“Đến hẹn lại lên”, câu chuyện lát đá vỉa hè lại trở thành chủ đề nóng trong những ngày gần đây, khi không ít người dân phản ánh về tình trạng tại các tuyến đường được lát đá được giới thiệu có độ bền 70 năm như phố Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng... nhiều đoạn vỉa hè đã xuống cấp nghiêm trọng. Các mảng đá lát vỉa hè nứt vỡ, bong tróc tạo nên cảnh nhếch nhác, thiếu mỹ quan.
Hơn một năm trước, UBND TP. Hà Nội có Quyết định 1303/QĐ-UBND về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội”. Theo đó, hơn 100 tuyến đường tại các quận như: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông sẽ được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên. Theo thông tin giới thiệu, đá tự nhiên sẽ có tuổi đời từ 50 - 70 năm, không chỉ đảm bảo độ bền mà còn góp phần chỉnh trang đô thị.
Thực tế, chủ trương lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên đã được đưa ra từ cuối năm 2016. Khi đó, lãnh đạo TP. Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Mục tiêu được đề ra là đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững, với tuổi thọ lên đến 70 năm.
Thực tế, vỉa hè của nhiều tuyến phố đã bị rạn nứt, vỡ. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Tuy nhiên, những vỉa hè đá tự nhiên mới ở tuổi lên 2 đã bắt đầu nứt vỡ...
Trước đó, Hà Nội cũng đã nhiều lần thay áo mới cho vỉa hè. 10 năm trôi qua với 4 lần đại tu vỉa hè, dường như Hà Nội vẫn đang loay hoay với câu chuyện chọn vật liệu gì để đảm bảo độ bền và đẹp trong công cuộc chỉnh trang đô thị. Trong khi mục tiêu cốt lõi là việc hướng tới một bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại hơn chưa đạt được thì niềm tin vào những lời cam kết của chính quyền thành phố lại vỡ vụn thêm và những vết sẹo của việc đào lên, lấp xuống trên vỉa hè lại càng hằn sâu.
Cà phê cuối tuần xin giới thiệu chia sẻ của KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xung quanh những bất cập của câu chuyện lát đá vỉa hè.
HÃY THÔNG MINH TỪ CHÍNH VỈA HÈ
PV: Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn luôn nhìn nhận rằng, lát đá vỉa hè là một giải pháp góp phần chỉnh trang đô thị, làm đẹp hơn cho cảnh quan thành phố. Đặc biệt, đến nay, Hà Nội chủ trương triển khai đồng bộ việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên. Ở góc độ của một kiến trúc sư, ông đánh giá như thế nào về giải pháp này trong công cuộc chỉnh trang đô thị?
KTS. Trần Huy Ánh: Vỉa hè là một bộ phận cấu thành của đô thị. Bởi thế, trong chỉnh trang vỉa hè có hẳn một lĩnh vực nghệ thuật là thiết kế đô thị. Nhưng không một “bộ đồng phục” duy nhất nào có thể tạo nên vẻ đẹp tổng thể cho cả thành phố. Thành phố đẹp trước hết ở sự đa dạng và dựa trên tổ hợp nghệ thuật sắp đặt đa dạng của rất nhiều bối cảnh, không gian khác nhau. Thậm chí, trong đó bao gồm cả những thảm thực vật, thổ nhưỡng, không khí, con người, công trình kiến trúc,… Lát đá vỉa hè chỉ là một trong những giải pháp làm đẹp đô thị rất phổ biến.
Về câu chuyện lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, tôi cho rằng, để làm đẹp, chúng ta có nhiều cách thực hiện khác nhau. Và, lát đá tự nhiên có thể là một trong cách làm đẹp đó. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay, khi đã có rất nhiều vật liệu thay thế, lẽ ra người ta càng phải thận trọng trong việc lựa chọn sử dụng đá tự nhiên. Đơn giản bởi, dùng đá tự nhiên tức là tàn phá thiên nhiên. Nhưng không thể vì làm đẹp chỗ này mà đi tàn phá chỗ khác.
Chúng ta không thể hoài cổ bằng việc dùng những vật liệu truyền thống một cách tuỳ tiện. Nếu có, chúng ta phải cân nhắc dùng vật liệu tự nhiên ở vị trí nào, có xứng đáng hay đúng bối cảnh không?
