Mong được… lên “bờ”
Tại khu vực kênh Đôi (quận 8, TP.HCM), không khó để bắt gặp cảnh tượng người dân chen chúc sống trong những căn nhà tạm bợ được dựng trên con kênh có màu nước đen ngòm, bên dưới toàn rác, bốc mùi xú uế.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tổ chức, triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở dành cho công nhân và người dân có thu nhập thấp. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng mới 15 chung cư cũ cấp D, tiếp tục thực hiện di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống của dân cư….
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Thấy có người hỏi thăm, ông Bùi Thành Nhơn, một người dân có nhà trên đoạn kênh này cho biết, sống ở đây không khác gì sống cạnh bãi rác. Rác chất đống và trải dài hai bên dòng kênh. Hàng ngày, người dân phải đóng chặt cửa để hạn chế mùi hôi. Những hôm trời mưa lớn, thì rác thải ngập ngụa quanh nhà, mùi hôi nồng nặc.
Ông Nhơn kể, năm 2016 - 2017, nghe thông tin TP.HCM sẽ giải tỏa nhà ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị, người dân ở khu vực này rất vui vì sắp được lên “bờ”, được “đổi đời”, nhưng kể từ đó, họ vẫn tiếp tục sống trong chờ đợi.
Rời khỏi nhà ông Nhơn, chúng tôi tiếp tục ghé vào căn nhà tạm của ông Nguyễn Văn Chúc được dựng dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh). Gia đình ông Chúc đã “gắn bó” với dòng sông Sài Gòn (đoạn chảy qua cầu Bình Lợi) hơn 40 năm. Ông Chúc cho biết, chính quyền địa phương nhiều lần vận động cho gia đình ông vay vốn để mua đất nền tái định cư, nhưng ông từ chối, bởi làm việc cả ngày còn không đủ trang trải cuộc sống, nói gì đến chuyện dư tiền để trả nợ.
Gia đình ông Nhơn, ông Chúc chỉ là hai trong số hàng ngàn hộ dân sống ở xóm nhà tạm bợ, lụp xụp ven kênh, rạch tại TP.HCM. Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, đến cuối năm 2020, trên địa bàn Thành phố có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều ở quận 8, quận Bình Thạnh, quận 7 và quận 4.
Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Sau đó, TP.HCM điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn; năm 2021 di dời 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành di dời trước năm 2025. Tuy nhiên, nhiệm kỳ qua, địa phương này chỉ di dời được 2.479 căn (đạt 12,4% kế hoạch), còn khoảng 17.569 căn hộ trên và ven kênh rạch chưa được di dời.
Cần thêm nguồn đầu tư xã hội hóa
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM lý giải, tiến độ di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch chậm trễ là do hầu hết các tuyến sông, kênh, rạch tại TP.HCM đều nhỏ, không thực hiện được việc mở rộng biên độ chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Thành phố cũng không có nhiều quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), nhất là những khu đất có vị trí đắc địa.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố phấn đấu di dời 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung vào các dự án, địa bàn trọng điểm như quận Bình Thạnh (rạch Xuyên Tâm, Văn Thánh); các quận 4, 7, 8 (kênh Đôi) và quận Bình Tân. Đồng thời, TP.HCM sẽ tăng quỹ đất để thu hút nhà đầu tư bằng việc khai thác 20% quỹ đất dọc hành lang sông, kênh, rạch để làm công trình dịch vụ thương mại hoặc công viên chuyên đề…
Trao đổi với phóng viên về vấn đề thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, bên cạnh những đóng góp cho xã hội, doanh nghiệp nào cũng mong muốn có lợi nhuận. Vì vậy, chính quyền TP.HCM phải tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Trước đây, có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản ngỏ ý tham gia các dự án di dời nhà ven kênh rạch tại TP.HCM, nhưng sau đó, không dự án nào được triển khai.
Theo ThS. Trần Quang Chung (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), lãnh đạo TP.HCM cần cho phép các chủ đầu tư tăng mật độ xây dựng để tạo nguồn kinh phí cải tạo của từng dự án. Có như vậy, các doanh nghiệp bất động sản mới sẵn sàng tham gia./.