Aa

Địa phương chiếm 1/4 GDP cả nước sau sáp nhập sẽ đầu tư hơn 52.000 tỷ vào các dự án y tế

Thứ Tư, 02/07/2025 - 15:24

Theo thông tin từ Sở Y tế, TP. HCM cũ với 115 dự án, Bình Dương 31 dự án và Bà Rịa - Vũng Tàu 8 dự án.

Theo Báo Tuổi Trẻ, Sở Y tế TP. HCM cho biết, sau khi sáp nhập các địa phương, tổng vốn đầu tư công cho ngành y tế TP. HCM giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh tăng từ 48.549 tỷ đồng lên 52.424 tỷ đồng.

Cơ cấu dự án bao gồm TP. HCM cũ với 115 dự án, Bình Dương 31 dự án và Bà Rịa - Vũng Tàu 8 dự án.

Trong giai đoạn trung hạn 2026-2030, tổng mức đầu tư dự kiến cũng tăng từ 58.638 tỷ đồng lên 65.134 tỷ đồng. Trong đó, TP. HCM có 82 dự án, Bình Dương 14 dự án và Bà Rịa - Vũng Tàu 2 dự án.

Ngoài ra, ngành y tế thành phố còn kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với 6 dự án, với tổng vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.

Một bệnh viện tại TP. HCM. Nguồn ảnh: Báo Dân trí

Một bệnh viện tại TP. HCM. Nguồn ảnh: Báo Dân trí

Sau sáp nhập, Sở Y tế TP. HCM xác định việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến loạt dự án xây dựng mới, kế hoạch sử dụng đất và những dự án chậm tiến độ là nhiệm vụ trọng tâm.

Dự kiến trong năm 2025, nhiều dự án quan trọng sẽ được khởi công, gồm: Ngân hàng máu, cơ sở 2 Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm chuyên sâu Bệnh nhiệt đới, dự án mở rộng Bệnh viện Nhi đồng 1, các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế và mở rộng Bệnh viện Bà Rịa.

Bên cạnh đó, một số dự án thuộc giai đoạn trung hạn 2021-2025 đã hoàn thành và đưa vào khai thác, mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng lực y tế địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn không ít công trình chậm đưa vào sử dụng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Hiện tại, ngành y tế TP. HCM vẫn đang đối mặt với nhiều dự án tồn đọng.

Đơn cử, dự án Bệnh viện Trương Vương đang gặp khó khăn về tài chính từ phía nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, UBND TP. HCM đã giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng các sở ngành liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu phương án chấm dứt hợp đồng với nhà thầu theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường tại Bình Dương vẫn chưa được bàn giao cho Sở Y tế.

Hai công trình khác là Bệnh viện Lao - Bệnh phổi và Bệnh viện Tâm thần cũng chỉ mới được bàn giao hồ sơ nghiệm thu xây dựng, chưa có quyết định bàn giao tài sản (nhà, đất) từ cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, dự án Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu đang bị điều tra, khởi tố liên quan đến gói thầu số 25 dẫn đến việc chưa thể thực hiện kiểm toán nội bộ và chưa ban hành báo cáo kiểm toán.

Năm 2024, dù đã được phân bổ 73.628 tỷ đồng vốn đầu tư, Sở Y tế TP. HCM vẫn chưa thể giải ngân do vướng mắc liên quan đến vụ việc này.

Trước thực trạng trên, ngành y tế TP. HCM kiến nghị lãnh đạo thành phố sớm đưa ra các giải pháp căn cơ, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp quản lý và triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Ngày 1/7/2025, TP. HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức sáp nhập, hình thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới với tên gọi giữ nguyên là TP. HCM. Trung tâm chính trị - hành chính của địa phương đặt tại TP. HCM hiện nay.

Sau sáp nhập, TP. HCM mới có diện tích tự nhiên hơn 6.772km2, dân số trên 14 triệu người, với tổng cộng 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu hành chính.

Vị thế "đầu tàu kinh tế" của TP. HCM tiếp tục được khẳng định rõ nét khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hợp nhất của thành phố (gồm cả phần kinh tế từ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) ước đạt 2.707.805 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 GDP cả nước. Với quy mô này, TP. HCM duy trì vị trí dẫn đầu toàn quốc về kinh tế, trở thành cực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top