Aa

Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt hạn chế ảnh hưởng từ dịch nCoV?

Thứ Hai, 10/02/2020 - 07:10

Khởi đầu năm 2020, tình hình kinh doanh của các cá nhân, hộ cá thể, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh do chủng virus corona mới (nCoV).

Dự báo GDP quý I/2020

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam đã chủ động hủy các tour đi Trung Quốc và ngược lại nhằm bảo vệ an toàn cho du khách. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, khách Trung Quốc chiếm tới hơn 30% tổng lượng khách tới Việt Nam năm 2019, như vậy dịch bệnh do virus nCoV đã ảnh hưởng nghiệm trọng tới ngành Du lịch của nước ta.

Sau đó, hàng hóa nông sản bị ứ đọng tại cửa khẩu do không xuất được sang Trung Quốc hoặc các nhà xe chuyên vận chuyển hàng nông sản ở địa phương không dám đưa hàng qua biên giới tiêu thụ do e ngại dịch bệnh đã khiến cho người nông dân lo lắng, nhiều người đã phải kêu gọi giải cứu nông sản.

Trước những khó khăn đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nền kinh tế của Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh của Trung Quốc, trước hết là hàng nông sản. 

“Nguyên nhân là do hàng nông sản của chính Trung Quốc cũng đang bị ứ đọng nên sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng trong trước. Thứ 2 là do bệnh dịch nên nhu cầu về sản phẩm, hàng hóa của người Trung Quốc cũng giảm nên họ hủy đơn hàng từ Việt Nam. Nhưng nguy hại hơn, tình trạng này có thể sẽ lan tỏa ra những mặt hàng khác”, chuyên gia Trí Hiếu cho hay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Ngoài ra, theo đánh giá của vị chuyên gia này, không chỉ có hàng hóa nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng mà rất nhiều ngành nghề khác của Việt Nam cũng bị lao đao theo. Số liệu năm 2019 từ Tổng Cục Hải quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng thêm tới 10,014 tỷ USD, lên 75,45 tỷ USD, chiếm tới gần 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Trong đó, nhiều nhóm hàng Trung Quốc là nơi cung cấp chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lên 12,11/51,35 tỷ USD. Nhóm Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy) các loại nhập khẩu về Việt Nam năm 2019 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 11,52/24,13 tỷ USD , chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo 3,99/15,53 tỷ. Điện thoại các loại và linh kiện từ Trung Quốc là 7,58/14,62 tỷ USD.

Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 5,14 triệu tấn. Hóa chất và sản phẩm trong năm 2019 nhập khẩu về Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc với 3,23/10,55 tỷ USD.

Các chuyên gia đánh giá nền kinh tế của Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra (Ảnh: Internet).

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến khó lường, nhưng có một điều chúng ta có thể nhận ra đó là nó sẽ tác động tới hầu hết các ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế từ gián tiếp đến trực tiếp đều mang ý nghĩa tiêu cực. Đặc biệt, mức độ tác động đối với một số ngành tương đối nghiêm trọng, nhất là ngành có tỷ lệ nhập siêu cao từ Trung Quốc

Do đó, chắc chắn trong quý I dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam hay khu vực đều có xu hướng tiêu cực. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong quý I/2020 là điều rất khó khăn.

Ảnh hưởng dây chuyền

Các chuyên gia nhận định, đây là thời điểm tương đối khó khăn cho doanh nghiệp, bởi nguy cơ suy thoái khá cao. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào nguyên liệu, máy móc và công nghệ của Trung Quốc, nhất là ngành dệt may, giày da, đồ gia dụng, thời trang… Ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, giải trí, games…, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp chính trên thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa có thuốc chữa trị thì sự gián đoạn sản xuất của nước láng giềng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới tình hình sản xuất toàn cầu bởi Trung Quốc là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của kinh tế  toàn cầu. Sự thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ làm gián đoạn sản xuất tại một số quốc gia, điển hình như khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, một nước nhập siêu từ Trung Quốc.

