Tính đến hết tháng 5/2018, Việt Nam có 813 đô thị các loại lớn nhỏ, kể cả đô thị đặc biệt, có thể nói quy mô và số lượng đô thị phát triển ngày càng nhanh. Nhưng có một thực tế là đi dọc từ Bắc vào Nam, các đô thị cực nhỏ như Sapa, Tam Đảo, Đồ Sơn, các đô thị nhỏ như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Rạch Giá, Vĩnh Long, đến hai đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đều mang màu sắc hơi hướng giống nhau về kiến trúc "Tây hóa".
Trong khi đó, rõ ràng niềm tự nào của Việt Nam là cảnh quan thiên nhiên, khí hậu phong phú, văn hóa 54 dân tộc anh em độc đáo nhưng rất tiếc là khi nhắc đến, nhiều đô thị lại không biết ở đó có gì đặc sắc. Không có sự đa dạng và bản sắc riêng thì các đô thị này sao có thể gây thương nhớ, trở thành ký ức khó quên của người đô thị và khách tới thăm?
Một đô thị thành công là đô thị phải có bản sắc, vậy làm thế nào để giữ gìn bản sắc và tạo ra bản sắc mới trong quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế? Cà phê cuối tuần sẽ bàn luận xoay quanh vấn đề này. Xin được giới thiệu các khách mời: GS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc; KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM; TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội.
PV: Đô thị hóa là quá trình tất yếu của mỗi quốc gia, nhưng có quan điểm cho rằng, từng đô thị của Việt Nam đang bị mất đi sự nhận diện bởi chỗ nào cũng na ná giống nhau, Hà Nội giống TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu hay thậm chí cả các địa phương miền núi lại na ná giống Hà Nội, cùng một kiểu xây dựng "Tây hóa" và phân lô, bán nền, chồng tầng ở khắp mọi nơi. GS. KTS Nguyễn Quốc Thông nhận định như thế nào về thực trạng này?
GS. KTS Nguyễn Quốc Thông: Khu đô thị mới, hiểu là những gì mới toanh sẽ khác còn khu đô thị mới được xây dựng tại một địa phương cụ thể, một nơi chốn cụ thể thì nó là kế thừa của những gì đã cũ, vốn tồn tại trên địa hình đó. Điều đó có nghĩa là khi tồn tại thì bản thân vị trí đó đã có một linh hồn, một giá trị nhất định chứ không phải không có gì. Không có chuyện một miếng đất thuần túy sẽ không có sắc thái.
Theo đó, bản sắc vốn đã định hình trước khi người ta xây dựng lên khu đô thị mới. Bản sắc đô thị, bản sắc địa phương vốn đã tồn tại, luôn luôn tồn tại và khái niệm đó luôn luôn phát triển với xã hội, cùng với sự tác động của con người.
Tuy nhiên, cũng có những kiến trúc là phá sạch, loại bỏ quá khứ, làm một thứ hoàn toàn mới gọi là phát triển ngắt quãng. Những gì hiện nay chúng ta thấy không phù hợp với địa phương thì chính là "nhập khẩu" từ đâu về, có gì đó xa lạ. Ví như có những cây, những bức tượng trang trí trong không gian khu đô thị mới hoàn toàn không liên quan gì đến cảnh quan, văn hóa Việt Nam song xã hội thường có suy nghĩ "chúng tôi cần cái mới, nếu giữ nguyên cái cũ hóa chỉ để bảo tồn à?".
Điều đó có nghĩa là các kiến trúc sư thời nay đang tự tạo ra những bản sắc mới cho các khu đô thị, thiết kế phục vụ thị trường, cung cấp những gì thị trường đang mong mỏi, đang cần. Tóm lại, bản sắc là sự kết tinh từ quá khứ hoặc hình thành bổ sung để phù hợp với cuộc sống ngày nay cộng với các yếu tố mới.
