Aa

Điểm sáng giao thông từ “Vua hầm” Đèo Cả

Thứ Ba, 20/02/2018 - 21:02

Với gần 10 năm dấn thân vào nghề “đi trước mở đường”, nhưng giờ đây, Công ty CPĐT Đèo Cả đã nắm trong tay ba dự án hầm đường bộ lớn nhất cả nước, trở thành doanh nghiệp số một Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư lên tới gần 2 tỷ USD.

Nhà đầu tư hầm đường bộ lớn nhất nước

Cách đây chừng dăm, bảy năm, tên gọi Đèo Cả (Công ty CPĐT Đèo Cả - PV) còn khá lạ lẫm với những người làm trong nghề xây dựng cơ bản giao thông, thậm chí khi đặt cạnh các tên tuổi lớn có thâm niên ngót nghét nửa thế kỷ của ngành giao thông, nhiều người lạc quan nhất cũng chẳng thể mường tượng sẽ có một ngày Đèo Cả bay cao và tạo dựng nên thương hiệu như bây giờ.

Càng ấn tượng hơn khi hai năm trở lại đây, trong bối cảnh ngành GTVT phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trong công tác đầu tư hạ tầng, số lượng công trình lớn được triển khai xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì Đèo Cả đã trở thành một điểm sáng hiếm hoi khi tiếp tục duy trì và khẳng định vị thế “Vua hầm” qua việc triển khai hàng loạt dự án giao thông tầm cỡ theo hình thức hợp tác PPP như: Hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên CEO Hồ Minh Hoàng và CBCNV Đèo Cả trong lần thăm công trình hầm lúc thi công. Ảnh ĐC

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên CEO Hồ Minh Hoàng và CBCNV Đèo Cả trong lần thăm công trình hầm lúc thi công. Ảnh ĐC.

Vị “thuyền trưởng” đã chèo lái con tàu “Đèo Cả” ra biển lớn và tạo nên thương hiệu “Vua hầm” là ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả. Đèo Cả - một doanh nghiệp thành lập vào năm 2010 với mục đích ban đầu là đầu tư dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Nhiều người lúc đó chỉ nhìn Đèo Cả như một đứa trẻ mới sinh, kinh nghiệm đầu tư và quản lý các dự án hạ tầng giao thông của công ty này chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Nhưng nếu tìm hiểu rõ về cơ cấu cổ đông, chắc hẳn không ai dám đánh giá thấp năng lực của doanh nghiệp này. Bởi, thực chất, Đèo Cả là một liên doanh giữa ba bên: Tập đoàn Hải Thạch, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và Quỹ đầu tư của Ngân hàng Vietinbank.

Trong khi Hải Thạch và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đảm nhận về mặt chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng thì sự góp mặt của Vietinbank – một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước lại đem đến sự đảm bảo về năng lực tài chính cho liên doanh này.

Về dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả, chủ trương đầu tư công trình đã được Chính phủ lên kế hoạch từ năm 2001. Ban đầu, dự án dự định triển khai theo hình thức tổng thầu EPC, sử dụng nguồn vốn vay của các ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, do gặp quá nhiều vướng mắc trong khâu huy động vốn và tổng mức đầu tư vọt lên cao, nên công trình đã phải trì hoãn gần chục năm. Đến năm 2011, Chính phủ chuyển hướng đầu tư dự án bằng nguồn vốn trong nước, cùng với đó là dùng nhà đầu tư, nhà thầu 100% trong nước, chỉ có tư vấn giám sát thuê của nước ngoài, trước bối cảnh đó, Công ty CPĐT Đèo Cả đã được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn, để chuẩn bị triển khai dự án, ông Hồ Minh Hoàng săn hàng loạt các chuyên gia giỏi đầu ngành, đội ngũ cố vấn cao cấp gồm những người nguyên là lãnh đạo các cơ quan chuyên về kinh tế, tài chính, an ninh, kiểm toán… để đảm bảo triển khai dự án một cách minh bạch, công khai và kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những thiếu sót. Về công tác thi công, nhà đầu tư cũng lựa chọn những đơn vị có kinh nghiệm nhất nhì Việt Nam trong lĩnh vực khoét núi, đào hầm như: Tổng công ty Lũng Lô, Công ty CP Sông Đà 10…

