Cây xanh và nhận diện… quốc gia
Nói đến thành phố Hải Phòng, người ta nghĩ ngay đến những hàng Phượng đỏ rực trời thắp sáng mỗi mùa hè và lăn tăn sóng lá khi vào thu. Chẳng thế mà có hẳn một ca khúc về hoa Phượng ở thành phố cảng để rồi từ đó, Hải Phòng được mang cái tên thân thương mà cũng hết sức đặc trưng là “Thành phố hoa Phượng đỏ”.
Tôi chưa có dịp đi nhiều nơi ở đất nước Trung Hoa, nhưng những thành phố tôi đã từng qua hầu như đều có một loại cây chủ đạo. Quảng Châu là cây Si, Nam Ninh là cây Sanh và Nam Xương là cây Long não. Tất nhiên không phải ở những thành phố trên chỉ trồng độc một loại cây ấy, cũng như không phải Hải Phòng chỉ trồng nhõn một loài Phượng đỏ; nhưng đến những thành phố trên, hầu như đi đến đâu ta cũng bắt gặp bóng dáng loài cây này.
Có thể cây Si ở Quảng Châu, cây Sanh ở Nam Ninh chưa hẳn đã là loài cây đẹp; nhưng nó là một trong những yếu tố cấu thành để tạo nên sự khác biệt của những đô thị đó. Còn cây Long não ở Nam Xương thì tôi đặc biệt ấn tượng. Với phiến lá nhỏ lăn tăn màu xanh sáng, cây Long não tạo tán lá rộng, đủ che bóng mát mà không rậm rạp, tối tăm lạnh lẽo như một số loài cây khác. Cây lại không quá cao, tán rộng nhưng cành nhỏ nên không sợ đổ gẫy khi gió bão. Đặc biệt, lá Long não chứa tinh dầu nên có tính sát khuẩn, góp phần làm trong sạch bầu không khí. Tôi nói hơi nhiều về cây Long não bởi trong tôi cứ thấp thỏm một niềm mong ước, có một thành phố ở Việt Nam, nếu là Hà Nội thì càng tốt, chọn Long não là cây chủ đạo cho đô thị của mình. Thực ra thì Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trồng thử nghiệm Long não ở một số tuyến đường, nhưng hình như nó không thích hợp với khí hậu nắng nóng quanh năm của miền nhiệt đới này nên cứ còi cọc. Còn Hà Nội thì khác, rải rác những cây Long não trong thành phố phát triển rất tốt, hầu như xanh tươi quanh năm.
Trở lại câu chuyện về tính đặc thù của cây xanh, không phải chỉ trong phạm vi một đô thị mà nhiều khi, cây xanh còn tạo bản sắc cho cả một quốc gia.
Nói đến hoa Anh đào là người ta nghĩ ngay đến Nhật Bản với câu cửa miệng “xứ sở hoa Anh đào”. Nói đến nước Nga là người ta nghĩ ngay đến những hàng Bạch dương, những cánh rừng Bạch dương mà không dễ nước nào có được, cho dù trên đất nước Nga còn có nhiều loài cây ấn tượng như cây Sồi hay Phong lá đỏ. Còn đất nước Canada lại đưa hẳn lá Phong đỏ lên quốc kỳ của mình.
Cây xanh góp phần tạo nên bản sắc một thành phố, tạo nên nhận diện cho một quốc gia. Ấy vậy mà, tôi có cảm giác, ở Việt Nam nó hầu như bị gạt ra rìa khi người ta phát triển đô thị. Nói bị gạt ra rìa không phải theo cái nghĩa là người ta không trồng cây xanh; mà là ở chỗ, nó ít được chú ý trong khía cạnh tạo nên bản sắc một đô thị.
Thử hỏi đến giờ phút này, đã có mấy đô thị ở Việt Nam có cây đặc trưng như Hải Phòng – Thành phố hoa Phượng đỏ? Có thể Hoa phượng tím rồi đây sẽ góp phần tạo nên diện mạo một Đà Lạt mộng mơ. Hay gần đây, ở cửa ngõ phía tây thành phố Nam Định, đã thấy một con đường trồng toàn cây Sanh; còn trên tuyến phố chính xuyên qua thành phố Phủ Lý, một bên đường phía cầu Hồng Phú trồng toàn loài Ngọc lan….
Đó là những tín hiệu đáng mừng, nhưng còn quá hiếm hoi.
Chẳng nói đâu xa, ngay như Hà Nội là đất kinh kỳ văn vật, nhưng thử hỏi có ai dám trả lời, đâu là loài cây đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cây xanh nào cho Hà Nội?
