Aa

Đi tìm vai trò của tư vấn xanh

Chủ Nhật, 09/09/2018 - 02:40

Các chuyên gia tư vấn xanh (tư vấn chứng nhận công trình xanh), tư vấn thiết kế và đại diện chủ đầu tư đã có cuộc trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng về vai trò của tư vấn xanh trong Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Cty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đất Việt (CTCP VILANDCO):

Tư vấn xanh cần đóng vai trò giúp việc cho chủ đầu tư

Phần lớn các dự án mà chúng tôi tham gia tư vấn chứng nhận công trình xanh LEED hay LOTUS, chủ đầu tư thường đặt chúng tôi ở vai trò là thầu phụ của đơn vị tư vấn thiết kế. Có vẻ như chủ đầu tư đang hiểu và muốn tư vấn xanh kết hợp với tư vấn thiết kế đưa ra các giải pháp thiết kế xanh.

Nhưng đối với công trình xanh, vấn đề mấu chốt là công trình sau khi xây dựng cần phải đạt được các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống bên trong công trình. Các kết quả này phải được thể hiện trên thực tế chứ không phải trong hồ sơ thiết kế.

Do đó, việc đặt vị trí tư vấn xanh là đơn vị thầu phụ cho tư vấn thiết kế làm cho chúng tôi không thể phát huy hết vai trò của mình, đặc biệt là việc kiểm soát quá trình thi công xây dựng công trình.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Cty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đất Việt (CTCP VILANDCO):

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Cty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đất Việt (CTCP VILANDCO):

Tư vấn chứng nhận công trình xanh được thực hiện xuyên suốt các giai đoạn của dự án, từ thiết kế, thi công cho tới lúc công trình đưa vào sử dụng vẫn cần đánh giá hiệu quả vận hành để đảm bảo công trình đạt được hiệu năng như mục tiêu ban đầu của chủ đầu tư đề ra.

Chính vì vậy, cá nhân tôi đề xuất, tư vấn chứng nhận công trình xanh cần đóng vai trò là người giúp việc cho chủ đầu tư. Khi đó thì mới có thể kiểm soát thiết kế có đạt được các tiêu chí xanh hay không, các nhà thầu có tuân thủ được các vấn đề liên quan đến thực hiện ngoài công trường theo tiêu chuẩn công trình xanh hay không, cũng như các vật liệu, thiết bị có đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh hay không. Còn nếu vẫn để vai trò là đơn vị thầu phụ như hiện nay thì không thể đạt được hiệu quả tốt nhất cho dự án.

Ông Trần Ngọc Hoàng Thảo - Quản lý điều hành T&T Design (Nhật Bản): “Họ có chung một mục tiêu là tạo ra một thiết kế tốt hơn”

Theo tôi, tư vấn xanh cũng đóng vai trò như các đơn vị tư vấn khác trong dự án. Họ đưa ra các phân tích, đánh giá về công trình, có thể bao gồm cả đề xuất cho thiết kế theo kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ về quy trình và thủ tục để lấy chứng chỉ công trình xanh.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay ở Việt Nam, nhiều người còn chưa hiểu hết về các giá trị của công trình xanh, ngay cả các đơn vị tư vấn thiết kế. Chính vì vậy, tư vấn xanh còn đóng vai trò là người thúc đẩy, đào tạo giúp thị trường hiểu hơn về công trình xanh thông qua các cuộc hội thảo, chia sẻ về kiến trúc xanh đến cộng đồng.

Ông Trần Ngọc Hoàng Thảo - Quản lý điều hành T&T Design (Nhật Bản)

Ông Trần Ngọc Hoàng Thảo - Quản lý điều hành T&T Design (Nhật Bản)

Tư vấn thiết kế và tư vấn xanh có sự khác nhau về lĩnh vực chuyên môn và góc nhìn. Chẳng hạn, khi lựa chọn một vật liệu trong công trình, tư vấn thiết kế sẽ quan tâm về màu sắc, tính thẩm mỹ cũng như cách bố trí vật liệu, còn tư vấn xanh sẽ nhìn vào vòng đời của vật liệu và đánh giá tất cả các tác động của vật liệu đến môi trường trong suốt vòng đời của nó, tính từ lúc sản xuất, sử dụng, tái chế, đến khi phân huỷ, hoặc cả khoảng cách từ nơi nhập vật liệu đó đến công trường.

Tư vấn xanh thường tư vấn giúp chủ đầu tư đáp ứng các tiêu chí trong tiêu chuẩn xanh (như LEED hoặc LOTUS) đồng thời cần phối hợp với các bên khác để giải quyết vấn đề, nhưng không phải tất cả các tiêu chí này đều thuộc sự quyết định của tư vấn thiết kế, nhưng họ có chung một mục tiêu là tạo ra một thiết kế tốt hơn, “xanh” hơn đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư.

Đôi khi, các đơn vị tư vấn thiết kế cũng có những hiểu biết về khí hậu và các giải pháp công trình xanh, cũng như các tư vấn xanh có các giải pháp thiết kế đề xuất ngược lại cho đơn vị tư vấn thiết kế. Đó là điểm giao thoa cần sự phối hợp của hai bên.

Ông Trần Như Trung - Phó Chủ tịch HĐQT Capital House: Không phân biệt nhà thầu chính, nhà thầu phụ

Đối với chủ đầu tư, tiếng nói của các nhà thầu tư vấn đều bình đẳng cho nên không thể có sự sắp xếp nhà thầu tư vấn xanh là nhà thầu phụ của nhà thầu tư vấn thiết kế. Trong một buổi thảo luận công việc, chủ đầu tư sẽ lắng nghe và tiếp thu tất cả các ý kiến, trong đó họ đặc biệt quan tâm và tiếp thu những ý kiến sắc sảo, mạch lạc, chính xác của nhà thầu, không có câu chuyện chỉ nghe lời nhà thầu chính mà không nghe lời nhà thầu phụ.

Hay nói cách khác, chủ đầu tư không hề xếp hàng, không có ý coi thường một nhà thầu nào mà thường cố gắng khai thác chất xám của tất cả các nhà thầu một cách tốt nhất có thể.

Ông Trần Như Trung - Phó Chủ tịch HĐQT Capital House

Ông Trần Như Trung - Phó Chủ tịch HĐQT Capital House

Tôi cho rằng, công trình xanh có thể triển khai được hay không, bản chất không phải là vấn đề kỹ thuật mà nằm ở vấn đề hiệu quả đầu tư. Do đó, nếu tư vấn xanh không đưa ra được lời giải cho bài toán về hiệu quả đầu tư thì không thể thuyết phục được chủ đầu tư. Việc triển khai bất kỳ công việc nào cho công trình xanh cũng đều làm gia tăng chi phí cho chủ đầu tư.

Bởi, theo nguyên tắc kinh tế học, việc làm cái hay, cái tốt hơn cái bình thường sẽ làm gia tăng chi phí cho chủ đầu tư, chứ không thể có câu chuyện sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho chủ đầu tư như công trình sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn và rẻ hơn…

Nếu không nhìn được cặn kẽ hiệu quả của nguồn vốn đầu tư cho công trình xanh, thì không ai khác ngoài chủ đầu tư là người trăn trở, lo lắng nhất. Việc đầu tư cho công trình xanh ai cũng thấy là tốt nhưng nếu gia tăng chi phí lớn hơn 5% so với mức đầu tư cho công trình thông thường, thì không có chủ đầu tư nào chịu được. Làm gì thì làm phải đảm bảo hiệu quả đầu tư, đó mới là kinh tế thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top