Aa

Đi tìm hồn làng nơi góc phố

Thứ Hai, 27/01/2020 - 05:00

“Làng trong phố” hay các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" phải có chỗ đứng xứng đáng và phải góp phần tạo nên “nền móng” của một cấu trúc đô thị có bản sắc và hiện đại theo hướng phát triển bền vững.

Bản sắc đô thị nhìn từ những độc đáo kiến trúc làng truyền thống

Nhiều nghiên cứu cho rằng về hình thái học, đô thị Việt Nam như là một sự chuyển tiếp kéo dài từ làng sang đô thị theo khái niệm phổ biến. Về bản chất chúng là phố thị gồm những dãy phố với những ngôi nhà ở kiểu ống, vừa là nơi sống, vừa là nơi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Các khu phố cổ hoặc cũ ở Hà Nội, Hội An và Huế phản ánh khá đầy đủ những đặc điểm xã hội và hình thái học kiến trúc của cấu trúc đô thị Việt cổ truyền. Cũng do hoàn cảnh lịch sử trong những thập kỷ qua mà tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam gần như chưa dẫn tới nguy cơ sự biến dạng của các đô thị về mặt cấu trúc học.

Những bất cập nan giải như nhiều đô thị trên thế giới mắc phải dường như chưa “tiếp cận” được nhiều với các đô thị Việt Nam. Nhờ vậy, nhiều đô thị Việt cổ truyền cho đến nay vẫn lộ rõ một đặc điểm, sự cùng tồn tại khá bình đẳng thành phần của các thời, sự chuyển hóa mền mại của các không gian. Về cấu trúc, đô thị Việt Nam luôn tồn tại song song giữa truyền thống và hiện đại, giữa mới và cũ, giữa lịch sử và sự phát triển; giữa cấu trúc đô thị truyền thống và cấu trúc đô thị theo lý thuyết quy hoạch mới; giữa văn hóa đô thị cổ truyền (văn hóa nông nghiệp - làng xã) và văn hoá đô thị hiện đại (thể hiện rõ ở các đô thị Hà Nội, Huế, Hội An...).

Mặt khác, cũng do các đặc điểm trên mà bản thân trong nhiều đô thị hiện còn giữ lại được gần như nguyên vẹn các giá trị hệ thống thiết chế văn hóa của nền văn minh nông nghiệp Việt cổ truyền. Nhất là còn tồn tại nhiều làng, xóm, nhiều cụm, quần thể công trình kiến trúc cổ tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa trong cấu trúc đô thị… mà ở đó dường như là sự ngưng đọng, lưu giữ của "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" theo dòng chảy của thời gian, một trong những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bảo lưu qua nhiều thế hệ.

Hiện tượng “làng trong phố” hay "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" đã tạo nên cấu trúc đô thị có tính đặc thù ở phần lớn các đô thị Việt Nam (trong đó Thủ đô Hà Nội là một đô thị điển hình). Điều đó càng khẳng định, phần lớn các đô thị Việt Nam đang lưu giữ, "đang làm chủ những quỹ thiên nhiên, cảnh quan, quỹ kiến trúc, quỹ di sản, quỹ nếp sống cộng đồng...", có giá trị đặc biệt và nổi trội.

Và cho tới tận bây giờ, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, dưới tác động của quá trình đô thị hoá nhanh, ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không gian đô thị ngày càng được mở rộng, nhiều dự án bất động sản có diện tích lớn đất nông nghiệp được chuyển hoá thành đất xây dựng phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị.

Việc thu hồi, đền bù đất nông nghiệp, nhưng tránh thu hồi giải phóng khu vực dân cư làng xóm để tiết kiệm chi phí đầu tư đã tiếp tục duy trì hiện tượng “làng trong phố” - nơi lưu giữ "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" giữa những khu đô thị mới xây, trong một cấu trúc đô thị hiện đại.