Hiện nay, không có nhiều đô thị mới được nghiên cứu kỹ trước khi quy hoạch, xây dựng, thậm chí có những tên cũ bị bỏ đi đặt thành những tên mới hết sức thị trường, phản cảm. Những tên ngày xưa như Phú Thượng, Nhật Tân nay thay bằng những tên quốc tế, khẩu hiệu, slogan mang phong cách Tây. Tôi không phê bình là tốt hay không tốt nhưng nên chăng chúng ta cần nhìn lại cách đặt vấn đề để tìm lại những bóng dáng bản địa. Rõ ràng, chúng ta đang đánh mất giá trị gia tăng dưới góc nhìn của văn hóa. Đó là ví dụ tiêu cực khi chúng ta nói đến câu chuyện kế thừa và phát triển văn hóa bản sắc địa phương, rộng hơn là dân tộc.
Tương tự như vậy, ở khắp mọi nơi, các khu đô thị mới đang dựng lên trong lòng các đô thị lớn, thành phố lớn có rất nhiều các khu đô thị cũng với tên nước ngoài mà có chắc rằng người Việt Nam sẽ đọc và hiểu hết ý nghĩa của tên khu đô thị đó. Người ta đang truyền bá những văn hóa mới, lối sống mới có mặt tích cực nhưng cũng để xảy ra những vấn đề chưa tích cực.
PV: Từ những nhận định phân tích của GS. KTS Nguyễn Quốc Thông, là người thiết kế lên những công trình lớn tại TP.HCM, KTS Khương Văn Mười có quan điểm như thế nào về bản sắc của thành phố nơi ông đang sống và làm việc?
KTS. Khương Văn Mười: Bản sắc đô thị sẽ thường bao gồm các yếu tố không gian, kiến trúc, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa địa phương... Riêng tại TP.HCM đô thị lại mang bản sắc riêng văn hóa, nếp sống, tình cảm của người Nam Bộ. Về cấu trúc đô thị, sông rạch là những khoảng không gian mặt nước tạo tính chất vi khí hậu; về kiến trúc, đó là không gian cảnh quan tạo nên đặc thù riêng không có ở các đô thị khác, nhất là so sánh các đô thị miền Trung và miền Bắc.
Ngày xưa thì sông Sài Gòn một bên, thành phố một bên, nay sông đã nằm giữa hai đô thị, và mang tính kết nối với nhau. Từ đó, các hoạt động tại TP.HCM sẽ hướng đến những khu vực này để tạo ra bản sắc riêng. Như vậy, hồn đô thị chính là sự giao thoa, tiếp nối giữa các không gian đô thị cũ và mới. Với những ý tưởng đó, tôi tin rằng thành phố trong tương lai sẽ có những vẻ đẹp riêng, những sắc thái riêng.
Minh chứng rõ nhất là trước đó khi nhắc đến TP.HCM, nhiều người thường nghĩ ngay đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng, còn nay nói về Thủ Thiêm. Đây là những đô thị mới sẽ góp phần hình thành tạo nên diện mạo mới cho TP.HCM. Nhìn qua Thủ Thiêm, ta thấy đó là một đô thị hiện đại, có bản sắc, bám vào bờ sông, tiếp nữa là có sự nối kết với đô thị cũ tại quận I. Đó chính là bản sắc đô thị của TP.HCM trong tương lai và hiện tại đang từng bước hình thành.
PV: Vậy còn trong mắt TS. Đào Ngọc Nghiêm, đô thị Hà Nội đã xây dựng được thương hiệu và bản sắc ra sao?
TS. Đào Ngọc Nghiêm: Có thể nói Hà Nội đẹp trong mắt khách du lịch là có những không gian đô thị đặc trưng, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc ẩn mình trong cảnh quan sông dài, hồ rộng và cây xanh. Đặc biệt là khu phố cổ mặc dù đã khác nhiều so với thế kỷ XVII, XVIII nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp đâu đó dáng dấp xưa cũ của Kẻ chợ. Ngoài ra phải kể đến những khu phố cũ và những công trình xây từ thời Pháp.
Nhìn rộng hơn thì có thể thấy, quá trình phát triển kiến trúc đô thị Hà Nội nói riêng và đô thị Việt Nam nói chung đã có những chuyển biến với các công trình nổi bật song cũng phải thừa nhận rằng kiến trúc Việt Nam chưa khẳng định được trường phái, phong cách kiến trúc mà chỉ mới có một số xu hướng sáng tác, còn đô thị thì lộn xộn nhiều thứ. Nguyên nhân thì có nhiều song cũng có thể khẳng định là do chúng ta chưa xác lập được bản sắc đô thị để định hướng phát triển kiến trúc.
