Aa

Điểm mặt 7 “bánh vẽ” hồ điều hòa

Thứ Năm, 16/05/2019 - 06:01

Hà Nội chi hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án công viên hồ điều hòa, cải tạo hồ. Những dự án đó được kỳ vọng sẽ trở thành lá phổi xanh, điều hòa không khí… Nhưng, kết quả là gì?

Đặc biệt, những năm qua, hàng loạt các chung cư cao tầng đua nhau mọc lên khiến không gian đô thị Thủ đô càng trở nên chật chội. Thế nhưng, trái lại với sự kỳ vọng ấy, rất nhiều dự án công viên hồ điều hòa, cải tạo hồ đang triển khai kiểu “dậm chân tại chỗ”. Thậm chí, có những dự án hơn chục năm trời đến nay vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Trong khi, người dân vẫn phải trông ngóng từng giây, từng phút những công viên hồ điều hòa hay việc cải tạo hồ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, họ lo ngại việc đất dự án công viên hồ điều hòa, lòng hồ vẫn đang ngày đêm bị lấn chiếm và “xẻ thịt” để sử dụng sai mục đích, thu lời bất chính.

Chủ trương đầu tư xây dựng công viên hồ điều hòa, cải tạo hồ của chính quyền TP. Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên thực tế, có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đánh giá trên nhiều phương diện, có thể nói để chủ trương trên đi vào thực tế và đúng mục đích tạo “lá phổi xanh” cho Thủ đô, thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền TP. Hà Nội và các chủ đầu tư.

Tại Hà Nội, Reatimes xin điểm lại những dự án công viên hồ điều hòa, cải tạo hồ thi công ì ạch và “đắp chiếu” nhiều năm:

1. Dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính

Hồ

Năm 2016, UBND quận Thanh Xuân bắt đầu khởi công dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thay vì hồ nước trong xanh là cỏ mọc um tùm.

Công viên hồ điều hòa Nhân Chính (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) có tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Được biết, vào năm 2011, dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính được giao cho một doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nhưng sau đó, doanh nghiệp này gặp vấn đề tài chính nên UBND quận Thanh Xuân làm văn bản đề nghị TP giao làm chủ đầu tư.

Năm 2015, TP. Hà Nội phê duyệt xong quy hoạch Công viên hồ điều hòa Nhân Chính. Trên cơ sở đó, năm 2016, UBND quận Thanh Xuân bắt đầu khởi công dự án. Theo phê duyệt, diện tích đất xây dựng công viên hồ điều hòa Nhân Chính rộng khoảng 13,23ha, được chia làm 3 khu chức năng. Đáng chú ý, dự án có quy hoạch một bãi đỗ xe diện tích khoảng hơn 1.300m2 cùng một số hạng mục dự định xã hội hóa như bãi đỗ xe ngầm.

Công trình được khởi công vào tháng 5/2016 và dự kiến hoàn thành sau khoảng 1 năm. Tuy nhiên đến nay, đã gần 3 năm trôi qua, Công viên hồ điều hòa Nhân Chính trông vẫn nhếch nhác dù đã mở cửa cho nhân dân vào. Thay vì hồ điều hòa đầy nước trong xanh, thì hiện tại lòng hồ chứa đầy cây cỏ mọc um tùm.

Theo lý giải của chủ đầu tư, có 3 lý do khiến Công viên hồ điều hòa Nhân Chính chậm hoàn thiện. Thứ nhất, trong phạm vi công viên hồ điều hòa Nhân Chính có đoạn mương Hòa Mục. Hiện nay có 76 hộ dân đang có đơn kiến nghị với UBND TP và đang được thụ lý giải quyết. Thứ 2, hiện UBND quận Thanh Xuân đang kiến nghị TP Hà Nội bàn giao công viên cho quận quản lý trong thời gian 3 - 5 năm để vận hành, bảo trì. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch Đầu tư đang trình UBND TP xem xét nhưng chưa có ý kiến cuối cùng.

