Aa

Dịch vụ nông nghiệp: Nhiều nông dân “thoát khỏi vỏ kén” ruộng đồng

Thứ Sáu, 17/01/2020 - 05:50

Với nông nghiệp 4.0, người nông dân hiện nay đang dần chuyển sang làm kinh tế bằng chính nghề của mình, để thu hoạch được phẩm nhanh chóng dễ dàng lại vừa an nhàn hơn xưa.

Dịch vụ phong phú

Khi công nghệ 4.0 phủ sóng khắp mọi ngõ ngách, nông nghiệp có vẻ mất dần đi lợi thế của mình, bắt buộc phải tìm một lối đi riêng. Từ đó, dịch vụ nông nghiệp ra đời, được hiểu chính là việc cung cấp máy móc, phương tiện hỗ trợ quá trình sản xuất và chăn nuôi, giúp công việc làm nông nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Trước đây, nông nghiệp là một ngành vô cùng vất vả, người nông dân phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, luôn trong tình trạng lo ngày lo đêm vì sâu bệnh, mưa nắng thất thường... Dịch vụ nông nghiệp ra đời giúp người nông dân giảm được gánh nặng những nỗi lo đó.

Dịch vụ cho thuê máy kéo, máy gặt đang rất phổ biến tại các vùng nông thôn (Nguồn: Internet)

Hiện nay, đã có rất nhiều nhóm ngành tham gia vào hoạt động dịch vụ nông nghiệp. Điển hình như dịch vụ máy gặt, máy cày, không chỉ giải phóng được sức lao động, rút ngắn thời gian cho người nông dân mà còn hạn chế hao hụt sản phẩm nông nghiệp khi thu hoạch. Nhiều hộ nông dân đầu tư mua máy gặt đập liên hợp công suất lớn, mỗi giờ có thể gặt được khoảng 8 - 10 sào lúa, vừa phục vụ gia đình, vừa làm dịch vụ.

Đối với những hộ dân trong lĩnh vực trồng trọt có những dịch vụ phổ biến như: Xử lý hạt giống, cây trồng, phun thuốc trừ sâu, tỉa cây, làm đất, kiểm tra giống cây trồng, tưới tiêu...

Ngoài ra, sau khi thu hoạch xong còn có những dịch vụ khác bao gồm: Làm sạch sản phẩm nông sản trước khi xuất ra thị trường, sơ chế sản phẩm... để hoàn tất thành phẩm của người dân.

Các hợp tác xã nông nghiệp không còn mới lạ với nông dân hiện nay (Nguồn: Internet)

Dịch vụ nông nghiệp trong chăn nuôi cũng phát triển mạnh. Nhiều hộ gia đình có trang trại chăn nuôi lớn cần đến những dịch vụ trợ giúp chuyên môn hóa như: Kiểm tra sức khỏe vật nuôi, kiểm tra, nghiên cứu thúc đẩy và phát triển giống vật nuôi, các dịch vụ chăn gia súc thuê, cho thuê đồng cỏ, nuôi và thuần chủng con vật, phân loại gia cầm, chăn ngựa và đóng móng ngựa...

Hướng đến sản xuất theo chuỗi, quy trình

Nhà nông thời hiện đại đã nhạy bén với thị hiếu của người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp vừa ngon, lạ, lại phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ những nông dân chân chất, nhiều người bắt đầu “thoát khỏi vỏ kén” ruộng đồng, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất hiện đại như nhà kính trồng rau quả kiểu Nhật, trại chăn nuôi tự động hoá hoàn toàn theo công nghệ Đức, thành lập hợp tác xã nuôi trồng...

Những mô hình tiên tiến, khép kín và theo chuỗi đó khá hiệu quả, đang biến khu vực nông nghiệp vốn lạc hậu trở thành vùng đất sôi động, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Người tiêu dùng đã có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc nông sản (Nguồn: Internet)

Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Phước, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải phát triển nền nông nghiệp 4.0, tập trung cho nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Do đó, dịch vụ nông nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ, liên kết thị trường giữa doanh nghiệp và nhà nông, tổ chức hợp tác xã kiểu mới, bắt tay với nhà tiêu thụ và ngân hàng để xây dựng thành vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ bền vững.

Tỉnh Bình Phước đã áp dụng rất nhanh chủ trương này khi đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao làm kinh tế mũi nhọn trong chiến lược hoạch định về phát triển của tỉnh trong tương lai. Tỉnh cũng quy hoạch mô hình nông nghiệp để xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương, gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị nhằm gia tăng hiệu quả.

Tại Bình Thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các nhà chuyển giao kỹ thuật và hệ thống tưới tiêu để thâm canh măng tây trong nhà lưới với hệ thống tiết kiệm nước theo liên kết chuỗi. Sau khi thử nghiệm trong vòng 12 tháng, Trung tâm Khuyến nông ước tính năng suất mỗi sào đạt khoảng 1.350kg, trừ chi phí đầu tư năm đầu tiên khoảng 49 triệu đồng, mỗi hộ lãi gần 19 triệu đồng/sào.

Hay như ứng dụng blockchain cũng giải được bài toán trong truy xuất nguồn gốc. Trên smartphone, nông dân nhập thông tin vào hệ thống, tất cả các công đoạn từ sau khi thu hoạch cho đến sản xuất và vận chuyển, phân phối đều được lưu lại. Về phía người tiêu dùng, họ có thể quét QR Code trên smartphone để kiểm tra xuất xứ, quá trình sản xuất và đường đi của hàng hóa trước khi mua. Công nghệ này đã không những giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc nông sản mà còn giúp nông dân bảo vệ thương hiệu.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, các trang trại áp dụng mô hình khép kín có thể chủ động kiểm soát được chất lượng đầu vào như thức ăn, con giống, chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường, xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp chủ động được nguồn cung ổn định, hạn chế khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, việc đầu tư mô hình chuỗi khép kín trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do các hộ nông dân có áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín nhưng theo kiểu chắp vá, vừa làm vừa đầu tư chứ không đầu tư ngay từ đầu nên chất lượng vẫn chưa đạt được như ý muốn. Hơn nữa, chi phí đầu tư công nghệ hiện đại lên đến hàng chục tỷ đồng nên không phải ai cũng dám và có điều kiện thực hiện. Ngoài vấn đề về vốn thì khi sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, nông dân vẫn còn lúng túng trong ứng dụng công nghệ cao.

Để phát triển các dịch vụ nông nghiệp hướng đến phương thức sản xuất hiện đại, khép kín, góp phần tăng năng suất, cũng cần một hành lang pháp lý phù hợp. Đồng thời người nông dân cũng cần nỗ lực trong việc tiếp cận với các phương thức của thời đại mới. Với những giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực, ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục đạt những thành tựu mới trong tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top