PV: Theo như TS. Đào Ngọc Nghiêm thì đô thị của chúng ta vẫn chưa xác lập được bản sắc đô thị. Vậy, việc xác lập cần dựa trên cơ sở nào để giúp các đô thị Việt Nam xây dựng được “bộ nhận diện” với những điểm nhấn đặc trưng, để Hà Nội không giống TP.HCM, nhắc đến Cần Thơ thì chắc chắn không thể giống như Sapa?
GS. KTS Nguyễn Quốc Thông: Tôi cho rằng, khi xây dựng những gì ít có giá trị bản địa, ít có giá trị nơi chốn thì không thể gọi là bản sắc. Hiện nay, địa hình thiên nhiên chính là yếu tố gợi nhớ nhiều nhất khi nói về bản sắc của khu đô thị. Thiên nhiên cũng được coi là khung xương góp phần xây dựng lên bản sắc không gian đô thị.
Ví như nếu có dòng sông, có mạng lưới nước thì đó chính là khung đầu tiên để kiến trúc sư dựa vào, thiết kế các đô thị và cũng là đặc điểm để phân biệt sự khác nhau giữa các đô thị. Bởi vì bản thân thiên nhiên luôn đa dạng và khác nhau, chỉ khi xóa đi làm theo ý mình mới làm chúng giống nhau. Một dòng sông chảy qua đô thị, khúc đầu, khúc giữa, khúc cuối đã khác nhau cớ gì kiến trúc xây dựng các đô thị lại giống nhau? Văn hóa Việt Nam liên quan đến sông nước rất nhiều vì sông hồ chính là giá trị. Nói đến dòng sông chính là ám chỉ những khu đô thị.
Thế nhưng nhiều thành phố hiện nay lại vô tình hay cố ý san lấp các dòng sông, thậm chí có nơi biến dòng sông thành mặt sau của phố, biến thành những dòng rác thải. Nhiều thành phố đã phải trả giá khi lấp sông, quay lưng lại với sông và chỉ khi khấm khá mới quay lại tìm cách giữ sông.
Tóm lại, thiên nhiên, cảnh quan, hoạt động của con người và những tác động kiến trúc, quy hoạch đô thị của con người tạo ra không gian bản sắc đô thị kể cả mới và cũ. Đó cũng là con đường chung tạo lập bản sắc đô thị, kể cả đô thị cũ hay mới.
Một đô thị đều có những cái gọi là điểm nhấn, không gian đại diện, biểu tượng thành phố. Đó có thể là những yếu tố mà khi đặt chân đến, người ta sẽ nghĩ ngay về nó. Cách tạo ra những điểm nhấn hay dấu ấn này là rất quan trọng phải dựa trên tài năng của kiến trúc sư. Thiên nhiên có đẹp đến thế nào vẫn cần yếu tố tác động của con người để trở nên đẹp hơn. Điểm nhấn phải là những gì đặc sắc, độc đáo và phải hài hòa với khu vực, với toàn đô thị, thành phố.
Cuối cùng, tạo ra bản sắc đô thị bằng cách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quy hoạch đô thị. Bởi chính họ cuối cùng là chủ nhân của đô thị. Nếu không, đô thị Việt Nam sẽ mất đi những đặc tính độc nhất hay nói cách khác là bản sắc riêng và dễ trở thành một Bangkok, Seoul hay Singapore, một dạng đô thị toàn cầu với hình thái kiến trúc đô thị mang tính quốc tế.
KTS. Khương Văn Mười: Tôi lại cho rằng căn cứ vào địa hình thiên nhiên để xây dựng nên cấu trúc đô thị, như TP.HCM đang hướng quy hoạch đô thị trong tương lai theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc khác nhau mang tính kết nối để tạo ra bản sắc. Tuy nhiên, thiên nhiên chỉ mới là một thành phần cấu tạo nên bản sắc và rất khó thành điểm nhấn vì đâu mà chẳng có sông như Biên Hòa, Đồng Nai, Hậu Giang, Tiền Giang... nhưng chính con người mới tạo dựng, nâng cao giá trị, đưa nó vào một cơ cấu của đô thị thì mới tạo ra bản sắc, mới trở thành điểm nhấn.
