Mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, tổng số lượt doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt doanh nghiệp, được chia ra theo từng năm để các bộ, ngành, địa phương thực hiện thoái vốn. Năm 2017 phải thoái ở 135 doanh nghiệp, năm 2018 thoái ở 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái ở 62 doanh nghiệp và năm 2020 thoái ở 28 doanh nghiệp.
Nhìn vào kế hoạch thoái vốn của năm 2017, theo quan sát của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, áp lực rất lớn đang đặt nặng lên vai người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Hà Nội, Bắc Giang, Bình Định ...
Những đơn vị này có số lượng doanh nghiệp phải thoái vốn khá cao, từ 7 - 17 doanh nghiệp trong khi thời gian còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 4 tháng.
Tuy nhiên, Quyết định 1232 vẫn có nhiều cơ hội lớn cho cả Nhà nước (ở góc độ tăng thu ngân sách, rút ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cần nắm cổ phần chi phối) lẫn nhà đầu tư. Lý do là trong danh sách thoái vốn trên có khá nhiều tên tuổi đang được nhà đầu tư quan tâm, sẵn sàng mua vào ngay khi tỷ lệ thoái vốn nhà nước được công bố phù hợp.
Về giá trị, khoản tiền thu được từ thoái vốn nhà nước trong năm 2017 nếu tính theo giá trị niêm yết trên sàn có thể lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Còn nếu tính tổng cộng 375 doanh nghiệp trong danh sách còn vốn nhà nước thì tổng số vốn dự kiến thoái trong giai đoạn 2017 - 2020 là gần 65.000 tỷ đồng.
Về phía thị trường, Quyết định 1232 sẽ mở ra cơ hội thay đổi, tái cơ cấu danh mục cho nhà đầu tư, kể cả trong nước và nước ngoài – đang quan tâm tới thị trường này. Bởi lẽ đây là lần đầu tiên Chính phủ công khai danh mục đầu tư nhà nước và tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ bán trong các doanh nghiệp.
Ngoài ra, kế hoạch sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg cho thấy giá trị sổ sách phần vốn nhà nước thu hồi có thể đạt gần 300.000 tỷ đồng. Như vậy, danh mục tài sản Nhà nước cần thoái từ nay đến năm 2020 ước tính sẽ khoảng 365.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn, đủ để tăng quy mô thị trường cũng như sức hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư từ các quỹ.