Tại sao ở thành phố cần phải lát đá tự nhiên trên vỉa hè, trong khi nhiều vật liệu khác có thể thay thế? Việc sử dụng vật liệu cần xác định, ưu tiên sử dụng cái gì trước, cái gì dừng lại. Những vật liệu tái chế, vật liệu xanh mới là cách thể hiện được phương pháp tiếp cận hiện đại, văn minh và có trách nhiệm với đô thị.
PV: Như KTS vừa nhận định, sử dụng đá tự nhiên là một cách tàn phá thiên nhiên. Nhưng tại Hà Nội, chủ trương lát vỉa hè bằng đá tự nhiên lại đang được coi là phương án tối ưu và triển khai rộng rãi. Ông nghĩ sao về điều này?
KTS. Trần Huy Ánh: Với một thành phố hay bất kỳ dự án nào, sự thông minh và tối ưu nhất được thể hiện trong cách tiếp cận các phương án xây dựng, thiết kế, sử dụng vật liệu gì. Tôi đã đến nhiều thành phố trên thế giới và nhận thấy, vỉa hè được xây dựng bằng vật liệu tái sử dụng. Tôi cho rằng, đó là cách họ thể hiện đẳng cấp và sự phát triển một thành phố. Họ có trách nhiệm với tương lai khi đảm bảo công năng của vỉa hè mà không tàn phá tài nguyên thiên nhiên.
So với nhiều thành phố khác trên thế giới, Hà Nội chưa phải là thành phố có mức phát triển kinh tế cao. Nhưng nhiều năm trôi qua, Hà Nội cứ loay hoay, bế tắc và lãng phí trong chuyện lát đá vỉa hè.
Lựa chọn lát đá tự nhiên có độ bền với tuổi thọ 60 hay 70 năm không phải là điều dư luận quan tâm nhất, vấn đề cốt lõi mà người dân hay những du khách đến Hà Nội quan tâm chính là cách hành xử thiếu trách nhiệm với tương lai khi lựa chọn loại vật liệu này.
Để hình thành một khối núi tự nhiên có thể phải mất đến hàng triệu năm, trong khi đó, đá vỉa hè lát chỉ được vài năm đã vỡ vụn. Sự lãng phí này thậm chí có thể sẽ ảnh đến việc giáo dục cả một thế hệ trẻ, làm cho các công dân tương lai trở nên vô trách nhiệm với môi trường sống của chính mình.
Những lời lẽ giảng dạy hay ho, giáo điều về sự tiết kiệm, về phát triển bền vững, về kiến trúc xanh, về bảo vệ môi trường và thiên nhiên… không còn ý nghĩa khi chính thế hệ hiện nay hành xử với thiên nhiên thiếu chuẩn mực, gây lãng phí và tàn phá môi trường tự nhiên. Cách hành xử đó đang thể hiện sự vô trách nhiệm của con người.
Hành động bảo vệ môi trường từ việc lựa chọn nguyên liệu lát vỉa hè hợp lý sẽ là biện pháp giáo dục rất tốt. Một thành phố muốn đạt tới sự sáng tạo, trở thành thành phố thông minh cần phải thể hiện từ ngay cách ứng xử với vật chất xung quanh, hãy thông minh từ vỉa hè.
NÊN LÀM MỘT BỘ SƯU TẬP RIÊNG NHỮNG LỜI CAM KẾT
PV: Cũng chỉ bởi câu chuyện nguyên liệu lát như thế nào, độ bền ra sao… mà những tranh luận về chủ đề lát đá vỉa hè mãi không có hồi kết. Vậy thưa ông, đâu là mấu chốt của vấn đề?
KTS. Trần Huy Ánh: Ở góc độ kỹ thuật, vật liệu đá dễ gây ra trơn trượt ảnh hưởng đến người già, trẻ em. Rất nhiều trường hợp ngã xe vì đi qua đường dốc trơn do trời mưa. Thế nhưng khi thiệt hại xảy ra, người ta lại thay thế đá này bằng đá khác với giá đắt đỏ, lãng phí hơn.
Thế nên, tranh luận về vấn đề lát đá vỉa hè như điệp khúc không hồi kết bởi dù giới chuyên môn đưa ra lập luận khoa học, phản biện nhưng những người có quyền quyết định trong việc chỉnh trang đô thị của Thành phố lại không lắng nghe. Điều này dẫn tới một vòng luẩn quẩn. Và những bình luận về việc lát đá vỉa hè gây lãng phí phản tự nhiên, phản khoa học, thể hiện sự thiếu trách nhiệm vẫn được lặp đi lặp lại mỗi năm…
Sự tranh luận này được ví như “đám đông” đang phản biện với không khí.
Vì sao khi dư luận lên tiếng, những người đứng đầu Thành phố không lắng nghe và đối thoại? Khi không thể lý giải được một cách tường minh, họ lại có xu hướng đưa ra giải pháp mang tính đối phó, thiếu thuyết phục khiến người dân càng thất vọng.
PV: Những viên đá tự nhiên từng được cam kết có tuổi thọ 50 - 70 năm, nhưng thực tế thì mới chỉ sau 2 năm đưa vào sử dụng đã bị rạn vỡ, gây khó khăn cho người đi đường, mất mỹ quan đô thị. 10 năm, 4 cuộc đại tu vỉa hè, và với thực trạng này, có thể Hà Nội lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn?
KTS. Trần Huy Ánh: Khi thực hiện công việc lát đá vỉa hè, bản thân những người nghiên cứu về đô thị, được đào tạo về kỹ thuật xây dựng đã nhận định và dự báo rằng, đá tự nhiên dùng để lát vỉa hè hiện nay gây ra nhiều bất cập trong sử dụng. Do vậy, chuyện trùng tu lại vỉa hè sẽ chỉ là chuyện sớm muộn.
Ban đầu, nhà thầu thi công sử dụng đá vôi, loại đá có độ mài mòn lớn, tạo bụi, ma sát, không có cường độ, đó là một cách làm khá “dại dột” ngay từ bước đầu. Về sau, người ta lại cố gắng chữa cái sự dại dột đó bằng một sự dại dột lớn. Họ dùng loại đá đắt tiền hơn, cường độ lớn hơn nhưng quên mất một điều, con người không thể kiểm soát được chất lượng của đá tự nhiên. Đá tự nhiên phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên kiến tạo ra nó.
Nhưng ở thời điểm chủ trương được đưa ra, những người có trách nhiệm vẫn cố những hứa hẹn về tuổi thọ của đá kéo dài 60 - 70 năm. Cam kết này chỉ để đổi lại cảm giác an tâm cho người dân. Thực sự không có một kiểm chứng nào chính xác và không có một cơ quan nào thẩm định, giám sát được.
PV: Dư luận phản đối, giới chuyên môn phản biện nhưng điệp khúc vẫn lặp lại: “Vỡ là lát” mà không tính toán đến một phương án giải quyết cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, phải có lợi ích lớn thì người ta mới chuộng lát đá định kỳ như vậy?
KTS. Trần Huy Ánh: Người ta cứ bảo sử dụng đá tự nhiên để đẹp, để bền, để góp phần vào chỉnh trang đô thị. Nhưng phải nhìn ra rằng, chúng ta sử dụng đá đắt tiền trang trí để làm gì khi ngay bên cạnh đó là một tủ điện hoen rỉ, dây dợ lằng nhằng mà không biết cái nào dùng, không biết của nhà ai,… Đó là một tình trạng lôi thôi, lếch nhếch không nên có của một thành phố văn minh.
Người dân có quyền hoài nghi rằng, có thể việc lát đá vỉa hè chỉ là hành động cố làm lấy được để giải ngân, chứ không phải làm đẹp với mục đích cao nhất để phục vụ đời sống dân sinh.
PV: Đúng như KTS nhận định, trước những cuộc đại tu vỉa hè, lãnh đạo Thành phố luôn có những lời hứa và viễn cảnh "vĩnh cửu". Nhưng đến lúc đá vỡ vụn, lời hứa dường như cũng... rạn nứt theo. Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng hết nhiệm kỳ là hết hiệu lực của lời cam kết?
KTS. Trần Huy Ánh: Tôi nghĩ báo chí nên làm một bộ sưu tập riêng về những lời cam kết của người có trách nhiệm. Chúng ta sẽ có báo chí để kiểm định, đối chiếu từ thực tế với những lời cam kết được công khai. Đó là thước đo để thẩm định phẩm giá của người cam kết.
Cần phải nhấn mạnh rằng, từ việc lát đá vỉa hè, người dân đều nhìn thấy điều lớn lao hơn là câu chuyện ứng xử của chính quyền địa phương, cụ thể là của thành phố Hà Nội với người dân Thủ đô. Dù có thể, việc này giao cho từng quận huyện triển khai thì chủ trương cũng đều phải nằm trong sự chỉ đạo của thành phố.