Ví dụ, dệt may là ngành ảnh hưởng nhiều nhất bởi vì 80% nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc, theo đó, nguyên liệu sản xuất thời trang của Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi không nhập được hàng từ Trung Quốc.

Năm 2003, khi dịch SARS bùng nổ tại Trung Quốc rồi lây lan sang các nước khác, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm từ mức 11,1% trong quý I - 2003 xuống còn 9,1% trong quý II. Trong khi, Trung Quốc phải mất 8 tháng để khống chế dịch bệnh. Nhưng đó là thời kỳ nước này đang tăng trưởng mạnh, còn năm 2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,1%, mức thấp nhất trong 29 năm qua.

Kịch bản sẽ được lặp lại trong năm nay, theo một dự báo của hãng phân tích tài chính Oxford Economics (Anh) dựa trên đánh giá về ảnh hưởng của dịch corona tính đến thời điểm này, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng chỉ đạt 5,6% năm 2020, giảm từ mức 6,1% năm ngoái.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp Trung Quốc kiểm soát được dịch trong vài tháng tới thì bản thân nước này cũng có nhu cầu sản xuất để phục hồi nền kinh tế. Theo đó, giá thành nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hay những nước không phải Trung Quốc tăng theo. Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh với khá khốc liệt.

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm các nguồn hàng để cân bằng sản xuất thay vì chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc (Ảnh: Internet).

Biện pháp nào cho doanh nghiệp Việt?

Trước những nguy cơ khó khăn có thể gặp phải do dịch bệnh nCoV, các chuyên gia cho rằng, với nông sản hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương phải liên thông, sử dụng nguồn hỗ trợ của Nhà nước để điều tiết phân phối nông sản cho kịp tới các vùng miền. Hiện nay, nông sản thường tìm tới được các đô thị lớn, mà bỏ qua vùng nông thôn. Nếu phân phối đều và hợp lý thì sẽ ít xảy ra tình trạng phải giải cứu nông sản cho người nông dân dù không bán sang Trung Quốc.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc nên chủ động đa dạng hóa đầu vào, tìm tới các nước khác thay vì phụ thuộc vào nước này; tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh để đáp ứng một phần nhu cầu thay phần nhập khẩu.

Ngoài ra, có những chính sách gián tiếp của Chính phủ như ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ qua những chính sách về thuế, cũng như những chính sách bổ trợ của Chính phủ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước để bù đắp phần nào hàng hóa chủ yếu nhập từ Trung Quốc”.

Thị trường chứng khoán đang dao động. Nguyên nhân phần lớn là do tâm lý của nhà đầu tư thấy dịch bệnh lan tỏa nên bán tháo cổ phiếu. 

“Trong trường hợp này, Chính phủ phải tạo ra sự an tâm cho những nhà đầu tư, bởi vì về cơ bản thì thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất tốt”, ông Hiếu chia sẻ.

Đó là từ Chính phủ, còn các doanh nghiệp nên chủ động tìm các biện pháp “thoát Trung”. Từ đó, các cá nhân, doanh nghiệp mới có thể phát triển và tránh lệ thuộc vào Trung Quốc. Và để hạn chế rủi ro kinh doanh do ảnh hưởng bởi virus nCoV, các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ và các cá thể kinh doanh online và offline cần chủ động lập lại kế hoạch mục tiêu kinh doanh ngắn hạn, cắt bỏ kế hoạch không hiệu quả, tránh mở rộng quy mô trong giai đoạn dịch bệnh và sau dịch bệnh mới lên lại kế hoạch dài hạn.

Thứ hai, giảm bớt ngân sách chạy quảng cáo online, tập chung làm online thủ công như SEO content, video, hình ảnh… hạn chế offline.

Thứ ba, cá nhân muốn khởi nghiệp nên làm chậm lại, xem xét lại các ngành nghề kinh doanh, kế hoạch phát triển, tuyển dụng nhân sự, marketing… Thay vì startup sớm thì hoãn lại để tích lũy vốn, kiến thức, nâng cao chuyên môn, mở rộng thêm mối quan hệ, tìm hiểu kỹ thị trường…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top