Ngày lễ Độc lập, ngày đón năm mới, hay một số dịp trọng thể trong năm, Chùa làng tôi (Chùa Hưng Khánh, làng Phú La, xã Đô Lương, Thái Bình) đều làm lễ trọng thể. Mọi người cùng về thắp hương tưởng niệm các thế hệ tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ là người làng, đã hy sinh vì đất nước.
Dịp giỗ chung ngày 27/7 hàng năm, giờ đã thành một mỹ tục ở làng tôi. Ngày này, mọi người trong làng, con cháu ở xa nếu có thể thì cũng thu xếp, tất cả cùng về, thắp hương cúng bái tổ tiên ở nhà mình, rồi tụ về chùa làng, làm lễ chung, dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ là người làng đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Một ngày lễ linh thiêng như ngày giỗ trận chung của cả làng. Mùi hương trầm ngát thơm mọi ngả đường, vườn cây, ngõ xóm...
Tôi nhớ, đã lâu lắm rồi, khi tôi còn là sinh viên, về làng đúng dịp này, bà ngoại tôi bảo: "Biết anh sẽ về, bà đã báo cho xã để họ chia thịt lợn cho anh". Thế là tôi biết, ngày này, xã cho giết lợn chung rồi chia theo đầu người, khách xa về đúng dịp, cũng tính theo đầu người mà chia cho thịt như dân đang ở làng. Các gia đình đến nhận về làm cỗ cúng ở nhà mình. Lệ đó giờ vẫn giữ, nhưng có khác hơn một chút: Giờ mỗi thôn mổ một con lợn to để chia khắp trong thôn.
Cách đây hơn mười năm, Đền thờ Anh hùng liệt sỹ và Mẹ Việt Nam anh hùng của xã được xây ngay bên chùa làng. Một ngôi đền giản dị, ấm cúng, quấn quýt khói hương cùng khói hương người làng ra chùa lễ Phật, dưới tán xanh cây cối xum xuê. Ông Hải, doanh nhân người làng, có dịp mời ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về làng tôi chơi. Ra chùa vãn cảnh, thắp hương cúng Phật rồi bước sang đền dâng hương nến tưởng nhớ liệt sỹ, ông Hoàng đứng ngây, ra chiều tâm đắc: "Đền liệt sỹ giản dị ngay bên chùa làng, ngày thường cũng ấm áp khói hương. Thế là hơn xây đài cao, năm được dăm ba lần làm lễ trọng. Nên nhân rộng ra cách này".
Từ những năm trước, lễ 27/7, tên của 9 Mẹ Việt Nam anh hùng đã khuất núi cùng 116 tên liệt sỹ cùng ngày tháng năm hy sinh được trang trọng xướng lên khi làm lễ chung. Trong đó có tên liệt sỹ Nguyễn Văn Vị, em ruột của mẹ tôi, hy sinh năm 1969. Ký ức của tôi về cậu Vị là cái vai gầy liêu xiêu ghé cõng tôi đi lô xô trên con đường mưa ướt trơn nhẫy để tìm mẹ tôi đang đông buổi chợ.
Năm nay, danh sách thêm một liệt sỹ, thành 117 cái tên. Đó là liệt sỹ Vũ Văn Hồng, hy sinh năm 1967. Anh Hồng là anh trai cùng cha của tôi. Tôi chỉ nghe bà nội tôi nhắc tới tên anh chứ chẳng bao giờ gặp...
Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, bố tôi để lại vợ con ở lại làng, đi lên tham gia công tác ở chiến khu Việt Bắc. Ở làng một thời gian, vợ ông dẫn hai con, là chị Phát và anh Hồng, bỏ làng ra đi. Kháng chiến xong, bố tôi trở về làng, ông đã bổ đi khắp nơi để tìm vợ con...
Đời bố tôi nhiều sóng gió. Ông không mấy khi kể chuyện đời ông cho tôi nghe. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết chút ít về ông. Ông đã nhiều lần đi tìm gặp vợ cũ và hai con. Họ có gặp nhau nhưng đã không tái hợp. Chiến tranh, giặc giã, tao loạn, ly tán, rồi lòng người thăm thẳm… Có bao nhiêu căn nguyên đã ngăn cản sự tái hợp? Tôi biết chắc bố mình không nguôi nhớ hai đứa con xa. Đến khi đã gần tám mươi tuổi rồi mà ông vẫn còn tìm ra Hải Phòng để dò tìm tung tích vợ cũ và các con. Ông đã mất khi vẫn chưa gặp được những mong ngóng của mình.