Lý do thứ 3, công viên có quy hoạch một bãi đỗ xe ngầm 5 tầng hầm với diện tích khoảng 1,7ha. Theo đó, UBND TP giao cho Công ty TNHH Dịch vụ phát triển thương mại Phúc Lợi lập quy hoạch, đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà thực hiện, do chưa thỏa mãn phương án của UBND TP. Hà Nội đưa ra.

Hiện tại, người dân sống lân cận công viên hồ điều hòa Nhân Chính đã rất mong dự án sớm chỉnh trang, để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị vừa phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

2. Dự án kè hồ điều hòa Rẻ Quạt

h

Hồ Rẻ Quạt đang bị ô nhiễm và tình trạng lấn chiếm diện tích lòng hồ vẫn âm thầm diễn ra.

Tháng 10/2004, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định thu hồi hơn 20.000m2 đất tại các phường Hạ Đình, Thanh Xuân Trung (khu vực hồ Rẻ Quạt) giao cho Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân (thuộc quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) để tổ chức điều tra, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất.

Quá trình triển khai dự án, tháng 8/2009, UBND TP có thông báo chỉ đạo quận Thanh Xuân dừng việc thực hiện lập dự án, để nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết với diện tích đất này theo hướng: Kè hồ Rẻ Quạt làm hồ điều hòa, xây dựng đường giao thông quanh hồ và đường giao thông khu vực, tạo cảnh quan, môi trường khu vực.

Tuy nhiên, trong giai đoạn lập quy hoạch điều chỉnh khu vực hồ Rẻ Quạt (từ năm 2009 - 2014) và giai đoạn lập trình thẩm định và phê duyệt dự án (từ năm 2014 đến nay), một số người dân phường Hạ Đình có ý kiến: Yêu cầu kiểm tra quy trình lập quy hoạch, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, phúc tra hiện trạng; kiến nghị thu nhỏ vỉa hè, lòng đường được quy hoạch từ đường Nguyễn Xiển vào hồ từ 17,5m xuống 5 - 7m, phương án bồi thường,...

Do chưa giải quyết dứt điểm những nội dung trên, dự án kè hồ Rẻ Quạt làm hồ điều hòa nhiều năm qua vẫn chưa thể triển khai thi công.

Hiện tại, hồ Rẻ Quạt đang hết sức ô nhiễm, việc lấn chiếm diện tích lòng hồ vẫn âm thầm diễn ra. Vốn rộng vài héc-ta, song hiện diện tích mặt nước hồ Rẻ Quạt đang ngày bị thu hẹp.

3. Dự án công viên hồ điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội

Hồ

Nhiều năm qua, dự án công viên hồ điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội nhiều năm qua vẫn “án binh bất động”.

Được biết, dự án công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội (thuộc quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) do Công ty TNHH VNT làm chủ đầu tư, theo Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000777 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 02/6/2010 và cấp điều chỉnh ngày 12/4/2013 (điều chỉnh tiến độ triển khai dự án).

Ngày 04/12/2012, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định số 5279/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu công viên – hồ điều hòa thuộc Khu đô thị (KĐT) Tây Nam Hà Nội, tỷ lệ 1/500, theo đó mật độ xây dựng toàn khu là 7,26 %, chiều cao công trình từ 1 - 4 tầng.

Ngày 28/7/2014, Công ty TNHH VNT đã nộp hồ sơ vào Sở Kế hoạch và Đầu tư xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án, theo quy hoạch đã được UBND quận Cầu Giấy phê duyệt tại quyết định điều chỉnh quy hoạch số 5279/QĐ-UBND ngày 4/12/2012.

Ngày 28/10/2016, UBND TP ban hành văn bản số 10138/VP-ĐT, về việc triển khai thực hiện dự án công viên điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội. Theo đó, UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND quận Cầu Giấy thống nhất các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về quy hoạch kiến trúc, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị H2-2 được duyệt và chỉ đạo của UBND TP tại thông báo số 383/TB-UBND ngày 04/10/2016.

