Aa

Dịch Corona và những tác động liên ngành

Thứ Ba, 11/02/2020 - 08:50

Dịch bệnh do virus Corona đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế nói chung nhưng nó cũng là cơ hội khiến nhiều ngành nghề được "hưởng lợi"...

Tác động tiêu cực

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (nCov) gây ra, tác động rất lớn đến nền kinh tế của các nước nói chung, nhiều ngành bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo Bộ KHĐT dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm so với mục tiêu 6,8% do tác động của dịch virus corona.

Ngành du lịch, bất động sản

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hãng hàng không các nước đã hạn chế hoặc tạm dừng các chuyến bay tới các nước có nguy cơ lây nhiễm nCov. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển du lịch của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ngành du lịch, bất động sản bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch virus Corona (Ảnh: Báo tài nguyên môi trường)

Những tác động tiêu cực đó đã kéo theo sự giảm sút doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong thời gian tới. Lượng khách hủy tour, hủy khách sạn cũng diễn ra thường xuyên do tâm lý lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. "Các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ" - ông Maur Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Tại Việt Nam, những hậu quả có thể nhìn thấy rõ nhất do ảnh hưởng của đại dịch là sự sụt giảm lớn lượng khách Trung Quốc, khách du lịch quốc tế và cả trong nước. Các khách sạn, nhà hàng, các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển, bất động sản du lịch gần như "đóng băng". Người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm công cộng tập trung đông người như sân bay, trung tâm thương mại, bến tàu, bến xe hay các khu vực vui chơi giải trí...

Ngành bán lẻ

Lượng khách mua sắm tại các chợ, siêu thị sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus Corona. Trong khi đó, theo khảo sát, nhu cầu tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết, có khả năng tăng sức đề kháng, có khả năng phòng ngừa bệnh thay vì các mặt hàng khác. Thói quen tiêu dùng cũn dần chuyển từ thương mại truyền thống (chợ truyền thống) sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.

Tình trạng vắng khách kỷ lục so với mọi năm tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn (Ảnh: Tú Anh)

Bên cạnh những tác động tiêu cực từ Nghị định 100 liên quan đến việc hạn chế tác hại của rượu bia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, ngành bia nói riêng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Corona do người tiêu dùng tránh những nơi công cộng, tụ tập để đảm bảo sức khỏe, giảm khả năng lây lan.

Ngành liên quan đến xuất nhập khẩu

Do dịch bệnh lây lan quá nhanh, nhiều lệnh cấm tại các biên giới đã được ban hành, sự gián đoạn sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình kinh doanh chung của nước ta khi mọi hoạt động xuất/nhập khẩu trong thời điểm này đều vô cùng khó khăn khi dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Sự gián đoạn đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Thu Hòa

Ngành Giáo dục

Tuy không ảnh hưởng kinh tế lớn như các ngành nghề khác nhưng để đảm bảo sự an toàn cho học sinh, sinh viên toàn quốc, các Tỉnh, thành phố, Bộ, Sở đã đồng ý việc cho học sinh sinh viên nghỉ học trong thời gian 02 tuần (03/2/2020 - 16/02/2020) để phòng chống dịch, hạn chế khả năng lây lan. Việc này đồng nghĩa việc học bị gián đoạn và các em sẽ phải kéo dài thời gian học bù để bổ sung lại kiến thức.

Việc học của học sinh, sinh viên cũng bị gián đoạn

Virus Corona cũng tạo ảnh hưởng xấu tới tâm lý thị trường trong thời gian ngắn hạn. Ngoài các ngành nghề trên còn có thể kể đến sự tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với ngành dầu khí do những lo ngại của nhà đầu tư về nhu cầu dầu mỏ sẽ yếu đi tại Trung Quốc, nơi mà nền kinh tế đang và sẽ chịu ảnh hưởng bởi virus Corona; ngành chứng khoán,...

Có thể nói, nếu cải thiện, kiểm soát được kịp thời nhanh chóng dịch bệnh thì các ngành nghề cũng sẽ dần hồi phục ở giữa, cuối năm 2020 theo như dự đoán của các chuyên gia.

Tác động "tích cực", những ngành nghề được "hưởng lợi"

Việc phòng chống dịch bệnh Corona được coi là vô cùng cấp thiết và được đặt là mối quan tâm hàng đầu trong thời điểm này. Do đó, các ngành nghề được "hưởng lợi" là các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng khẩu trang, những sản phẩm có khả năng phòng hộ, dung dịch sát khuẩn, sát trùng; doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm có khả năng diệt virus; các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng, tăng đề kháng, nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng.

Khẩu trang, các thực phẩm, rau củ có khả năng phòng ngừa virus luôn trong tình trạng "khan hàng" do nhu cầu tiêu dùng quá lớn

Virus Corona hiện đang là đại dịch gây nỗi hoang mang. lo sợ trên toàn cầu trước những diễn biến phức tạp trong một thời gian ngắn. Theo đó, các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đang là sự quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam nói riêng.

Ngoài tự trang bị cho mình khẩu trang đi ra đường, tránh tiếp xúc ở nơi đông người, rửa tay sát khuẩn thường xuyên thì việc ăn gì, uống gì để tăng sức đề kháng chống lại dịch bệnh cũng rất được chú trọng. Chính vì thế cũng là cơ hội để hàng loạt các mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng được dịp "ăn theo"....

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến 5 giờ 30 ngày 10/2/2020, tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) trên thế giới là 40.134 người. Số ca tử vong tăng lên 904 người.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/ vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top