Với quyết định này, nhiều dự án được đưa ra khỏi danh mục đầu tư để ưu tiên vốn cho các dự án còn lại. Vậy những vùng nào sẽ được ưu tiên?
Các dự án nêu trên bao gồm cả các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản, các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2015 trở về trước, các dự án khởi công mới và chuẩn bị đầu tư.
So với Quyết định 1256 được ban hành tháng 8-2017, các mục tiêu trong Quyết định 1509 giảm đáng kể khi chiều dài đường giao thông tăng thêm giảm từ 5.518km xuống 5.134km; 80 cầu giảm xuống còn 47 cầu...
Chính phủ phải điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế các vùng vì bảy tháng đầu năm 2019 giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 31% kế hoạch và còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được phân bổ. Vì thế, các mục tiêu phải điều chỉnh giảm để đảm bảo thực hiện xong vào cuối năm 2020.
Về các dự án giao thông, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, có tính liên vùng và có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, tính đến tháng 10/2019, còn 2.400 tỷ đồng chưa giao cho các dự án thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng do từ tháng 9/2018 Kiểm toán Nhà nước kiến nghị không giao vốn vì không đúng với Quyết định số 1256 về phê duyệt chương trình này...
Các vùng chịu ảnh hưởng nhiều của biến đối khí hậu sẽ được Chính phủ ưu tiên đầu tư trước. Trong số các dự án ưu tiên đầu tư có đầu tư hạ tầng giao thông.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có 25 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố chưa được bố trí đủ vốn trong kế hoạch 2016 - 2020 để tiếp tục thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong phương án sử dụng vốn dự phòng chung kế hoạch trung hạn, đã dự kiến dành 3.428 tỷ đồng cho 5/25 dự án; còn lại 20 dự án đang thực hiện dở dang (đã bố trí hết kế hoạch trung hạn từ năm 2017) nếu không được cấp đủ vốn để tiếp tục thực hiện sẽ phải dừng, giãn tiến độ gây lãng phí phần đã đầu tư và tốn thêm kinh phí khi tái khởi động lại dự án.
Dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nêu chi tiết việc phân bổ vốn cho từng vùng nhưng hồi tháng 8/2019, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về vấn đề phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng vốn ít thì nên tập trung vào các dự án then chốt nhất.
Thủ tướng cho rằng phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và lũ quét, lũ ống ở miền núi phía Bắc là rất quan trọng, cấp thiết. Thủ tướng đề nghị rà soát tiếp, có thể phân bổ thêm một phần từ nguồn vốn đầu tư công còn lại của giai đoạn 2016 - 2020 cho hai vùng này. Như vậy, có thể thấy các vùng chịu ảnh hưởng nhiều của biến đối khí hậu sẽ được Chính phủ ưu tiên đầu tư trước. Trong số các dự án ưu tiên đầu tư có đầu tư hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ở vùng ĐBSCL, sắp tới sẽ tập trung hoàn thành các dự án đã được bố trí vốn bao gồm đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu... và nâng cấp các tuyến quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61. Đối với giao thông kết nối TPHCM với ĐBSCL, sẽ đầu tư đường vành đai 3, vành đai 4 để kết nối TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Đối với đường thủy, sẽ phát triển dự án hành lang đường thủy và logictics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025.
Ngoài ra, để hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc, mới đây, Bộ GTVT đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng sau năm 2030 đối với các vùng kinh tế. Trong đó, ở khu vực phía Bắc, bổ sung tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên dài 370km; tuyến Chợ Mới - Thành phố Bắc Kạn dài 34km; tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 81km.
Đối với khu vực Tây Nguyên, Bộ GTVT đề nghị bổ sung tuyến cao tốc từ Ngọc Hồi - cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) dài 21km vào quy hoạch để thực hiện.
Ở khu vực miền Nam, đề nghị bổ sung bốn tuyến cao tốc mới vào quy hoạch gồm: tuyến Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) dài 65km; Trung Lương (Tiền Giang) - Bến Tre dài 50km; Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 166km; kéo dài tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng tới cảng Trần Đề (Sóc Trăng) dài 30km.
Quyết định 1509 nêu rõ các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 phải có trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng cân đối vốn giai đoạn 2016 - 2020. Việc Bộ GTVT đề nghị đưa các dự án cao tốc vào quy hoạch là điều kiện cần thiết để thực hiện các dự án này trong giai đoạn tới.