Việc tồn tại “làng trong phố” hay các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" ngay trong lòng các đô thị hiện đại (hoặc ở các vùng phụ cận của đô thị) là một tất yếu khách quan trong quá trình đô thị hóa của Việt Nam, nó không chỉ phụ thuộc vào cách thức phát triển đô thị, nhu cầu tinh thần mà ở kía cạnh nào đó còn là sự bảo lưu, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Nét đẹp văn hóa này còn biểu đạt giá trị “bản sắc, văn hóa”.

Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể trong quy hoạch đô thị nên hiểu hiện tượng “làng trong phố” hay "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" luôn là yếu tố tạo dựng “bản sắc dân tộc”, “bản sắc địa phương”, một nét rất riêng mang truyền thống của địa phương, của dân tộc mình mà ở địa phương hay ở dân tộc khác không có. Nét riêng đó là quá trình chắt lọc một cách tự nhiên những tinh hoa về vật chất, tinh thần trong quá trình phát triển của địa phương, của dân tộc tạo nên. Còn tính “hiện đại” không có nghĩa là sự sao chép một cách máy móc các xu thế bên ngoài để gán ghép cho các đô thị. Tính hiện đại được hiểu như là sự thích ứng trong quá trình hội nhập và phát triển của một giai đoạn lịch sử nhất định.

Sự hiện diện các “làng trong phố” hay các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" ngay trong lòng các đô thị hiện đại vừa là đặc điểm của cấu trúc đô thị vừa thể hiện “bản sắc”của đô thị Việt Nam, một vốn quý của đô thị trong sự cạnh tranh “gay gắt” của thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong lĩnh vực văn hóa cũng như kinh tế, đô thị không đơn thuần chỉ là lớp vỏ bề ngoài để bảo vệ con nguời... nó còn có sự hấp dẫn riêng trong vấn đề du lịch, nghiên cứu. Đô thị ngày càng có tính cạnh tranh cao bởi bản sắc, tính riêng biệt, tính địa phương... của nó. Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), đô thị cổ Hội An, cố đô Huế, Hà Nội, TP.HCM (Việt Nam) đang ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu. Đô thị càng có sắc thái riêng càng có nhiều sự hấp dẫn và tính cạnh tranh cũng càng trở nên cao hơn so với các đô thị khác.

Những ngôi làng nép mình thành di sản trong lòng phố

Hà Nội nghìn năm văn hiến, với thời gian, lịch sử đã để lại cho Hà Nội một bề dày văn hóa, truyền thống có giá trị. Cấu trúc đô thị và các thành phần cơ bản của đô thị Thăng Long - Hà Nội cùng với các thể loại di sản hiện còn lưu giữ trong lòng Hà Nội không những là một di sản vô giá mà còn là một tài sản văn hóa đặc biệt có giá trị của thủ đô và của cả nước.

Khu trung tâm chính trị Ba Đình, với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tâm điểm, nơi hội tụ niềm tin, lòng tự hào dân tộc; khu di tích hoàng thành; khu 36 phố phường; khu phố cũ; khu vực các quận phát triển mới; hệ thống di tích, lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị qua nhiều giai đoạn phát triển (như đền Quan Thánh,Voi Phục, Lý Quốc Sư, chùa Một Cột, Văn Miếu, Quốc Tử Giám...) và hệ thống làng nghề truyền thống (như đúc đồng Ngũ Xã, hoa Ngọc Hà, Nhật Tân, lụa Vạn Phúc...) cùng với phong tục tập quán, lối sống thanh lịch của người Hà Nội, tất cả đã tạo nên một diện mạo Thăng Long - Hà Nội hào hoa, linh thiêng, một "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" có một không hai trong niềm tự hào và tình cảm đặc biệt của mỗi người dân đất Việt và bạn bè quốc tế.