Thiên nhiên nếu biết giữ gìn, biết tôn tạo, kiến tạo mới thực sự đem lại giá trị cho đô thị. Đặc biệt, bản sắc đô thị phải được xây dựng trên nền tảng văn hóa không gian cộng đồng, là những hoạt động mang tính bền vững cho người dân.
TS. Đào Ngọc Nghiêm: Các đô thị có chức năng trung tâm cấp quốc gia và vùng đô thị đều được chú trọng phát triển về chất lượng và giữ gìn bản sắc như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long…Tuy nhiên, cũng đến lúc cần xem xét lại phân loại đô thị không chỉ theo các tiêu chí chung của cả nước mà cần xem xét tính đặc thù của các đô thị theo vùng, miền như: ven biển khác miền núi, khác đồng bằng. Đô thị chức năng du lịch, kinh tế đặc thù khác chức năng trung tâm hành chính. Trong giai đoạn tới, đây là yêu cầu cần thiết để tạo điều kiện đô thị hóa nhanh mà vẫn giữ gìn được bản sắc.
Để tạo lập bản sắc đô thị cần nhận diện và bảo vệ hệ khung thiên nhiên của đô thị: rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, vườn Quốc gia, sông hồ cây xanh và tạo lập vùng ngoại thành, ngoại thị thích hợp với đô thị trung tâm.
Vấn đề đặt ra là ngoại thành, hệ sinh thái nông nghiệp được phát triển thế nào để phù hợp với chức năng từng đô thị và xây dựng nông thôn mới, ngoại thành, ngoại thị không chỉ theo định hướng xây dựng nông thôn mới nói chung mà còn cần xác định các tiêu chí đặc thù cho đô thị.
Mỗi đô thị Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển đều chứa đựng bản sắc riêng về kiến trúc. Để tạo lập bản sắc cho đô thị cũng cần hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan, kiến trúc đô thị và kiến trúc công trình để tạo nên hình ảnh đô thị tương xứng.
Để giải quyết rất cần nâng tầm và tạo lập mối quan hệ tương hỗ giữa những người làm công tác quy hoạch xây dựng với KTS thiết kế công trình và các nhà quản lý.
PV: Theo các chuyên gia, có hình mẫu cụ thể nào áp dụng chung để xây dựng bản sắc đô thị Việt Nam không?
KTS. Khương Văn Mười: Đương nhiên là không nên tạo hình mẫu, mỗi thành phố đều có nét riêng, Cần Thơ có bến Ninh Kiều, Bình Dương có sông Đồng Nai... vì không giống nhau nên cũng không thể có một mô hình áp dụng chung. Điều quan trọng là các đô thị cần tìm ra được bản sắc, yếu tố đặc sắc nhất để có thể cạnh tranh với nhau cùng phát triển.
TS. Đào Ngọc Nghiêm: Trong định hướng phát triển đô thị Việt Nam, chúng ta cũng không thể xác định mẫu “cấu trúc điển hình” cho các đô thị mà mỗi đô thị phải từ nhận diện quỹ di sản của mình để tạo lập cấu trúc đô thị có bản sắc riêng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên, đặc trưng dân số, trình độ khoa học kỹ thuật, văn hóa lịch sử của từng địa phương.
Trên thế giới và ngay cả Việt Nam, cũng có những quan điểm cho rằng với sản xuất công nghiệp, nếp sống hiện đại cần những mô hình, cấu trúc đô thị hiện đại như nhau và chỉ xem yếu tố truyền thống chỉ là của quá khứ. Cách nhìn nhận này đã tạo nên cấu trúc đô thị “điển hình” hoặc hình mẫu chung cho mọi đô thị vùng miền. Bài học này từ cuối thế kỷ 20 đã được thế giới tổng kết và khẳng định rằng “chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống” mới tạo lập được cấu trúc đô thị hiện đại để phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia.