Aa

Điện Biên: Thu hồi vốn tạm ứng để tăng hiệu quả đầu tư công

Thứ Ba, 17/09/2024 - 10:33

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi số dư tạm ứng vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhưng tỷ lệ vốn tạm ứng hiện nay vẫn còn khá lớn và kéo dài qua nhiều năm. Để nâng cao hiệu quả của đầu tư công trong phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị chủ đầu tư cần tích cực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng này.

Điện Biên: Thu hồi vốn tạm ứng để tăng hiệu quả đầu tư công- Ảnh 1.

Dự án nâng cấp sửa chữa rãnh thoát nước, vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Điện Biên Phủ) có số dư tạm ứng đến tháng 8/2024 là 1 tỷ đồng.

Nhiều dự án khó thu hồi

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tạm ứng và thu hồi tạm ứng, các cơ quan tài chính, kho bạc đã thường xuyên đôn đốc và phối hợp với chủ đầu tư trong thu hồi số dư các dự án tạm ứng theo quy định. Tuy nhiên, đến nay có những chủ đầu tư có số dư tạm ứng quá hạn lớn, nhưng chưa làm thủ tục hoàn trả vốn tạm ứng hoặc nộp trả ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án khó thu hồi, như: Dự án Điểm trường trung tâm Mầm non Mường Nhé dư tạm ứng 38 triệu đồng do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư. Hay dự án rừng phòng hộ sông Đà thị xã Mường Lay dư tạm ứng 90 triệu đồng do Lâm trường Đặc sản Mường Lay - Điện Biên làm chủ đầu tư. Công trình kè bảo vệ đất ở, đất sản xuất bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư có số tiền phải thu hồi tạm ứng 148,254 triệu đồng (trong đó Công ty TNHH Trung Nguyên Điện Biên hơn 105,6 triệu đồng; Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sơn Nam Điện Biên gần 23 triệu đồng và Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế và phát triển công nghệ Sông Gianh Hà Nội hơn 24,8 triệu đồng), đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, thực hiện kiến nghị về xử lý sau quyết toán dự án hoàn thành, phòng đã gửi công văn, gọi điện nhiều lần để đôn đốc các công ty thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay có doanh nghiệp không còn hoạt động trên địa bàn tỉnh (Công ty TNHH Trung Nguyên Điện Biên), có doanh nghiệp giám đốc đã qua đời và công ty ngừng hoạt động (Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế và phát triển công nghệ Sông Gianh Hà Nội) nên không thể thực hiện thu hồi số tiền nộp trả ngân sách Nhà nước.

Tương tự, tại dự án đường Co Luống - U Va, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) còn dư tạm ứng chi phí xây lắp gần 168 triệu đồng do Công ty TNHH xây dựng  Song Hùng thực hiện. Theo Ban Quản lý dự án các công trình huyện Điện Biên, đơn vị đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc nhà thầu thi công dự án nộp lại số tiền còn dư tạm ứng. Tuy nhiên, nhà thầu thi công xây lắp đến nay không còn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng do yếu về tiềm lực tài chính, mặt khác địa chỉ công ty thay đổi liên tục. Vì vậy, Sở Kế hoạch Đầu tư đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Qua theo dõi, tính đến hết tháng 6/2024, tổng số dư tạm ứng vốn đầu tư chưa thu hồi hơn 1.323  tỷ đồng, gồm số dư tạm ứng vốn ngân sách Trung ương hơn 111,3 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 1.212 tỷ đồng. Trong đó, số dư tạm ứng của các dự án quá hạn là 53,625 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 5,358 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương 48,267 tỷ đồng). Có nhiều đơn vị chủ đầu tư có số dư tạm ứng quá hạn nhưng chưa làm thủ tục hoàn trả vốn tạm ứng hoặc nộp trả ngân sách Nhà nước, như: huyện Mường Chà 5,3 tỷ đồng; huyện Nậm Pồ hơn 7,3 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh hơn 2,3 tỷ đồng…

Điện Biên: Thu hồi vốn tạm ứng để tăng hiệu quả đầu tư công- Ảnh 2.

Dự án Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Điện Biên hiện nay còn số dư tạm ứng 41,5 triệu đồng.

Quyết liệt thu hồi

Thời gian qua, quá trình thu hồi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do một số dự án sau khi tạm ứng vốn không có mặt bằng để thi công, vì vậy việc nghiệm thu, hoàn ứng không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các dự án giải phóng mặt bằng khi có tạm ứng vốn, nhưng chủ đầu tư không chi trả được cho người dân do người dân thay đổi ý định, chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ như kế hoạch trước đó. Một số dự án vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, gia hạn thời gian thực hiện. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp thi công phá sản, thay đổi địa điểm… khiến việc thu hồi vốn tạm ứng gặp khó.

Số dư tạm ứng trong đầu tư xây dựng cơ bản càng lớn thì hiệu quả đầu tư công càng giảm. Do đó, quản lý hiệu quả vốn tạm ứng và thu hồi nhanh nguồn vốn này là hết sức cần thiết.

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng chậm thu hồi vốn tạm ứng, ngày 2/8/2024 UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ được thực hiện tạm ứng cho các gói thầu xây lắp sau khi đã bàn giao được mặt bằng công trình để thi công công việc có giá trị tương đương với phần vốn tạm ứng. Tập trung rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân từng khoản tạm ứng quá hạn; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân phải hoàn ứng; đề xuất các phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số tạm ứng quá hạn.

Đặc biệt, đối với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực thực hiện tạm ứng vốn đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng, thời điểm thu hồi tạm ứng từng lần theo quy định phải được ghi cụ thể trong hợp đồng và phải phù hợp với tiến độ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng và khối lượng thực hiện từng năm.

Điện Biên: Thu hồi vốn tạm ứng để tăng hiệu quả đầu tư công- Ảnh 3.

Đẩy nhanh thu hồi tạm ứng góp phần tăng hiệu quả vốn đầu tư công. Trong ảnh: Đơn vị thi công dự án Đường động lực.

Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, mức vốn tạm ứng theo kế hoạch, tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; mức vốn tạm ứng tối đa theo yêu cầu không vượt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt. Sau thời hạn 1 năm kể từ ngày chuyển tiền về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại cơ quan Kho bạc Nhà nước mà chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách Nhà nước.

Theo bà Phạm Thị Minh Huệ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, để đẩy nhanh tiến độ thu hồi vốn tạm ứng, đơn vị đã thực hiện nghiêm các quy định về tạm ứng vốn, thu hồi vốn tạm ứng của các chủ đầu tư có dự án còn dư ứng, đặc biệt số dư ứng quá hạn theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ. Chủ động phối hợp cơ quan liên quan về tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, trong đó phân loại cụ thể số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi đến thời điểm báo cáo; xác định lý do, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi số dư tạm ứng quá hạn và đề xuất biện pháp xử lý.

Đồng thời, đối với các dự án nhà thầu thi công đã giải thể nhưng chưa thu hồi hết số dư tạm ứng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư báo cáo và có giải pháp cụ thể để nộp hoàn trả ngân sách Nhà nước. Việc để số dư tạm ứng quá hạn lớn, kéo dài thì đề nghị UBND tỉnh xem xét là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chủ đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top