Với sự chuẩn bị kỹ càng về nhân lực, vật lực, đặc biệt là sự chủ động trong việc lựa chọn sử dụng nguồn vốn và các nhà thầu trong nước, chỉ sau hơn 4 năm triển khai thi công, cuối tháng 8/2017, dự án hầm đường bộ có quy mô lớn nhất cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ với chiều dài hơn 13km, trong đó hầm Đèo Cả dài hơn 4km, hầm Cổ Mã dài 500m và gần 10km cầu, đường dẫn. Cái được lớn nhất của dự án này theo đánh giá của nhiều người đó là sự khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam khi lần đầu tiên một công trình hầm đường bộ có quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật phức tạp nhưng được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn lực trong nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ thông hầm Đèo Cả.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ thông hầm Đèo Cả.

Hơn nữa, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế để tiết giảm 3.600 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Khẳng định điều này trong chuyến thăm công trình hầm Đèo Cả vào cuối tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Việc làm hầm xuyên núi là rất khó khăn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, tuy nhiên, các cán bộ kỹ sư và công nhân Việt Nam đã hết sức nỗ lực, thực hiện dự án an toàn và rút ngắn được tiến độ. Đặc biệt dự án này được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa nên đã không làm tăng nợ công, lại còn tiết giảm được hơn 3.600 tỉ đồng là rất đáng biểu dương”.

Sau thành công vang dội tại dự án hầm đường bộ đầu tiên mang thương hiệu “Made in Vietnam”, Đèo Cả nhận được sự tin tưởng lớn của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành khi tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” làm nhà đầu tư tại hai công trình hầm đường bộ lớn khác là dự án mở rộng đường bộ Hải Vân (tổng mức đầu tư gần 7.300 tỷ đồng) và dự án xây dựng hầm Cù Mông (tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng), đưa Đèo Cả trở thành “Vua hầm” đường bộ tại Việt Nam.

Chia sẻ với PV, ông Hoàng cho biết, từ những kinh nghiệm tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả, nhà đầu tư tiếp tục áp dụng phương thức dùng 100% vốn, nhà thầu trong nước và chỉ thuê chuyên gia nước ngoài để tư vấn giám sát dự án trong quá trình triển khai dự án mở rộng hầm Hải Vân và hầm Cù Mông.

“Đến cuối năm 2017, chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn 1 - sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hầm Hải Vân hiện hữu. Dự kiến, đầu năm 2020, giai đoạn 2 của dự án - mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông sẽ hoàn thành để khai thác đồng bộ dự án trong quý I/2020”, ông Hoàng nói và cho biết, riêng dự án xây dựng hầm đường bộ Cù Mông tiếp giáp giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định sẽ được thông hầm trong quý 1/2018.

Hầm Đèo Cả gọi tên khát vọng Việt, lần đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ thi công hầm. Ảnh Xuân Huy.

Hầm Đèo Cả gọi tên khát vọng Việt, lần đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ thi công hầm. Ảnh Xuân Huy.

Giải cứu cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn

Giai đoạn 2016 - 2017, ngành GTVT phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trắc trở trong công tác huy động vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, suốt thời gian dài gần như không có dự án BOT nào được khởi công xây dựng mới, thậm chí một số công trình lớn thực hiện từ giai đoạn 2014 - 2015 cũng lâm vào cảnh lao đao khi không thể xoay sở được nguồn vốn tín dụng để tiếp tục triển khai, điển hình cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 với tổng mức đầu tư lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.