Hà Nội là Thủ đô hội tụ những tinh hoa về văn hoá, truyền thống, về cái đẹp của kiến trúc và đô thị. Mỗi người lãnh đạo nên coi nhiệm kỳ của mình là những tháng ngày vinh quang, trách nhiệm và danh dự, đừng bỏ phí nó trong những trang lịch sử hay trong chính cuộc đời họ.
PV: Thưa ông, Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh với rất nhiều hạng mục, kỳ vọng. Nhưng từ câu chuyện đơn giản nhất là vỉa hè đã thể hiện sự lúng túng, theo ông nên có giải pháp như thế nào?
KTS. Trần Huy Ánh: Đầu tiên, chúng ta cần phải định nghĩa đúng thế nào là vỉa hè. Vỉa hè là một bộ phận cấu thành của không gian đô thị với chức năng lớn nhất là phục vụ giao thông. Nhưng vỉa hè ở một số thành phố hiện đại ngoài chức năng giao thông dành cho người đi bộ thì còn chứa đựng một hệ thống hạ tầng đô thị phức tạp và hiện đại hóa. Song, càng hiện đại hóa và phức tạp, mức độ suy hao càng lớn.
Ở những thành phố hiện đại trên thế giới, thông thường, họ đưa tất cả đường dây, đường ống ngầm vào một hệ thống chung để chia sẻ. Dù được đánh giá là gọn gàng nhưng vẫn có những mặt trái nhất định. Bắt đầu là một hệ thống hạ tầng nhưng lại cần thêm một hệ thống hạ tầng khác, sau đó, việc duy trì bảo dưỡng phải giải quyết lần lượt từng lớp. Phương án này dẫn đến vô cùng tốn kém về mặt chi phí nhưng lại có thể tuỳ biến. Không phải các đường dây của 10 năm trước thì vẫn sẽ đi đúng như vậy trong 10 năm sau. Cho nên mọi dự báo thiết kế, lắp đặt đều có tính tương đối vì hệ thống hạ tầng phát triển không ngừng.
Do đó, người ta đã tính đến chuyện lát đá vỉa hè không nhất thiết phải vĩnh cửu hóa. Người ta phải lựa chọn những vật liệu đủ bền vững trong lúc sử dụng nhưng đủ linh loạt đáp ứng được yêu cầu dễ dàng trong lúc sửa chữa, đồng thời hợp lý về chi phí.
Trên thế giới, họ chỉ sử dụng vữa, xi măng bình thường nhưng đạt chuẩn về yêu cầu thiết kế đô thị chứ không khẳng định bằng đá tự nhiên. Ví dụ, họ có thể tận dụng đá vụn, nhỏ để trang trí hoặc nguyên liệu tái sử dụng khác. Với một số công trình, họ nghiền đá ra và sử dụng chất kết dính có cường độ cao được ép với áp suất lớn. Thực tế, tính chất cơ lý của nó tốt hơn đá tự nhiên và rẻ hơn đá tự nhiên rất nhiều. Thậm chí họ chỉ trộn các cốt liệu rời với xi măng là có thể láng phẳng được bề mặt vỉa hè.
Nhưng những điều này mới chỉ đóng góp một phần trong cảnh quan đô thị. Ngoài việc chăm chăm đến câu chuyện lát đá, cần phải quan tâm đến những chi tiết về công trình kỹ thuật, nắp cống, nắp ga, dây diện, dây viễn thông... Làm thế nào để những chi tiết này được gia công tinh tế, tạo độ phẳng, giúp trẻ em, người già an toàn, hạn chế tối đa khả năng bị vấp ngã gây nguy hiểm.
Một vấn đề gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và phản cảm đó là những trụ điện, tủ điện hỏng, xập xệ, dây điện lổn nhổn trên vỉa hè. Những chi tiết nhỏ này cũng có thể thấy kỹ năng quản trị của người phụ trách cảnh quan đô thị.
Vỉa hè là nơi dành cho tất cả mọi người, từ người già, trẻ em đến cả những người khuyết tật. Với Việt Nam, văn hoá vỉa hè lại càng đặc biệt hơn. Vì thế, cách ứng xử với nó ra sao thể hiện được tính nhân văn và sự văn minh của một thành phố.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!