Trong quá trình triển khai dự án, Công ty TNHH VNT đã ký Hợp đồng nguyên tắc số 2004/2012/HĐNT với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Dương Thăng Long để cùng hợp tác đầu tư dự án. Tổng số tiền chủ đầu tư đã nhận từ các đối tác là gần 150 tỷ đồng.

Tiếp đó, Công ty TNHH VNT đã tham gia ký Hợp đồng nguyên tắc số 242/2014/HĐNT-YH, với các bên gồm OGC, Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Dương Thăng Long và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Thần Đồng (gọi tắt là Thần Đồng), để Thần Đồng nhận 5.287m2 sàn khu văn hóa, giáo dục thuộc dự án. Tổng số tiền Thần Đồng đã vay Ngân hàng TMCP Đại Dương (nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương, do Nhà nước sở hữu 100% vốn) để chuyển cho OGC là 200 tỷ đồng.

Theo lý giải của chủ đầu tư, đến nay dự án công viên hồ điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội chưa thể triển khai, là do việc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, điều chỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, hiện đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án. Cụ thể, người dân chưa đồng tình trong việc di dời khoảng 5.000 ngôi mộ nằm trong đất dự án.

Ngoài ra, liên quan đến OGC là một trong những đối tác ký hợp đồng hợp tác nêu trên, ngày 24/10/2014, nguyên Chủ tịch HĐQT là người đại diên pháp luật của OGC bị tạm giữ điều tra, do các sai phạm cá nhân tại Ngân hàng Đại Dương. Đây cũng được coi là một phần nguyên nhân khiến dự án công viên hồ điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội nhiều năm qua vẫn “án binh bất động”.

4. Dự án cải tạo hồ Linh Quang

gjjgjg

Chủ đầu tư mới dự án cải tạo hồ Linh Quang là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP. Hà Nội.

Được biết, dự án cải tạo hồ Linh Quang (rộng khoảng 2ha, thuộc quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đã có từ năm 2004 và chính thức triển khai thi công từ năm 2009. Dự án trước đây do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, nhưng đến năm 2013 thì dừng do hết vốn.

Ngày 30/10/2015, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 5789 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang. Ngày 3/5/2017, TP lại ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ đầu tư, thời gian thực hiện và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án này.

Theo đó, chủ đầu tư mới là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP. Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành là năm 2019. Tuy nhiên, dự án sau đó gặp vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, do nhiều hộ dân chưa đồng ý phương án đền bù, di dời. Ghi nhận tại hiện trường, dự án đang thi công dở dang các hạng mục san gạt kè bờ hồ.

Khảo sát quanh dự án, tình trạng đổ trộm rác thải, phế liệu xây dựng xuống lòng hồ vẫn tái diễn. Đồng thời, nước thải của các khu dân cư xung quanh khi chưa được kết nối vào hệ thống cống gom nên hàng ngày người dân vẫn xả thẳng xuống hồ gây ô nhiễm.

5. Dự án công viên hồ điều hòa Phùng Khoang

h

Tháng 10/2016, liên danh chủ đầu tư đã thực hiện lễ động thổ công trình công viên hồ điều hòa Phùng Khoang và hiện vỡ kế hoạch hoàn thành vào tháng 6/2017.

Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang nằm trong khuôn viên Khu đô thị mới Phùng Khoang rộng 46 ha (thuộc quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Đây là diện tích đất đối ứng cho dự án BT đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu). Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang có tổng diện tích 11,9ha, trong đó diện tích mặt hồ là 7,1ha; diện tích cây xanh cảnh quan chiếm 4,8ha; chiều dài bờ kè dài 1,075m.

Dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 26/1/2007. Đến ngày 15/12/2008, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2580/QĐ-UBND, về việc cho phép liên danh nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Xây dựng đô thị (thuộc Tập đoàn Nam Cường) và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội, đầu tư Dự án xây dựng Khu đô thị mới Phùng Khoang tại huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) và quận Thanh Xuân.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng và tiến hành khởi công vào quý II/2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, sau đó TP Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài tỷ lệ 1/500 tại các phường Trung Văn, Mễ Trì thuộc quận Nam Từ Liêm và các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc thuộc quận Thanh Xuân. Việc điều chỉnh quy hoạch kéo theo một số hạng mục của dự án như công viên hồ điều hòa Phùng Khoang và khu công trình giáp mặt đường Lê Văn Lương kéo dài phải dừng lại.

