Nhận diện “điểm mù”
Để có thể bán được hàng ở các dự án vùng ven TP.HCM, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra những lời quảng cáo có cánh. Tuy nhiên, đây lại là “điểm mù” mà khách hàng cần chú ý, bởi quảng cáo không phải lúc nào cũng đúng sự thật.
Chẳng hạn, mới đây, Sea Holdings quảng cáo là chủ đầu tư và mở bán dự án mang tên thương mại Lago Centro tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án được quảng cáo nằm cạnh những con sông như Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu ra sông Soài Rạp, Rạch Cát, thiên nhiên trong lành thoáng mát, kết nối với TP.HCM rất gần…
Tuy nhiên, theo quy hoạch 1/500, dự án này được UBND huyện Bến Lức giao cho Công ty TNHH Bất động sản An Thịnh Phát L.A làm chủ đầu tư chứ không phải Sea Holdings. Ngoài ra, vị trí dự án này nằm tại khu công nghiệp của huyện Bến Lức đi Đức Hòa và khá xa TP.HCM, còn những con kênh quanh dự án đều có dấu hiệu ô nhiễm bởi ảnh hưởng từ các cụm, khu công nghiệp.
Thêm vào đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện dự án này vẫn đang chờ hoàn thành pháp lý, nhưng vẫn được chủ đầu tư mở bán rầm rộ.
Trước đó, nhiều khách hàng cũng đã mắc kẹt khi mua nhà ở một số dự án tại huyện Đức Hòa, Long Anh như Hưng Thịnh Cát Tường, Thiên Phúc - Hoàng Gia do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thiên Phúc làm chủ đầu tư. Dự án Thiên Phúc - Hoàng Gia bán cho khách hàng hơn 1 năm nay, nhưng pháp lý vẫn chưa thực hiện xong và chủ đầu tư không chịu bàn giao sản phẩm cho khách hàng.
Một điểm mù nữa được luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cảnh báo, đó là nhu cầu nhà ở của khách hàng trong tỉnh thường rất ít, đối tượng khách hàng mà các chủ đầu tư nhắm tới chủ yếu là nhà đầu tư TP.HCM và thường các nhà đầu tư này không nắm rõ được thị trường bất động sản tỉnh. Việc nhiều nhà đầu tư TP.HCM mắc kẹt tại các dự án ở Long Thành (Đồng Nai), hay TP. Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) khi chạy theo cơn sốt là một bài học nhãn tiền.
“Có rất nhiều khách hàng mua bán bất động sản tại hai tỉnh này tìm tới tôi nhờ tư vấn pháp lý và khởi kiện doanh nghiệp. Lý do vì khách hàng nghe lời quảng cáo của doanh nghiệp địa ốc và tới dự án thấy chủ đầu tư quây tường, san lấp mặt bằng nên tin đây là dự án thật, không lên cơ quan chức năng kiểm tra pháp lý xem dự án có được cấp phép hay không. Sau khi mua mới phát hiện dự án này không được cấp phép”, luật sư Phượng nói.
Một điểm lưu tâm nữa, theo ông Phượng, khi mở bán các dự án ở tỉnh, chủ đầu tư, đơn vị phân phối thường sử dụng “chim mồi” để dụ khách hàng. Tức lúc mở bán, doanh nghiệp sẽ cho nhiều “người nhà” cùng xuống tiền mua sản phẩm một lúc, tạo ra tâm lý sốt ảo cho khách hàng thật.
Cẩn trọng “điểm mù”
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding, ở thị trường tỉnh luôn có những rủi ro nhất định nếu khách hàng không cảnh giác.
Quy định pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ, với dự án đất nền, muốn chuyển nhượng phải sở hữu quyền sử dụng đất, phải giải phóng mặt bằng và đầu tư một phần hạ tầng theo đúng tiến độ dự án. Đồng thời, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, trước khi mở bán, chủ dự án phải thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và nhận được thông báo được phép kinh doanh thì chủ đầu tư mới được kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đầu tư vào các dự án chưa đủ pháp lý. Trong đó, nhiều trường hợp nhà đầu tư biết rõ dự án sai phạm, nhưng vẫn chấp nhận xuống tiền vì hám lợi và nghĩ rằng, mình không phải là người đến sau cùng.
Đồng quan điểm, ông Phượng cho rằng, khách hàng, người dân và nhà đầu tư cần phải có sự cẩn trọng, bởi không phải khu vực vùng ven nào, bất động sản cũng có tiềm năng. Chỉ có những khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh, hạ tầng phát triển tốt, mới có khả năng tăng giá, còn các khu vực khác, nếu nhà đầu tư chạy theo cơn sốt mà không nghiên cứu kỹ, rất dễ bị mắc kẹt, chôn vốn.
“Để hạn chế rủi ro, trước khi chọn mua bất động sản vùng ven, không nên ham rẻ, nhà đầu tư không lên nghe lời quảng cáo của dân môi giới và chủ đầu tư, mà cần phải kiểm tra pháp lý dự án ở xã, huyện”, luật sư Phượng nói.