Lợi nhuận sẽ đi về đâu?
Tổng kết năm 2018, tăng trưởng tín dụng theo Ủy ban Giám sát Quốc gia sẽ chỉ đạt ở khoảng 14-15%, thấp hơn khá nhiều so với mức 17,6% đạt được trong năm 2017. Còn theo cập nhật của Tổng cục thống kê, đến ngày 20/12, tín dụng mới chỉ tăng trưởng 13,3%. Nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2019. Chẳng hạn, BVSC cho rằng trong 3-5 năm tới, chỉ tiêu này chỉ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017 (trung bình 18,1%).
Việc tín dụng tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng không ít tới lợi nhuận của các ngân hàng bởi trên thực tế, hơn 70% doanh thu của các ngân hàng hiện nay vẫn là đến từ hoạt động cho vay.
Chưa kể, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua và được nhiều chuyên gia dự đoán khó giảm trong năm 2019. Trong khi đó, ngân hàng vẫn gặp áp lực không để lãi suất cho vay tăng làm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp. Sự chênh lệch lãi suất này sẽ khiến cho NIM của nhiều ngân hàng khó có thể cải thiện.
Ngoài ra BVSC cho rằng, NIM của một số ngân hàng sẽ bị giảm do mất dần lợi thế nguồn vốn giá rẻ. Theo nhóm phân tích này, việc đưa tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung dài hạn về dưới 40% và nguồn vốn giá rẻ từ kho bạc giảm trong năm 2019 (do tình hình giải ngân đầu tư công có thể tích cực hơn) sẽ là hai yếu tố tác động tiêu cực tới NIM của một số ngân hàng. Ngoài ra, tại BIDV, VietinBank và VPBank có thể gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ LDR đã gần chạm ngưỡng quy định.
"Năm 2018 có thể đã là đỉnh tăng trưởng của lợi nhuận ngân hàng", đây là nhận định của nhiều chuyên gia và nhóm phân tích của công ty chứng khoán, chủ yếu dựa trên dự báo tín dụng chậm lại, nguồn thu đột biến không còn dồi dào khi việc thoái vốn đáp ứng thông tư 36 cơ bản đã được thực hiện gần xong, nguồn thu từ việc ký kết hợp tác bảo hiểm không còn nhiều,…
Tuy nhiên, điểm tích cực là các ngân hàng đang có sự chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận từ tín dụng sang dịch vụ. Năm 2018, nguồn thu từ dịch vụ của đa số các ngân hàng đề tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa để phát triển.
Trong bối cảnh chung như vậy, lợi nhuận năm 2019 của các nhà băng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng cao như 2 năm vừa qua.
Dẫu vậy, mỗi ngân hàng mỗi cảnh, với những lợi thế và khó khăn khác nhau, theo đó, sự phân hóa về kết quả kinh doanh năm 2019 sẽ càng rõ rệt. Những ngân hàng có nợ xấu thấp sẽ giảm được áp lực trích lập dự phòng với lượng lớn, giảm áp lực cho lợi nhuận. Hay những nhà băng đã tăng vốn mạnh sẽ được ưu tiên về tăng trưởng tín dụng. Hoặc như Vietcombank và VIB, OCB đã hoàn tất Basel II khả năng sẽ có được hưởng những cơ chế riêng.
Trong khi đó, những ngân hàng phụ thuộc vào phân khúc tài chính tiêu dùng sẽ phải đối mặt với việc khó duy trì tốc đọ tăng trưởng mạnh mẽ do điều kiện kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Chứng khoán VCBS cho rằng, trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn cần duy trì thị phần cho vay và NIM ở mức có thể chấp nhận, họ sẽ cần thời gian để điều chỉnh kịp thời, sau đó hoạt động mới có thể lạc quan hơn.
Những ngân hàng đang phải tiếp tục quá trình tái cơ cấu, trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng lợi nhuận.
Vẫn chưa thôi lo về nợ xấu
Không thể phủ nhận, kết quả xử lý nợ xấu nhiều năm qua đã có không ít thành tựu, tốc độ xử lý cũng đẩy được đẩy nhan hơn. Theo NFSC, tỷ lệ nợ xấu năm 2018 giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017: 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%). Một số NHTM đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, hệ thống TCTD xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15/8/2017.
Xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, tuy nhiên hoạt động thu nợ và bán phát mại tài sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong số giá trị xử lý nợ xấu năm 2018, thu nợ khách hàng chỉ chiếm 33,2% và bán phát mại tài sản chỉ chiếm 3%. Trong năm 2018, nhiều tài sản "khủng" được đưa ra đấu giá với giá trị từ hàng trăm cho đến hàng nghìn tỷ nhưng luôn trong tình trạng ế ẩm, dù phải "đại hạ giá" liên tục.
Song song với việc lợi nhuận cao, nợ xấu của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm có xu hướng tăng, đặc biệt là nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn. Thống kê trên 17 ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng nhẹ lên mức 1,79% (cuối năm 2017 đạt 1,67%), tổng nợ xấu nội bảng ghi nhận 77,23 nghìn tỷ đồng (tăng 18,5%).
Nhóm phân tích của Chứng khoán VDSC lưu ý rằng, khả năng tốc độ xử lý nợ xấu sẽ chậm dần khi nền kinh tế đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Thị trường bất động sản chậm lại là điểm nhấn quan trọng khi hầu hết tài sản đảm bảo ở dạng bất động sản. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt các ngân hàng tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, đang ghi nhận sự trở lại của nợ xấu sau một giai đoạn bùng nổ trước đó. Việc vay mượn quá mức chi trả có thể gia tăng tỷ lệ vỡ nợ. Nhìn chung, tỷ lệ tiết kiệm quốc gia/GDP của Việt Nam đang giảm kể từ 2012 và thấp hơn tỷ lệ dầu tư/GDP. Tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam cũng thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực.
Áp lực tăng vốn, không thể trì hoãn với Basel II
Theo cáo cáo của NFSC, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống TCTD có sự cải thiện trong năm 2018. CAR toàn hệ thống đạt 11,1%, do vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản có hệ số rủi ro là 8,8% (năm 2017 là 7,8%).
Việc triển khai Basel II ở Việt Nam đã có những tín hiệu đầu tiên khi Vietcombank, VIB và OCB được NHNN chính thức công nhận. Cũng trong năm 2018, nhiều ngân hàng đã có được sự thuận lợi trong việc tăng vốn "khủng", có thể kể đến trường hợp ở Techcombank và VPBank.
Dẫu vậy, những tín hiệu tích cực trên cũng chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng. Yêu cầu tăng vốn của các nhà băng trong năm 2019 vẫn rất cấp bách. VDSC lưu ý rằng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đang là điểm nghẽn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, chỉ đạt 12 lần, tới cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và chỉ cao hơn Bangladesh.
Theo thông tư 41/2016/TT-NHNN, thời điểm áp dụng Basel II đối với hệ thống TCTD trong nước sẽ bắt đầu từ 1/1/2020. Có 10 ngân hàng thương mại đã được NHNN lựa chọn để thí điểm áp dụng Thông tư 41 sớm hơn 1 năm so với thời hạn quy định, tức là từ 1/1/2019. Những ngân hàng này bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, MBBank, Maritime Bank, Sacombank và VIB.
Theo VDSC, để áp dụng Thông tư 41, các ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm chi phí và việc triển khai kho dữ liệu, khung quản trị dữ liệu và công cụ tính toán CAR tự động; những thay đổi trong chiến lược và vận hành kinh doanh của ngân hàng; cũng như nhu cầu đào tạo cho nhân viên về quy định/hệ thống mới.