Đến ngày 7/7/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3740/QĐ, về phê duyệt Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài tỷ lệ 1/500. Ngay sau khi có quyết định, liên danh chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng đô thị và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội đã triển khai xây dựng tiếp dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang.

Tháng 10/2016, liên danh chủ đầu tư đã thực hiện lễ động thổ công trình công viên hồ điều hòa Phùng Khoang và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, sau 2 năm rưỡi kể từ ngày làm lễ động thổ, dự án vẫn trong giai đoạn thi công với nhiều hạng mục dang dở, lòng hồ cỏ vẫn mọc um tùm và chưa rõ ngày hoàn thành.

6. Dự án Khu Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông

h

Dự án Khu Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông được quy hoạch từ năm 2006 - 2007, nhưng hiện diện tích đất dành cho công viên chủ yếu là nhà hàng, quán ăn.

Dự án Khu Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông nằm trên địa bàn 2 phường Hà Cầu và Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) có quy mô hơn 52ha, được quy hoạch từ năm 2006 - 2007.

Vào năm 2008, do điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP. Hà Nội và công viên trên đã vì thế mà nhiều năm bị “đắp chiếu”. Năm 2015, UBND quận Hà Đông đề xuất TP. Hà Nội phương án quản lý khai thác tạm thời với diện tích đất làm công viên. Được biết, hiện Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông đang quản lý khu đất này.

Đáng chú ý, dù được chấp thuận với nội dung chủ yếu là phục vụ thể dục thể thao và bãi xe, không khai thác dịch vụ kinh doanh nhưng hiện diện tích đất dành cho công viên chủ yếu là nhà hàng, quán ăn. Trong khi đó, các khu chức năng nằm trong dự án Khu Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông vẫn đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đặc biệt là hạng mục xây dựng hồ điều hòa.

Liên quan đến những sai phạm tại dự án Khu Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông, trước đó, UBND quận Hà Đông đã xử lý 12 đơn vị vi phạm xây dựng vượt chiều cao, vượt diện tích hoặc sai vị trí so với xin cấp phép. Đồng thời, UBND quận Hà Đông cũng đã kiểm điểm xử lý 12 cán bộ, công chức liên quan đến việc quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị, buông lỏng quản lý khi để xảy ra sai phạm.

Nhiều ý kiến lo ngại, tình trạng “xẻ thịt” đất công đang ngang nhiên diễn ra tại đại dự án “ôm” hơn 52ha đất vàng này. Trái lại, việc đầu tư xây dựng dự án Khu Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông đúng như mục đích ban đầu thì bị chính quyền địa phương làm ngơ và dường như đang cố tình “bỏ quên”.

7. Công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy

h

Hiện trạng công trình cảnh quan công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy, sau khi Tập đoàn Nam Cường thi công vào tháng 10/2016 và dự kiến hoàn thành trong năm 2017.

Tháng 10/2016, Tập đoàn Nam Cường đã tổ chức lễ triển khai thi công công trình cảnh quan công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy, thuộc Khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) và dự kiến hoàn thành trong năm 2017.

Theo đó, công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy nằm tại vị trí trung tâm trong Khu đô thị mới Dương Nội. Công viên có tổng diện tích 12,1ha với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy cùng với Công viên Âm nhạc (cũng nằm trong Khu đô thị mới Dương Nội) được hứa hẹn sẽ điểm nhấn cho toàn bộ hạ tầng quận Hà Đông, đồng thời các dự án này sẽ giúp đồng bộ hóa hạ tầng và nâng cao chất lượng của người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, cho đến nay, công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy vẫn đang trong quá trình thi công và chưa thể hẹn ngày hoàn thiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top