Làng đúc đồng Ngũ Xã

Ngũ Xã xưa là một làng nằm trên bán đảo của hồ Trúc Bạch, diện tích khoảng 3ha. Làng đúc đồng Ngũ Xã vốn do 5 làng đồng xứ Bắc (làng Me, làng Hè, làng Rồng, Chí Thượng, Chí Hạ) về Kinh đô lập nên. Làng có hai vị tổ nghề được cả làng tôn thờ là Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ. Đình và Chùa của làng cũng nhỏ bé, ở gần nhau. Ban đầu, Đình chỉ có Hậu cung là xây gạch, còn nhà Tiền tế thì lợp lá. Chùa cũng là nhà lá, đến năm 1912 mới xây gạch lợp ngói. Những sản phẩm nổi tiếng từ làng Ngũ Xã là tượng và chuông (ví dụ: Pho tượng Quan Thánh ở đền Trấn Vũ bên Hồ Tây, đúc năm 1677, cao 3,72m, nặng 4000kg; pho tượng đúc cho Chùa Thần Quang, đúc ngày 26/10/1952; tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mà làng Ngũ Xã đúc tặng Đại hội IX của Đảng năm 2001...).

Đình thờ ông tổ đúc đồng Nguyễn Minh Không ở Ngũ Xá. 

Đã hơn 200 năm kể từ những người thợ đầu tiên của 5 làng đồng xứ Bắc về Kinh đô lập nghiệp, đến nay con cháu họ vẫn tiếp nối nghề nghiệp của cha ông. Những nghệ nhân nổi tiếng như cụ Quẹn (cụ đã được tặng huy chương bàn tay vàng, danh hiệu nghệ nhân đúc tượng Bác Hồ. Cụ mất năm 1992, thọ 83 tuổi), cụ Tuỳ, cụ Đới... và sau này như ông Nguyễn Văn Ứng, ông Đinh Văn Trồi, bà Ngô Thị Đan..., đã cho ra đời những sản phẩm đúc đồng nổi tiếng, để lại danh thơm cho nghề, lưu truyền cho hậu thế.

Tuy nhiên, Ngũ Xã còn có một lịch sử thăng trầm gắn liền với các giai đoạn lịch sử phát triển của Hà Nội. Cấu trúc làng Ngũ Xã đã thay đổi nhiều ngay từ những năm 1917 khi Hà Nội được xây dựng theo lý thuyết qui hoạch mới do người Pháp du nhập từ châu Âu vào Việt Nam... Và năm 2000, khi Hà Nội kỷniệm 990 năm ngày thành lập, Ngũ Xã lại cơ bản thay đổi thêm một lần nữa khi chính quyền thành phố cho mở đường và kè bờ quanh Hồ Trúc Bạch.

Những biến đổi cấu trúc không gian làng xã và những thay đổi về kinh tế, xã hội dẫn đến những biến động khác về đời sống, con người. Ngũ Xã giờ chỉ còn 3 hộ gia đình làm nghề đúc đồng (thời cực thịnh là 80 hộ), và diện tích để sản xuất còn lại cũng quá nhỏ bé. Hiện nhà ông Ứng chỉ có khoảng 60m2, ông Trồi 30m2, kể cả dùng để ở, còn bà Đan phải chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài bãi Nghĩa Dũng. Như vậy, chắc sẽ không còn một Ngũ Xã với không gian làng nghề truyền thống như đã tồn tại. Cũng sẽ không còn đủ 80 hộ gia đình làm nghề đúc đồng như trước... Nhưng Hạt nhân lịch sử - tâm linh của làng Ngũ Xã xưa vẫn còn, đó là ngôi Đình và Chùa của Ngũ Xã hiện tồn.

