Aa

Chỉnh trang đô thị: Nhìn từ "vết sẹo" vỉa hè

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 06/04/2019 - 06:01

Từ năm 2010, sau 3 lần "đại tu" lớn, dự án lát đá tự nhiên trên toàn bộ các tuyến phố Hà Nội đã thất bại vì thiếu đồng bộ về hạ tầng, kế hoạch thực hiện, quá trình thi công và chất lượng vật liệu.

Nhằm sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường thống nhất, nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã triển khai lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây. Theo quảng cáo, đây là loại đá tự nhiên có kết cấu bền vững, tuổi thọ từ 50 - 70 năm. Mỗi mét vuông đá xanh thay thế có giá khoảng 500.000 đồng. Tuy nhiên sau một thời gian đi vào sử dụng, những viên đá tự nhiên được “quảng cáo” là bền vững 70 năm đã... vỡ nát.

Theo giới chuyên gia ngoài vấn đề chất lượng vật liệu thì sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong quản lí khiến sau một hai năm, nhiều tuyến phố lại bị cày xới theo kiểu mạnh ai nấy làm. Hết ngành viễn thông, ngành cấp nước, thoát nước lại đến ngành điện đua nhau thực hiện các dự án của mình. Người này lấp, người kia lại đào… cứ thế luẩn quẩn một điệp khúc đào lấp. Hậu quả là đường phố xuống cấp, mất trật tự và mỹ quan đô thị, lãng phí những nguồn lực khổng lồ để đầu tư cho phát triển và an sinh xã hội, chương trình lát đá vì thế cũng buộc phải dừng lại vào cuối năm 2017. 

Tuy nhiên, mới đây Hà Nội ban hành quyết định về thiết kế mẫu vỉa hè đô thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, hơn 100 tuyến phố tại Thủ đô sẽ được lát đá tự nhiên. Ngoài ra, các tuyến phố khác sẽ được lát hè bằng các loại vật liệu khác như gạch bê tông vân đá, gạch Tezarro hoặc gạch block.

Dư luận một lần nữa không khỏi băn khoăn vì sao từ năm này qua năm khác, Hà Nội mãi loay hoay với câu chuyện lát đá vỉa hè, và vì sao sau rất nhiều lần chỉnh trang một cách lãng phí, Hà Nội vẫn như một đại công trường? 

Để có cái nhìn toàn cảnh về câu chuyên này, Cà phê cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam.

PV: Nhằm chỉnh trang các tuyến phố đẹp, hiện đại và văn minh hơn, Hà Nội mới đây lại có chủ trương lát vỉa hè hơn 100 tuyến phố bằng đá tự nhiên. Thưa KTS Phạm Thanh Tùng, ông nhận định thế nào về câu chuyện này dưới góc độ nghiên cứu quản lý đô thị?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Không phải ngày hôm nay mà là trong khoảng thời gian vừa qua đã có đến 3 lần Hà Nội có chủ trương chỉnh trang vỉa hè. Bắt đầu từ năm 2010 chào mừng 1.000 năm Thăng Long đã làm, tiếp đó vào 2013 – 2014 có thí điểm gạch giả đá, lát đá, đến 2016 - 2017 lại tiếp tục và rồi dừng lại, và đến năm nay lại quay trở lại vấn đề này.

Chỉnh trang vỉa hè là chuyện bình thường trong quản lý đô thị nhưng chỉnh trang như thế nào để đúng thì thứ nhất là không làm cản trở người đi bộ và hoạt động của đô thị; thứ hai là không tạo ra một sự khác biệt mà phải có sự đồng nhất vì vỉa hè là một thành phần không gian của đô thị Hà Nội; thứ 3 là phải quản lý và sử dụng vỉa hè hiệu quả.

Hà Nội đã có nhiều lần chỉnh trang vỉa hè nhưng mỗi lần thực hiện đều rất chông gai, thậm chí là vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối. Bởi có những nơi vỉa hè lát rất tốt nhưng lại cạy ra làm lại. Thực ra câu chuyện lát đá vỉa hè là câu chuyện cực kỳ nhạy cảm, vừa phục vụ dân sinh nhưng đó cũng là câu chuyện thẩm mỹ đô thị nên mọi người rất quan tâm.

Mới đây, Hà Nội tiếp tục quay lại với chủ trương lát đá tự nhiên trong nhiều tuyến phố. Về lý thuyết lát đá rất bền và đẹp nhưng thực tiễn lại có nhiều điều cần phải lưu ý. Điều đầu tiên là chất lượng đá, tiếp đó là quy cách của viên đá không quá dày quá rộng, kỹ thuật lát đá đòi hỏi người thợ có tay nghề, có giám sát trong quá trình thực hiện và cuối cùng là đảm bảo an toàn khi sử dụng cho người đi bộ, nhất là người già, trẻ nhỏ. Đặc biệt, trước khi lát đá vỉa hè, Hà Nội phải giải quyết được câu chuyện hạ tầng như tránh cho việc đào lên lấp xuống.

PV: Theo nhận định của ông bất cập của câu chuyện lát đá vỉa hè ở đây là gì? Lời giải nào cho bài toán chỉnh trang đô thị Hà Nội?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Thực ra, lát đá đôi khi không tốt bằng dùng gạch block bởi lát đá không có độ thấm, trong khi tiêu chuẩn thoát nước của Việt Nam có đến 20% nước thoát là thấm xuống bề mặt. Điều đó có nghĩa là khi dùng đá lát thì dĩ nhiên là không còn độ thấm, không giảm tải được việc úng lụt ở trên đường phố Hà Nội, thậm chí còn tăng thêm.

