Aa

Đi tìm xu hướng mới trên thị trường bất động sản du lịch

Thứ Bảy, 14/12/2019 - 06:00

2019 được đánh giá là một năm giảm tốc với thị trường bất động sản du lịch. Tuy nhiên, đây chỉ là điểm chững lại trên thị trường sau quá trình phát triển nóng.

Bước chững của thị trường bất động sản du lịch

Khởi động với những bước phát triển thần tốc cả về quy mô tăng trưởng lẫn chất lượng kể từ năm 2013, bất động sản du lịch nhanh chóng vươn lên trở thành "kênh đầu tư vua". Giai đoạn 2013 - 2018, bất động sản du lịch ghi nhận sự bùng nổ của các dự án, sự tham gia hào hứng của các chủ đầu tư. Trước thị hiếu đa dạng, nhiều mô hình bất động sản du lịch mới ra đời như condotel, shoptel ven biển, villa,…

Tuy nhiên, bước sang nửa cuối năm 2018, thị trường bất động sản du lịch bắt đầu có sự chững lại. Đặc biệt, năm 2019 đã chứng kiến sự giảm tốc mạnh của cuộc đua bất động sản du lịch.

(Ảnh minh họa)

Nhiều nhận định cho rằng, sự chững lại của thị trường đến từ vướng mắc về hành lang pháp lý. Sau quá trình phát triển nóng, thị trường bất động sản du lịch cũng sẽ có phần giảm nhiệt.

Trước đó, các báo cáo của những tổ chức nghiên cứu bất động sản đều cho thấy con số giảm mạnh của thị trường. Cụ thể, báo cáo quý III của DKRA cho hay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong quý III giảm tốc khá mạnh. Trong quý III, thị trường đón nhận 3 dự án mới, cung ứng 86 căn biệt thự biển, chỉ bằng 5% so với quý II. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 67% (58 căn), bằng 4% so với quý trước đó. Sức cầu của thị trường giảm đáng kể so với quý trước, các dự án chủ yếu tập trung tại khu vực Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng condotel cũng có nguồn cung mới và lượng tiêu thụ sụt giảm. Thị trường ghi nhận 6 dự án condotel mới mở bán, cung ứng ra thị trường 2.605 căn, bằng 68% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 86%, bằng 70% lượng tiêu thụ của quý trước. Nguồn cung mới sơ cấp và lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng.

Xu hướng của thị trường bất động sản

Tại Tọa đàm bất động sản nghỉ dưỡng và homestay, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho hay, thị trường bất động sản du lịch đang có sự dịch chuyển và hình thành những xu hướng mới.

Cụ thể, nghiên cứu của Savills toàn cầu và Homeway cho thấy, trong quá trình hội nhập của thế giới và sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, các loại hình sản phẩm mới được đưa ra, đặc biệt là sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, ảnh hưởng và đang dần cạnh tranh trực tiếp với mô hình khách sạn truyền thống. Ông Hiến nhấn mạnh: “Ngày càng có nhiều khách du lịch cân nhắc việc thuê nhà nghỉ dưỡng ngắn hạn thay vì ở khách sạn”.

Theo khảo sát, khách du lịch dự định sẽ thuê nguyên căn hộ hoặc căn nhà trong những chuyến du lịch trong vòng 3 năm tới. Con số này cao hơn hẳn so với 67% cho khách sạn và resort.

Ông Dương Đức Hiển.

Ở Việt Nam, khách đi du lịch đa phần tự phát, số lượng người lên kế hoạch cho các chuyến du lịch chưa được như các nước phát triển, thường lên kế hoạch trước cả năm. 49% khách cho biết sẵn sàng thuê nguyên căn hộ, căn nhà. Lý do được đưa ra là công nghệ thông tin phát triển, chỉ cần một chiếc smartphone là tự đặt được căn hộ khách sạn, tour và có cả bản đồ thay vì sử dụng các công cụ truyền thống và tìm đến các công ty du lịch cũng như hướng dẫn viên.

Ông Hiển cho rằng: "Khách du lịch không thực sự thích thuê một phòng trong căn hộ hoặc trong nhà: 55% sẽ không chọn thuê loại hình này”.

Xu hướng đầu tư cho thuê căn hộ, căn nhà thứ hai tăng lên và đã phổ biến ở nước ngoài từ nhiều năm trước đây nhưng chỉ mới bùng phát ở Việt Nam gần đây.  Khảo sát của Savills toàn cầu cho thấy, khoảng 50% nhà đầu tư mua nhà thứ hai để cho thuê ngắn hạn. Các nhà đầu tư ưu tiên mua bất động sản nhỏ, dễ quản lý, lợi nhuận có thể hấp dẫn hơn. Phân khúc giá từ 100.000 - 300.000 USD chiếm 44% lượng giao dịch. Đây là loại hình sản phẩm phù hợp với đại đa số nhà đầu tư thế giới. Ông Hiển cho rằng, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đó.  Nhà đầu tư có mức tiền tầm trung chiếm số lượng lớn, các sản phẩm này được tiêu thụ tốt hơn trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông Hiển cũng cho rằng, đến nay nhắc đến bất động sản nghỉ dưỡng chỉ nói đến biển, ít người nói đến núi. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, bất động sản các vị trí núi và cao nguyên mới phát triển nhưng không bắt kịp được tốc độ phát triển của thị trường biển. Hạ tầng chưa đồng bộ trong khi các thành phố biển mạnh về du lịch đều có sân bay. Trong khi đó, Việt Nam chưa khai thác hết các tỉnh Tây Bắc núi non hùng vĩ, dãy Trường Sơn có nhiều nơi có quang cảnh đẹp nhưng chưa phát triển được vì liên quan đến hạ tầng, các nơi ở xa trung tâm là thách thức lớn với các nhà đầu tư.  Dự báo trong tương lai, đây chính là tiềm năng lớn cho bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top