Điểm sáng nhìn từ bức tranh kinh tế tỉnh Lạng Sơn
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 của địa phương này đạt 2.911,8 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia), tăng 5,4% so với Trung ương giao, trong đó 2.681,8 tỷ đồng đã đủ điều kiện phân bổ chi tiết.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án, tổng vốn đăng ký 3.156,1 tỷ đồng, trong đó cấp điều chỉnh cho 31 dự án.
Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các nhà đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng nỗ lực chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải phóng mặt bằng như công tác quy hoạch xây dựng dự án Quần thể Khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn, Khu Đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mô (huyện Chi Lăng), Khu đô thị mới Bến Bắc, Khu đô thị mới Mai Pha (TP. Lạng Sơn)…
Trao đổi với Reatimes về bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, cũng như kế hoạch, giải pháp trong những tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh đã có chia sẻ thẳng thắn để đạt được mục tiêu quan trọng này.
PV: Thưa ông, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa lường trước được diễn biến phức tạp, liệu những kế hoạch mà tỉnh Lạng Sơn đặt ra trong năm 2021 nói chung và quý IV/2021 nói riêng có đạt được như mong đợi? Giải pháp nào đưa địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra?
Ông Lương Trọng Quỳnh: Trước hết, tỉnh Lạng Sơn xác định phải kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 vì chỉ có thể kiểm soát được dịch bệnh thì việc thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội mới thuận lợi. Minh chứng là từ đầu năm đến nay chúng tôi đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19, điều đó thể hiện qua số liệu xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Thu ngân sách đạt trên 8.100 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ năm trước.
Những tháng cuối năm Lạng Sơn tập trung hoàn thiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đề ra, triển khai thuận lợi các dự án bằng nguồn vốn ngân sách cũng như ngoài ngân sách, hoàn thành các dự án trọng điểm đang triển khai. Vấn đề khó khăn nhất vẫn là giải phóng mặt bằng vì vướng mắc ở sự đồng thuận của người dân. Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ nút thắt này, đặc biệt đối với những dự án trọng điểm, công trình trọng điểm của tỉnh. Đối với công tác quy hoạch, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo bước 01, sắp tới sẽ trình Ban thường vụ về lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
PV: Thưa ông, chỉ chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2021 và cũng chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, tỉnh Lạng Sơn đang có kế hoạch như thế nào để đón đầu cơ hội khi cả nước đang dần gỡ bỏ giãn cách, hoạt động thông thương bắt đầu trở lại với "trạng thái bình thường mới".
Ông Lương Trọng Quỳnh: Thực ra, từ đầu năm 2021 khi xuất hiện dịch bệnh đến nay, chúng tôi vẫn luôn đảm bảo thông thương giữa việc xuất khẩu và nhập khẩu trên địa bàn. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm trên 3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 980 triệu USD chủ yếu là hàng hóa nông sản của tất cả các tỉnh thành trong cả nước xuất khẩu qua Lạng Sơn.
Hằng ngày có rất nhiều lái xe, người chở hàng ở các vùng có dịch về thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi phải có giải pháp để kiểm soát đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng được yêu cầu thông thương, đặc biệt là xuất nhập khẩu nông sản trên cả nước và địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
PV: Xin ông cho biết chính sách đầu tư của tỉnh Lạng Sơn để thu hút những “đại bàng” đến làm tổ, tạo sự bứt phá cho địa phương?
Ông Lương Trọng Quỳnh: Lạng Sơn luôn mở rộng chào đón những nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, hiện nay địa phương đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quan tâm như Vingroup, Sun Group, Sovico, FLC… Cụ thể, Vingroup đã hoàn thành 1 dự án, Sun Group đang triển khai 2 dự án, đặc biệt là Dự án Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn đã hoàn thành quy hoạch phân khu và đang thực hiện các bước tiếp theo. Tập đoàn FLC cũng đang thực hiện công việc liên quan tới quy hoạch các khu đô thị dịch vụ, sau đó sẽ tổ chức triển khai thực hiện.
Tại dự án sân gold Hoàng Đồng, thời gian trước có gặp khó khăn về vốn nhưng gần đây đã ghi nhận nhiều tín hiệu đáng mừng từ Tập đoàn Sovico. Sovico đang thực hiện việc tiếp nhận và điều chỉnh quy hoạch, tôi cho rằng Sovico là một tập đoàn lớn, có uy tín với hệ sinh thái tiềm năng như hàng không, ngân hàng… Tôi tin tưởng rằng dự án sẽ được khởi động trong thời gian sớm nhất.
Đối với phát triển công nghiệp, trước đây ít nhà đầu tư quan tâm tới thị trường Lạng Sơn vì các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang quỹ đất còn dồi dào nhưng hiện nay khi quỹ đất đã dần hạn hẹp, thị trường Lạng Sơn lại là mảnh đất tiềm năng để đầu tư công nghiệp.
Chúng tôi đang phối hợp cùng với VISIP thực hiện dự án Khu công nghiệp Hữu Lũng, vừa rồi đã thông qua quy hoạch và đang thực hiện các bước lập dự án, quy hoạch chi tiết để triển khai. Tỉnh Lạng Sơn xác định Khu công nghiệp Hữu Lũng là dự án trọng điểm với quy mô 5.500ha, đến thời điểm hiện nay đã được Thủ tướng chấp thuận quy hoạch khu công nghiệp quốc gia với diện tích khoảng 599ha, phần còn lại sẽ quy hoạch song song với định hướng bao gồm đô thị, thương mại dịch vụ và công nghiệp.
Đối với chủ trương thu hút nhà đầu tư, tỉnh Lạng Sơn có một hệ thống dự án ưu tiên và kêu gọi đầu tư, vừa qua UBND tỉnh đã thống nhất và tới đây sẽ công bố, nếu các nhà đầu tư tham gia vào các dự án này sẽ được hưởng mọi chính sách ưu tiên.
Trân trọng cảm ơn ông!