Mặt khác, các đơn vị thi công rất thích lát đá bởi đó là công việc đơn giản, không cần làm móng nên họ có thể thuê thợ thời vụ làm, chỉ cần đổ cát, thêm ít vữa, gõ gõ là xong. Trong khi đó nếu viên đá không đúng tiêu chuẩn, thợ không có tay nghề, không căn chỉnh để xảy ra khe hở giữa viên đá và lớp cốt nền thì lập tức sẽ vỡ, không có độ bền.

Hà Nội hiện rất thích làm mới, cải tạo mới nhưng quản lý rất yếu kém. Nói đơn giản thì dù Hà Nội có lát đá vỉa hè đẹp bao nhiêu nhưng vẫn có tình trạng ô tô để trên vỉa hè, xe máy phi lên vỉa hè, ý thức của người dân còn yếu kém thì cũng không thể giữ được vỉa hè đẹp.

Mặt khác, câu chuyện ở đây là có tiến hành đấu thầu đá hay các vật tư vật liệu xây dựng không? Bởi số lượng đá dùng ở đây rất lớn, giá thành không chỉ vài chục ngàn/m2 mà lên tới vài trăm ngàn/m2, nếu lát hàng vạn, hàng chục vạn m2 thì tiền mua đá ở đâu? Chọn mua đá như thế nào? Thứ nữa là chúng ta quen khai thác đá thủ công, lấy đá tự nhiên bằng phương pháp nổ mìn dẫn đến kết cấu sinh học của viên đá bị phá vỡ, vô hình chung các mạch đá bị ảnh hưởng, tác động đến kết quả cuối cùng. Theo đó, chuyện vật liệu đá thực sự là câu chuyện cần phải suy tính.

Ở các nước khác, vỉa hè của họ đã tồn tại hàng chục năm và chẳng có vấn đề gì cả. Không nhất định phải làm đồng màu vỉa hè, lát đá vỉa hè miễn làm sao phải đi lại thuận tiện chứ không phải cầu kì. Tôi cho rằng, Hà Nội không nhất thiết phải dùng đến đá bởi hiện nay chúng ta có rất nhiều loại gạch lát được sản xuất từ công nghệ mới thân thiện với môi trường. Chúng ta dùng đá tức là đi ngược lại với đô thị xanh, khuyến khích phá đá tự nhiên, phá môi trường tự nhiên, tẩy xanh để lát vỉa hè. Hiện thế giới đang khuyến khích xây dựng bằng vật liệu thân thiện môi trường, nhưng đá tự nhiên không phải loại này. 

PV: Vậy khâu quản lý vỉa hè sau khi hoàn thành lát đá thì sao, thưa ông?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Sau khi nghiệm thu xong, phải sử dụng ngay. Vấn đề quản lý vỉa hè phải đi song song với xây dựng ý thức văn hóa đô thị cho công dân. Chúng ta mới chỉ nói một chiều chứ chưa nói đến khía cạnh người sử dụng. Vỉa hè của nhiều nước trên thế giới dù không lát đá nhưng vẫn rất tinh tươm. Bởi, không bị lấn chiếm, không có vật cản trở. Bên cạnh đó, họ còn đảm bảo 1,5m vỉa hè dành cho người đi bộ theo diện tích được Liên Hợp quốc quy định cho xe lăn của người tàn tật.

Trong khi đó, vỉa hè của chúng ta vẫn bị chiếm dụng làm bãi đậu ô tô, xe máy hay quán bia hơi, cà phê, tồn tại năm này qua năm khác. Như thế, then chốt nhất là phải thay đổi cách ứng xử. Để quản lý bài bản hơn, Hà Nội cũng nên nghĩ đến việc thành lập công ty quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Công ty này có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng... và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị. Đồng thời, việc này cũng tạo ra nguồn thu rất lớn cho thành phố thông qua việc tổ chức khai thác vỉa hè.

PV: Từ câu chuyện lát đá, chỉnh trang vỉa hè đường phố, theo ông để chỉnh trang toàn diện một đô thị chúng ta phải có cách thức thực hiện ra sao?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Chúng ta đang làm đô thị thông minh, vậy thì phải thông minh ngay từ việc chỉnh trang vỉa hè và nâng cao quản lý đô thị.

Chỉnh trang đô thị hay vỉa hè cuối cùng vẫn xoay quanh trục trung tâm là người dân. Theo đó mỗi người đều cần xây dựng được văn hoá từ văn hoá xây dựng, quản lý, sử dụng. Nếu chúng ta đối chiếu theo cách thức đó thì sẽ loại bỏ được một bộ phận cán bộ vì lợi ích nhóm, gây lãng phí…

Cho nên, Hà Nội không nhất thiết phải đồng phục hoá vỉa Hà Nội. Những tuyến đi bộ khác như quanh hồ gươm có thể làm nếu tính toán chi tiết, còn những tuyến phố khác không nhất thiết phải cạy lên lát đá. Cái đẹp của đô thị nằm ở sự ngăn lắp, thông thoáng của đường phố.

Chúng ta cũng đang quên mất một công cụ quản lý đô thị là thiết kế đô thị. Khi thiết kế đô thị thì các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị phải thiết kế đường phố không chỉ ở độ cao của công trình mà còn từ những điều đơn giản như biển báo, thùng rác để đâu thì hợp lý, bắt mắt và vẫn có tính tuyên truyền cao. Khi chúng ta làm đô thị thông minh, đô thị 4.0 thì thiết kế đô thị cực kì quan trọng, nó sẽ chuyển hoá thành phần mềm, trí tuệ nhân tạo trong bộ máy, để khi cấp phép xây dựng chỉ tuân theo bản thiết kế đó. Hiện nay, chúng ta chưa có đô thị thông minh thì bước đầu thông minh hoá đô thị từ cái vỉa hè. 

 Thiết kế: Đức Anh  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top