Một trong những cổ phiếu khiến nhà đầu tư “mất ăn mất ngủ” thời gian qua là QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG). Từ mức 3.000 – 4.000 đồng/cổ phiếu, QCG đã tăng lên gần 12.000 đồng/cp. Giá trị cổ phiếu này đã tụt giảm mạnh bởi những tai tiếng khi trong suốt những năm qua với lợi nhuận thấp, không thể trả được nhiều khoản nợ đã đến hạn. Do vậy mà thông tin bán thành công dự án cho CTCP Đầu tư Sunny Island và tạm ứng 50 triệu USD chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu này tăng chóng mặt.
Một cái tên trong giới BĐS khác không thể không nhắc tới là mã cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt. Tính từ đầu năm đến nay mã cổ phiếu PDR đã tăng gần gấp 3 lần lên mức 27.000 đồng/cổ phiếu. PDR từng gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án như Dự án The EverRich II (River City). Mặc dù chưa khẳng định về thông tin bán dự án này cho Vạn Thịnh Phát nhưng giới đầu tư vẫn tin rằng đây chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu PDR tăng vọt.
Một cái tên khác là mã cổ phiếu DXG của CTCP DV & XD Địa Ốc Đất Xanh. Hiện nay cổ phiếu. DXG đang được giao dịch quanh mức 24.500 đồng/cp. DXG đã tăng tới hơn gấp đôi kể từ đầu năm đến nay. Kết quả kinh doanh của DXG trong những năm qua với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng.
Năm 2016, doanh thu hợp nhất của DXG lên đến 2.506 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước; lợi nhuận lên đến 537 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Trong quý I, II/2017, DXG cũng đạt được lợi nhuận lớn nhờ hoạt động môi giới.
Ấn tượng hơn là cổ phiếu của Licogi 14 (L14) khi tăng từ giá 3.600 đồng lên trên 90.000 đồng, tương ứng mức tăng trưởng 2.540% (26 lần) trong khoảng 3 năm. Dự án khu đô thị Minh Phương đi vào hoạt động khiến kết quả kinh doanh tăng 7 – 8 lần. Năm 2013, lợi nhuận của L14 đạt trên 3 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 đã lên 27 tỷ đồng. Được biết, năm 2017, L14 tiếp tục triển khai dự án Minh Phương mở rộng và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận khả quan cho công ty trong những năm tiếp theo.
Cổ phiếu VCS của Vicostone năm 2013 giao dịch quanh ngưỡng 13.000 đồng nhưng đến nay đã lên 180.000 đồng, tương ứng mức tăng 1.253%. Vicostone là doanh nghiệp độc quyền công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh và có mức tăng trưởng lợi nhuận qua các năm khá tốt. Ngoài ra, cổ phiếu của công ty gạch xây dựng này tăng mạnh sau khi nhóm cổ đông ngoại Red River Holding, DWS Vietnam Fund và Wonderful Kitchens thoái vốn và VCS trở thành công ty con của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa).
Coteccons (CTD) cũng là cổ phiếu có mức tăng trưởng thần kỳ. Từ vùng giá 40.000 đồng thời điểm đầu năm 2014, đến giữa năm 2017, giá cổ phiếu CTD đã tăng lên trên 200.000 đồng. Coteccons đang là tổng thầu xây dựng hàng đầu với lợi nhuận hàng nghìn tỷ. Bên cạnh lĩnh vực tổng thầu xây dựng vốn là thế mạnh, thời gian gần đây Coteccons đã đẩy mạnh đầu tư BĐS như văn phòng, resort..
Theo khảo sát, từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2017, có tới 3/4 cổ phiếu xây dựng, BĐS niêm yết trên sàn tăng giá như KDH của CTCP Đầu Tư & KD Nhà Khang Điền, TDC của CTCP KD & PT Bình Dương, LDG của CTCP Đầu tư LDG, SCR của Sacomreal… Điểm chung của phần lớn cổ phiếu BĐS tăng giá là tin tức chuyển nhượng dự án hay ghi nhận doanh thu từ các dự án BĐS mở bán. Tuy nhiên những tháng gần đây, nhóm cổ phiếu này đang điều chỉnh mạnh cho thấy con sóng BĐS có thể sẽ chỉ là con sóng ngắn hạn.
Giá cổ phiếu ngành xây dựng tăng giá mạnh phản ánh phần nào sự hồi phục của thị trường BĐS xây dựng trong thời gian gần đây. Nó cũng là tín hiệu mừng cho thấy, các doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn sau một thời gian dài đi chậm. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng giá cổ phiếu ngành xây dựng có được duy trì tốt từ nay đến cuối năm 2017 hay không, còn tùy thuộc vào “nội lực” của từng doanh nghiệp.
Công ty Chứng khoán IVS cho rằng, sự phân hóa đang diễn ra bởi sức cạnh tranh ngày một lớn đối với nhóm cổ phiếu này. Trong đó, những công ty lớn, có tiềm lực tài chính mạnh cùng quỹ đất nhiều sẽ có ưu thế trong cuộc đua tiếp theo. Do đó khi đầu tư vào những cổ phiếu này, NĐT không nên chỉ dựa vào một số thông tin bên lề hơn là những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.