Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khát vọng vươn mình, của sự thịnh vượng và hùng cường. Khát vọng đó được cụ thể hóa qua “bộ tứ trụ cột” gồm bốn nghị quyết then chốt của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57, 59, 66 và 68). Đây không chỉ là kim chỉ nam cho cải cách thể chế mà còn là lời hiệu triệu toàn dân tộc biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tiễn. Những nghị quyết này không đứng riêng lẻ mà tạo thành một hệ chỉnh thể chiến lược phát triển quốc gia, trong đó cải cách thể chế trở thành đòn bẩy để hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Những chuyển động này phản ánh quyết tâm chính trị cao và nỗ lực bền bỉ trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân, vì doanh nghiệp, tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho đầu tư và phát triển. Trong bối cảnh đó, tiếp tục cải cách thể chế không chỉ là một yêu cầu khách quan mà còn là “mệnh lệnh từ tương lai dân tộc”, đòi hỏi tư duy phát triển hoàn toàn mới và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và những nhà khoa học, các cơ quan báo chí, truyền thông…

Trên cơ sở đó, yêu cầu, định hướng và giải pháp phát huy vai trò của các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong xây dựng, thực thi chính sách hiệu quả là đặc biệt quan trọng. Cải cách thể chế từ góc nhìn đa chiều đòi hỏi phải nhìn nhận vai trò của từng chủ thể một cách toàn diện và có tính tương tác. Trong hệ sinh thái đó, các hiệp hội đóng vai trò cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp thực tế với cơ quan quản lý Nhà nước; Doanh nghiệp, với tư cách là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ chính sách, cần chủ động cung cấp các phản hồi về tính khả thi và hiệu quả của chính sách, nhất là trong quá trình hoàn thiện thể chế, sửa đổi đồng bộ nhiều văn bản quy phạm pháp luật; Các cơ quan quan báo chí đóng vai trò giám sát, phản biện chính sách và truyền tải những chủ trương, chính sách mới. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên không chỉ là yêu cầu khách quan, mà còn góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của quốc gia.
Với tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách” với 3 mục tiêu trọng tâm.
Thứ nhất, nhận diện sâu sắc hơn về tư duy phát triển mới, những yêu cầu cấp bách của công cuộc cải cách thể chế và làm rõ vai trò kiến tạo của ba chủ thể.
Thứ hai, đánh giá khách quan thực trạng vai trò và trách nhiệm của các bên, từ đó đề xuất một mô hình “Tam giác phối hợp” trong việc giám sát, xây dựng và phản biện chính sách.
Thứ ba, nhận diện những vấn đề trọng tâm và cấp bách nhất cần sự phối hợp của các bên trong thời gian tới, bao gồm việc tháo gỡ các rào cản thể chế đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; những bất cập nổi bật về chính sách đất đai, tín dụng, thuế, quy hoạch, thủ tục đầu tư và các giải pháp cho sự phát triển bền vững, minh bạch của thị trường bất động sản.