Có nhiều thứ cây của Thủ đô đã đi vào thơ ca và để lại những ấn tượng khó phai, như “cây Cơm nguội vàng, cây Bàng lá đỏ” của Trịnh Công Sơn, như “hoa Sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” của Hồng Đăng, hay “cô đơn Sấu rụng ngoài ngõ vắng” của Trọng Đài…, nhưng nó lại chưa đủ nhiều cho bản sắc một thành phố. Cây hoa Sữa chỉ gắn với đường Nguyễn Du, còn khi được mở rộng trồng trong một số khu đô thị mới thì vấp phải sự phản ứng dữ dội của cư dân bởi với mật độ đậm đặc, nó… bốc mùi hương hăng hắc đến ngột ngạt rất khó chịu. Cây Cơm nguội thì chỉ còn lác đác trên một số tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối và còn một hàng cây đơn lẻ đầu đường Yên Phụ. Còn cây Bàng chỉ tồn tại rải rác ở những tuyến phố cũ; nhưng đây là loại cây trút lá vào mùa đông và sang xuân khi đâm chồi nảy lộc trở lại thì rất nhiều… sâu róm, bọ nẹt nên nhiều người cũng e ngại.
Có một loài cây có thể nói là chiếm tỷ lệ cao ở Hà Nội là Xà cừ nhưng tán quá rậm rạp, rễ lại ăn nông nên dễ gãy đổ rất nguy hiểm, vì vậy thành phố đang có chủ trương thay thế dần loài cây này.
Có lẽ chỉ còn cây sấu là khả dĩ tạo nên hồn cốt một số tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Lý Thái Tổ, Trần Phú và đặc biệt là phố Phan Đình Phùng với vẻ đẹp trầm mặc đến nao lòng. Đặc biệt vào cuối xuân, khi sấu thay lá thì cả hè phố rải một tấm thảm vàng ruộm trông rất nên thơ. Đặc biệt hơn, sấu không thay lá ồ ạt mà ngay trong một cây cũng chỉ thay từng cành, từng tán và trút lá đến đâu, lộc non chồi biếc nảy ngay đến đó nên hầu như không bao giờ trơ trụi. Thế nhưng, ngoại trừ một số tuyến phố kể trên mà cây sấu được trồng từ thời Pháp cuối thế kỷ XIX thì những năm sau đó, Sấu hầu như không được phát triển tiếp nối để có thể trở thành một loài cây đặc trưng.
Gần đây, Hà Nội bắt đầu chú trọng trồng những loài cây chủ đạo trên từng tuyến đường, như Phượng và Hoa ban ở đường Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Xã Đàn; cây Bàng lá nhỏ ở Hoàng Cầu… Đặc biệt, với Chương trình trồng một triệu cây xanh, Hà Nội đang dần dần thay đổi diện mạo. Nhiều chủng loại cây mới được đưa vào trồng ở Hà Nội tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị như: cây Sang, cây Hoa Ban, Chà là, cây Cọ Dầu, Bàng lá nhỏ, cây Chiêu liêu, Long não, Giáng hương, Lộc vừng... Một số tuyến đường, tuyến phố có hệ thống cây được trồng mới và trồng bổ sung hoàn thiện như tuyến Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, khu vực Công viên Lênin, Hoàng Văn Thụ, Văn Cao, Liễu Giai, Láng Hạ, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Trần Khát Chân, khu vực Đại lộ Thăng Long... Đặc biệt, hệ thống cây xanh được hoàn thiện trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công đã tạo một diện mạo mới cho Thủ đô.
Đây có thể coi là bước đột phá về tư duy cây xanh của Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì cũng giống như mẹt đồ của bà hàng xén, trông sặc sỡ thật đấy nhưng chỉ là sự hổ lốn của món lẩu thập cẩm. Với một đô thị lớn, có nhiều tầng văn hóa như Hà Nội thì diện mạo cây xanh trên từng con đường, trên từng tuyến phố là chưa đủ; mà nó phải tạo nên sự cộng hưởng theo một xu hướng chủ đạo mới có thể tạo nên bản sắc cho đô thị.
Nhưng cây xanh góp phần tạo bản sắc đô thị không phải là chỉ trồng một loại cây trong một đô thị, mà trước hết phải ở ý tưởng chủ đề, tính chủ đạo, thống nhất trong phong cách để tạo nên bản sắc.
Điều đó có lẽ vẫn còn phải chờ ở thì tương lai.
Nhưng có điều, nếu không có ý tưởng thống nhất ngay trong quy hoạch, thì mãi mãi cây xanh dù có đẹp, có hay đến mấy cũng chỉ có thể tạo nên diện mạo cho riêng từng tuyến phố, chứ không thể tạo nên hồn cốt cho một đô thị./.