Năm năm sau ngày bố mất, năm 2010, tôi mới có tin chị Phát từ nước Úc.
Sau khi bỏ làng đi, chị Phát và anh Hồng đổi từ họ Nguyễn sang họ Vũ của mẹ. Anh Hồng vừa lớn lên thì đi bộ đội, rồi hy sinh ở chiến trường miền Nam. Giờ vẫn chưa biết anh nằm lại ở nơi nào cụ thể. Những năm 80 của thế kỷ trước, cực khổ, gian nan. Chị Phát ôm cháu San, là con gái nuôi của chị, tìm đường vượt biển, bỏ nước mà đi. Mấy lần bị bắt, lại trốn, cuối cùng cũng đi được. Phải trải qua bao nhiêu nhọc nhằn, đã có tuổi, mới ngẩng đầu lên, mới nhớ về quê cũ xa lắc xa lơ.
Anh Hồng hy sinh, có bằng liệt sỹ, khi ra đi, chị Phát để lại ở Hải Phòng. Chị bảo tôi ra đấy hỏi xin lại, mang về quê thắp hương cho anh. Anh hy sinh mà bao nhiêu năm hương lạnh khói tàn. Tôi đã mang về, rồi nhờ vẽ một bức chân dung anh, treo lên cạnh ảnh bố tôi trên bàn thờ ở quê. Bố tôi đã gặp lại đứa con xa: Hai bố con bên nhau trên bàn thờ...
Gần đây, có người nhắc tôi trình bày, xin chút tiền hương khói cho anh. Tôi ra xã, rồi xã gửi bằng liệt sỹ của anh và báo cáo lên trên. Anh được ghi danh trong danh sách liệt sỹ của xã, được cấp chế độ hương khói hàng năm.
Trong lễ tri ân năm nay, tên anh tôi đã được trang trọng xướng lên giữa đất trời quê hương, nơi anh đã được sinh ra. Hơn sáu mươi năm rời làng ra đi, tròn năm mươi năm sau khi ngã xuống, anh tôi đã được trở về quê cha đất tổ qua cái tên được gọi lên, dẫu hài cốt anh vẫn nằm đâu đó ở chiến trường cũ phía Nam...
Tôi ngồi giữa mọi người trong Lễ tri ân các liệt sỹ của xã dưới bóng cây xanh chùa làng. Mở đầu là những tiết mục văn nghệ chọn lọc từ ca múa hàng ngày nơi thôn xóm dân dã... Các bà các cô múa phụ họa cho giai điệu trữ tình những bài hát về Tổ quốc, về đất nước. Các em các cháu biểu diễn các hoạt cảnh uống nước nhớ nguồn. Rồi màn hát chèo, màn hát chầu văn, múa hầu đồng theo tín ngưỡng đạo mẫu. Cô đồng trẻ, vừa mặc áo nâu, quần xắn cao, đội nón cũ, nhổ mạ cấy lúa đồng sâu, dáng vẻ lam lũ. Giờ đã thanh thoát uyển chuyển, áo mớ ba mớ bảy rực rỡ sắc màu, mắt sắc dao cau lúng liếng nôn nao sân chùa làng…
Tan lễ rồi… Tôi đi tha thẩn trong khói hương ngát thơm vấn vít dưới những tán cây xanh chen dày trên cao. Trời mát dịu giữa tháng bảy nắng nóng cao điểm…
Chùa làng tôi có nhiều cây. Cây từ lâu do các cụ cao niên trồng trước đây. Cây của mọi người đi xa mang về trồng thời nay. Tôi cũng có hai cây trồng ở đây. Hai cây này mang về từ những địa danh gắn với lòng thành cõi Phật, gắn bởi chút hiếu nghĩa với làng của tôi, một người đã từng tha hương nhiều năm. “Mình có hiếu nghĩa thì làng tặng lại mình món quà này”, tôi nghĩ thế khi đi dưới hai bóng cây mà mình đã mang về trồng.
Năm 2002, tôi được tham gia đoàn của cấp Bộ trưởng đi thăm Campuchia. Chuyến ấy được Thủ tướng Hun Sen tiếp đãi, trò chuyện. Được đến Hoàng cung rồi đến thăm Chùa Vàng, Chùa Bạc. Khi vào chùa, nhìn những cột chùa nạm vàng, đi trên nền chùa lát bạc, bỗng trong lòng tôi lại cứ hiện lên hình ảnh ngôi chùa khiêm tốn của làng mình.
Tôi ra khu vườn chùa, thấy cây Sala cổ thụ đang nở hoa từ dưới gốc trải khắp thân lên tít trên cao. Những bông hoa như những đầu rồng, đầu lân kết lại thành chùm võng hướng xuống. Cây Sala, còn có tên là cây Ưu đàm, hoa của cây này gọi là hoa Vô ưu, gắn với câu chuyện đản sinh và nhập diệt của Đức Phật tổ. Hoàng hậu Maya trên đường trở về nhà cha mẹ đẻ để sinh con, giữa đường, bà chuyển dạ, liền ghé vào một gốc cây Sa la ở vườn Lâm Tì Ni (Nepal). Hoàng hậu nắm lấy cành hoa Sa la trong cơn đau đẻ, các cành cây cúi hết cả xuống, che nắng cho. Thái tử Tất Đạt Đa được bà sinh ra tại đấy, sau này tu hành đắc đạo, trở thành Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Sau hơn 80 năm hiện diện trên dương thế, ở Câu Thi Na (Ấn Độ), Ngài nằm giữa hai gốc Sa la rồi hóa, đi vào cõi niết bàn. Hai cây Sa la lúc đó bỗng nở hoa trái mùa đỏ rực. Sau khi ngài hóa, mỗi cây có một nhánh bỗng dưng héo húa rồi chết, nhưng những nhánh cành còn lại thì càng lên xanh tốt, càng rủ bóng xuống đời.
Tôi cũng nghe kể, đàn bà sắp đến ngày sinh nở, lấy hoa Vô ưu sao nước uống thì cơn đau đẻ sẽ dịu đi. Tôi ước giá chùa làng mình có cây Sa la. Vừa ước xong thì thấy có đứa trẻ đi qua, tay cầm một cây Sa la nhỏ, đưa cho tôi, bảo mua. Tôi mua ngay. Về khách sạn, tôi kiếm một cái vỏ chai nước lọc to, cắt miệng, để cây vào, lấy báo quấn lại, như cuộn tài liệu. Cái cây ấy theo tôi trên đường bay đến Xiêm Riệp, về Sài Gòn rồi bay ra Hà Nội. Tôi ươm xuống trước hiên nhà chăm sóc. Gần một năm sau mới mang về chùa làng trồng. Ấy thế mà cũng có bận lo thắt ruột. Khi cây đã khá cao, thì gặp mùa rét rất đậm, rụng sạch lá, rồi chết khô. Mọi người đành chặt bỏ. Giữa mùa xuân năm sau, từ gốc khô, lại bật lên một chồi non mập mạp. Rồi cứ thế, cây Sa la giờ đã lớn lên, mạnh mẽ, vững chãi.
Năm 2010, tôi được cử làm trưởng một đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm Ấn Độ, giao lưu với các nhà văn, các sứ giả của Hội Hữu nghị Ấn - Việt, dự Hội sách quốc tế Kolkata Book Fair. Sau đó, với sự giúp đỡ của nữ tu sỹ Thích Nữ Liên Quý, học trò của thày Thích Huyền Diệu, đoàn chúng tôi đã đi thăm nhiều nơi. Thích Nữ Liên Quý trọng nể các nhà văn, lại được thầy Thích Huyền Diệu dặn, nên rất nhiệt tình. Thầy Thích Huyền Diệu là nhà văn, người xây Chùa Việt Nam Phật quốc tự ở Lâm Tì Ni (Nepal) và Bồ Đề Đạo Tràng (Bohd Gaya, Ấn Độ). Trong đời một phật tử, phải gắng đến được một trong bốn Phật tích. Vậy mà đoàn chúng tôi đã đến được cả bốn nơi linh thiêng nhất của lịch sử Phật giáo, giờ đã sầm uất và tráng lệ sau bao nhiêu can qua, dâu bể, biến thiên: Nơi Đức Phật đản sinh ở Lâm Tì Ni, nơi Người thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Người chuyển pháp luân cho đồ đệ ở vườn Lộc Uyển thuộc Sarnath và nơi Người nhập diệt ở Câu Thi Na thuộc Kushinagar. Trong bốn Phật tích trên thì Lâm Tì Ni ở Nepal, ba nơi ở Ấn Độ, cách nhau vài trăm cây số đường xe ô tô, ngoằn ngoèo, lầm bụi…
Khi đến Bồ Đề Đạo Tràng, tôi đi một vòng để chiêm bái Tháp Đại Giác, Tòa Kim Cương… xong, cứ đứng ngây ra dưới gốc cây bồ đề huyền thoại. Đức Phật đã ngồi thiền định liên tục 49 ngày ở đây rồi giác ngộ, trở thành chính đạo. Cây bồ đề có một lai lịch bi hùng. Nếu tính bằng cội gốc sâu trong lòng đất thì cây đã hơn một ngàn tuổi. Đã ba lần bị chặt, bị đốt đến tận gốc rễ vì giận dữ, vì ghen tuông, vì chiến tranh tôn giáo, thế mà rồi cây lại hồi sinh, lại bật mầm lên từ rễ ngầm dưới đất sâu, để bây giờ tỏa bóng cả một vùng rộng lớn. Cây bồ đề này là biểu tượng cho trí tuệ và giác ngộ của Đức Phật tổ và đạo Phật. Tôi lại ước mình có được một nhánh cây con từ cội gốc này để mang về chùa làng trồng. Cuối chiều rồi, tôi đi hỏi xung quanh mà không thấy có việc ươm giống cây này. Thích Nữ Liên Quý chia xẻ với mong ước của tôi, cùng tôi đi tìm, hỏi. Nhưng cũng không có.
Mười giờ sáng hôm sau, đang ở khách sạn cách gần đấy, sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị về nước, thì nữ tu sỹ gọi. Cô nói gấp gáp, chú sang ngay Bồ Đề Đạo Tràng, Thượng tọa trụ trì nghe tin các nhà văn Việt Nam đến, muốn mời chú sang để tiếp kiến. Một ngày thánh tích này có cả hơn hàng chục ngàn lữ khách từ khắp nơi tìm đến thăm quan, chiêm bái. Vậy mà chúng tôi đến lặng lẽ, cũng được tiếp kiến vị trưởng lão trụ trì thì vinh hạnh quá. Thượng tọa, Tiến sỹ Manor Kumar nổi tiếng khắp thế giới. Sau này ngài cũng đến Việt Nam, thành một sự kiện hoan hỉ của Phật giáo nước nhà. Hôm ấy, Thượng tọa bày tỏ cảm tình với những người bạn Việt và sở đắc văn chương của ngài. Lúc chia tay, ngài tặng tôi một tấm ảnh chân dung tượng Phật vàng và tấm y phật. Ở Bồ Đề Đạo Tràng, có bức tượng Phật rất lớn, người để trần, đúc bằng vàng ròng. Những tấm lụa lớn gọi là y phật khoác lên bức tượng thay cho trang phục. Mỗi tháng, tấm y phật được thay ra, giữ lại để tặng cho khách quý. Và nữa, sau cùng, Thượng tọa cầm một cây bồ đề nhỏ đã gói cẩn thận để bên ghế, đưa cho tôi. Ngài bảo, đã biết tâm nguyện của tôi, nhân ngài vừa cho ươm được ba cây bồ đề nhỏ từ cội bồ đề gốc để tặng theo thỉnh nguyện của một đại sứ quán ở New Deli, nay ngài bớt lại một cây để tặng cho tôi.
Cái cây ấy, tôi mang về lại ươm xuống hiên nhà, ngày ngày chăm sóc cho khỏe hơn, rồi đưa về trồng trước chùa làng. Thời gian thấm thoắt, thế mà nhanh kỳ lạ. Hai cái cây ngày nào mình quỳ bên chăm sóc rồi trồng xuống đất chùa, giờ mình đã phải ngước cao lên mới thấy trọn hết tán lá rộng.
Đi dưới bóng cây chùa làng trong những ngày lễ trọng, trong bóng cây ấy có bóng cây mình trồng, thấm thía về đạo nghĩa và công tích của nhiều đời người đi trước, rồi ngẫm nghĩ về đời sống, ngẫm nghĩ thật sâu về giáo lý Bát chính đạo của nhà Phật, để tỏ hơn việc tu thân rèn chí, để mong ước mình lập được một chút công tích nhỏ nhoi nào đó cho khỏi thẹn với tiền nhân.
Trên cao, những tán xanh trải qua bao mưa nắng, cũng là một lời vẫy gọi…