Theo đó, khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt, có ba mặt tiền, rộng hơn 2.254m2 được đề xuất xây trụ sở văn phòng của một ngân hàng cao 45m, quy mô 14 tầng và một tum cao 3m.
Ở khu đất 45B Lý Thường Kiệt có diện tích 1.076m2, thành phố đề xuất xây trụ sở văn phòng Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Hà Nội, với đề xuất điều chỉnh quy mô chiều cao tối đa 12 tầng.
Lý giải về đề xuất điều chỉnh quy hoạch tại 2 dự án trên, TP. Hà Nội cho rằng, công trình có chức năng văn phòng nên không làm quá tải dân số, mà sẽ góp phần đồng bộ các hoạt động dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng chất lượng cao. Công trình theo TP. Hà Nội rất cần cho khu vực trung tâm Thủ đô. Bên cạnh đó, nhà đầu tư hai dự án trên cũng đề nghị được đóng góp kinh phí xây dựng, nâng cấp hạ tầng và kiến trúc cảnh quan chung khu vực.
UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, khu phố cũ ở quận Hoàn Kiếm được ưu tiên để xây dựng công trình văn phòng làm việc với chiều cao 4-6 tầng. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, quy hoạch này cũng cho phép lựa chọn một số công trình làm điểm nhấn kèm điều kiện phải có khoảng lùi đúng quy chuẩn và các tiêu chí về chỗ đỗ xe, cây xanh, kiến trúc...
Với những lý do trên, trong văn bản TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương để UBND thành phố hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án và triển khai thời gian tới.
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050. Như vậy, mục tiêu là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư. Thế nhưng, ngày càng nhiều cao ốc đua nhau mọc lên, rồi điều chỉnh từ tầng thấp lên số tầng cao hơn khá phổ biến khiến không gian Hà Nội bị “bóp nghẹt”, dân số tăng chóng mặt, đường phố tắc nghẽn nhiều nơi…
Ông Võ cho rằng, không thể tiếp tục cách làm này, khi một quy hoạch được duyệt có nghĩa đã tính được sức tải không gian của khu vực đó, quá tải là không chịu được.
“Hiện chúng ta đang rất đểnh đoảng về quy hoạch, đểnh đoảng trong quản lý quy hoạch, còn duyệt quy hoạch thì chúng ta làm tốt. Nhưng có điều duyệt quy hoạch xong là điều chỉnh, chiều theo ý chủ đầu tư tạo áp lực rất lớn về hạ tầng ở một số khu vực của Hà Nội” - ông Đặng Hùng Võ nói.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, quản lý quy hoạch có nhiều cấp, ai là người có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch thì đó là người phải chịu trách nhiệm cao nhất, bởi quy hoạch lúc đầu có thể rất tốt nhưng sau đó bị điều chỉnh lại không phù hợp.
Từng quản lý lĩnh vực đô thị hàng chục năm, ông Đỗ Viết Chiến – Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng thừa nhận, những vấn đề hiện nay của nhà cao tầng khu vực nội đô Hà Nội lại không nằm ở khâu quy hoạch mà là do những bất cập trong khâu thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch. Đó là tình trạng điều chỉnh cục bộ trong quá trình thực hiện.
Ông Chiến đề nghị, rà soát lại quy hoạch khu vực nội đô lịch sử và khoanh vùng cấm tuyệt đối xây dựng ở những khu vực cần bảo tồn như phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Tây, hồ Gươm, thành cổ… cần chỉ rõ những khu vực cho phép xây dựng nhà cao tầng và phải sử dụng hệ số sử dụng đất để khống chế.
"Riêng đối với khu vực nội đô mở rộng cần yêu cầu thực hiện theo quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị" - ông Chiến nhấn mạnh.