây ảnh hưởng đến giao thông trong khu vực hay không.

Ngoài ra, việc để những điểm kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường là không công bằng với hai nhóm đối tượng. Thứ nhất là những tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đầu mối, những người đã phải chấp nhận chủ trương di dời ra ngoại thành. Thứ hai là với người đi bộ, người tham gia giao thông.

“Quy hoạch này tôi đề nghị là có ý kiến của ban thường vụ các quận, huyện cho từng chợ cụ thể. Nếu các vị thấy cần cho tồn tại các chợ này thì có thể ý kiến. Nhưng phải đảm bảo trật tự vỉa hè, trật tự giao thông ở đây. Nếu không đảm bảo được thì quy hoạch khu vực này không bán nữa”, ông Tuyến chỉ đạo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top