Làng hoa Ngọc Hà

Ngọc Hà là một trong những làng được nhiều người Hà Nội biết đến trong số các làng của Thập Tam Trại. Ngọc Hà nằm ở phía Đông Tổng Nội, sát liền với khu vực sớm được người Pháp mở mang. Khi xây dựng Phủ Toàn quyền và vườn Bách Thảo, làng Ngọc Hà bị lấn mất một phần đất. Địa giới làng nằm ở phía Đông là con đường mang tên của làng, phố Ngọc Hà. Ngọc Hà được chia ra làm nhiều xóm: Xóm Giữa (gần đình); xóm Trên (gần thôn Đống Nước của Đại Yên); xóm Trong (ở phía Tây); xóm Ngoài (giáp đường Đội Cấn). Các xóm này đều có đường làng thông với bên ngoài. Đình Ngọc Hà ở phía Đông Bắc làng, nằm ở giữa hồ trên một bán đảo, đã được trùng tu năm 1952 (trong đình thờ Huyền Thiên Hắc Đế).

Khoảng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, khi người Pháp nhập các giống hoa nước ngoài vào Việt Nam (như hoa cẩm chướng, hoa bướm, hoa violette, cúc vàng...) thì cũng là lúc người Ngọc Hà đem về làng, mở rộng và cải tiến nghề trồng, sản xuất hoa tươi bán cho các nhà trong thành phố. Hoa Ngọc Hà cũng nổi tiếng từ đấy.

Hồ hữu Tiệp và xác pháo đài bay B52.

Nếu như trước đây, cả làng có tới 500 hộ trồng hoa, thì ngày nay, Ngọc Hà vẫn là “làng hoa”, nhưng do tác động của qúa trình đô thị hóa mà số hộ gia đình làm nghề trồng hoa còn lại rất ít... Hoa của Ngọc Hà đã phải chuyển ra sản xuất ở vùng ngoại ô và các tỉnh lân cận. Không gian làng hoa Ngọc Hà truyền thống cũng đã biến đổi… nhưng hồ Hữu Tiệp, các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng gắn với Bảo tàng Chiến thắng B52 còn đó sẽ mãi còn tồn tại cùng Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Làng Hòa Mục

Hoà Mục là ngôi làng nằm ở huyện Từ Liêm (cũ), phía Tây TP. Hà Nội. Từ đầu những năm 1990, không gian Thủ đô Hà Nội được mở rộng theo hướng Tây, với một lượng lớn đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất xây dựng nhằm phục vụ cho việc phát triển đô thị mới, làng Hoà Mục đã trở thành một phần trong không gian đô thị của Hà Nội, được bao bọc bởi các dự án mới xây, kế bên là khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính…

Nhưng, dù có bị tác động mạnh bới quá trình đô thị hóa…, về cơ bản cấu trúc làng Hòa Mục xưa cùng với các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" còn lưu giữa trong cấu trúc làng vẫn tạo ra một nét riêng có tính đặc thù cho cấu trúc tổng thể của Thủ đô Hà Nội mở rộng, hiện đại.

Đường vào làng Hòa Mục.

Truyền thống và phát triển luôn có sự đối lập nhau bởi tính bảo thủ và tân tiến. Tuy nhiên, chúng cũng luôn có sự tiếp nhận trong hội nhập trên cơ sở sự chắt lọc và đào thải để trở thành một thể thống nhất và hoàn chỉnh. Bởi vậy, có thể nói trong quá trình đô thị hóa, bản sắc và hiện đại gắn với phát triển bền vững là xu hướng phát triển khách quan của các đô thị Việt Nam…

Các giá trị văn hoá truyền thống còn lưu giữ tạo nên các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" trong lòng các đô thị hiện đại cần được các nhà quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, các nhà quản lý, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. 

Làm sao để yếu tố đặc thù “làng trong phố” hay các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" phải có chỗ đứng xứng đáng và phải góp phần tạo nên “nền móng” của một cấu trúc đô thị có bản sắc và hiện đại theo hướng phát triển bền vững. Chỉ có như vậy, mới đảm bảo cho các đô thị trở nên hấp dẫn, năng động, hiện đại, đặc sắc, có vị thế và sức cạnh tranh cao, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng và phát huy khí phách hào hoa, linh thiêng cho muôn đời./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top