Dù dự án được đặt kỳ vọng rất lớn trong việc rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Lạng Sơn, đảm bảo ATGT, giảm tải cho tuyến QL1 và tạo động lực phát triển KT-XH cho cả khu vực phía Bắc, nhưng sau hơn hai năm triển khai (động thổ tháng 7/2015), đến giữa năm 2017, dự án chẳng có gì biến chuyển do nhà đầu tư không không vay được vốn. Bế tắc lên tới đỉnh điểm vào tháng 3/2017 khi Bộ GTVT đã phải tính đến phương án chấm dứt hợp đồng dự án do nhà đầu tư liên tục vi phạm hợp đồng BOT.

Ông Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, nếu thời điểm đó, Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn cho dự án bởi phải tiến hành đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư mất khoảng 1,5 - 2 năm, hơn nữa toàn bộ công tác thi công trên công trường phải dừng lại, khiến tiến độ dự án phải kéo dài thêm.

Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã kêu gọi các nhà đầu tư tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả vào giải cứu dự án thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty CP Đầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ) để đảm bảo dự án vừa có nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực tài chính, vừa tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý. Sau khi đổi chủ đầu tư, ngày 1/6/2017, dự án chính thức được khởi động lại đánh dấu bằng sự kiện ngân hàng Vietinbank ký hợp đồng tài trợ nguồn vốn tín dụng cho dự án trị giá hơn 10.000 tỷ đồng.

CEO Hồ Minh Hoàng.

CEO Hồ Minh Hoàng.

Đến nay, sau hơn 6 tháng kể từ khi thay “máu” nhà đầu tư, dự án đã “lột xác” hoàn toàn và có những chuyển biến mạnh mẽ. Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, ngay khi tiếp quản, đã tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp dự án theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lạng Sơn, chính quyền địa phương hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng triển khai nhanh chóng công tác đền bù, GPMB để phục vụ thi công dự án. Đến nay, chính quyền địa phương đã bàn giao được 59/64km (đạt 92%) mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công tuyến cao tốc.

“Mặt bằng có đến đâu, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, nhân lực thi công hoàn thành đến đó. Đơn vị nào không đạt sản lượng so với kế hoạch cam kết đều bị điều chuyển, cắt giảm cho đơn vị khác làm tốt hơn.

Kết quả, chỉ trong vòng 6 tháng, sản lượng thi công đã đạt gần 30% khối lượng của toàn dự án”, ông Hoàng nói và cho biết, theo tiến độ đã điều chỉnh với Bộ GTVT khi tiếp quản dự án, toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào 31/12/2019, nhưng trên cở sở kiểm soát lại tiến độ chung của các gói thầu, nhà đầu tư phấn đấu đưa cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn về đích trước 2 tháng so với yêu cầu.

Tuy nhiên, ngay cả làm xong sớm, tuyến cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng không hiệu quả khi đoạn cao tốc liền kề từ Chi Lăng - cửa khẩu Hữu Nghị không được triển khai đồng bộ. Vậy kế hoạch triển khai đoạn tuyến này thế nào? Đó là câu hỏi được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) đặt ra trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 diễn ra cuối tháng 11/2017.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi đã trao đổi với Bí thư Lạng Sơn và Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất không dùng vốn nước ngoài mà sẽ làm đoạn từ Lạng Sơn đi cửa khẩu Hữu Nghị bằng hình thức BOT, trên tinh thần khắc phục tồn tại của hình thức đầu tư này và sẽ triển khai ngay khi kỳ họp này kết thúc”.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan đã thống nhất phương án trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đoạn Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 8.000 tỷ đồng) vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và sẽ hoàn thành đồng bộ vào năm 2020.

“Sau khi được tăng cường thêm các nhà đầu tư mới, nguồn vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng cho dự án đã được đảm bảo, tiến độ triển khai trên công trường rất tốt. Hiện nay, khối lượng công việc của dự án đã hoàn thành gần 30%. Tôi đánh giá rất cao năng lực của các doanh nghiệp tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả tham gia vào dự án này khi mọi công việc đều hoàn thành vượt yêu cầu đề ra. Với tiến độ như hiện nay, đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chắc chắn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, còn đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị Quan sẽ hoàn thành vào năm 2020”, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA2 - Bộ GTVT (Đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) khẳng định.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top