Với tình hình kinh tế thế giới đối mặt nhiều rủi ro, thị trường chứng khoán èo uột, lãi suất thấp, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang…, giá kim loại quý này còn dư địa để tăng tiếp.
Những động lực đẩy giá vàng tăng cao
“Vàng tăng kinh quá!”. Một anh bạn nhắn với tôi qua Facebook.
Với nhiều người đầu tư vàng mà tôi quen, đây là thứ mà họ mong đợi từ giữa tháng 6/2020, sau khi vàng phá mức cản lịch sử để đi lên. Khi vàng vượt qua mốc 1.750 USD/ounce, nhiều người quen của tôi đã đẩy mạnh mua vàng vào. Lý lẽ với họ thì đơn giản, “phá” qua mức cản lịch sử rồi thì sẽ lên mạnh thôi.
Vào ngày 19/6, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã dự báo mục tiêu giá vàng 12 tháng tới là 2.000 USD/ounce. Đây cũng là ngày mà một anh bạn làm việc ở Canada gửi tôi một tín hiệu cảnh báo rằng, Quỹ vàng SPDR nhận được 1,2 tỷ USD vốn vào ròng trong một ngày. Vì vậy, từ giữa tháng 6/2020, xu thế tiền đổ mạnh đã bắt đầu tăng tốc.
Lý do thì có nhiều. Có người cho rằng, vàng là công cụ để phòng ngừa rủi ro tốt, nhất là khi kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, thị trường cổ phiếu còn có thể giảm điểm trở lại khi người ta nhận ra kinh tế không thể hồi phục hình chữ V. Người khác thì lại cho rằng, lãi suất thấp gần 0% của những đồng tiền chủ chốt tạo điều kiện thuận lợi cho nắm giữa vàng. Trước đây, khi lãi suất ở mức 2%, việc nắm giữ vàng có chi phí vốn và chi phí cơ hội tương đối cao cho nhiều quỹ đầu tư.
Một lý do chủ chốt khác, là việc các nước “in tiền” ào ạt, đến mức mà tờ Economist mới đây lấy tiêu đề số báo là “Tiền cho không: Khi chi tiêu chính phủ không có giới hạn” (“Free Money: When government spending knows no limits”). Trong bối cảnh đó, luận điểm cơ bản của nắm giữ vàng xuất hiện: in tiền nhiều, tiền sẽ mất giá, vì vậy hãy giữ vàng.
Cuối cùng, căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng cũng là một rủi ro rõ ràng về địa chính trị, mà vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro địa chính trị tốt.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà đợt tăng giá đột biến gần 80 USD/ounce chỉ trong mấy ngày, từ mức 1.800 USD/ounce lên đến 1.880 USD/ounce diễn ra sau khi tin về gói cứu trợ 750 tỷ euro của EU cũng như tin Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston được thông báo.
Nhưng bất kể lý do nào, vấn đề trên hết nằm ở dòng tiền của nhà đầu tư. Dù người ủng hộ mua vàng nói hay thế nào đi nữa, nếu nhà đầu tư không mua vàng, thì giá vàng cũng không thể cao được. Đồ thị dòng tiền vào Quỹ đầu tư vàng SPDR cho thấy, từ giữa tháng 6/2020, dòng tiền vào quỹ này không ngừng tăng lên và chỉ trong thời gian từ ngày 15/6 đến 22/7 đã vượt 5,8 tỷ USD. Khi tiền vào nhiều, quỹ này phải tăng nắm giữ vàng vật chất và các chứng chỉ vàng, nên đẩy giá vàng lên.
Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. Phần thú vị hơn là ở phía bán khống vàng. Từ đầu tháng 6/2020, một anh bạn ở Canada gửi cho tôi xem một báo cáo về bán khống vàng. Chúng tôi đã quan sát được một điều thú vị là cùng với việc vàng vượt qua mốc lịch sử 1.750 USD/ounce, thì các quỹ đầu tư bán khống vàng cũng ở mức độ khá cao - trên 10% tổng khối lượng giao dịch (sau đó tăng tiếp, vượt qua mốc 15% vào đầu tháng 7/2020).
Với diễn biến như vậy, tôi cho rằng, nếu giá vàng vượt qua mốc 1.800 USD/ounce và tiền tiếp tục đổ vào những quỹ như SPDR, thì những quỹ bán khống vàng sẽ lỗ mạnh và phải mua lại vàng để tất toán tài khoản. Ở thời điểm đó, giá vàng mới chính thức “bay” lên.
Những diễn biến trong mấy ngày gần đây có vẻ phù hợp với nhận định trên. Có thể dự đoán, những quỹ bán khống vàng đang phải tất toán vị thế của mình để cắt lỗ trong những ngày gần đây khi giá vàng lần lượt vượt qua những mức cản kỹ thuật mới. Giá vàng tăng nhanh là vì phe đặt cược vào vàng giảm giá đã bị thua đậm và phải đóng vị thế, góp phần làm tăng lực mua vàng.
Câu chuyện này chỉ ra hai điều.
Thứ nhất, giá vàng tăng là vì nhiều nhà đầu tư tin rằng, vàng sẽ còn lên nữa, nên mua vào từ giữa tháng 6/2020 đến nay và chưa thấy dấu hiệu dừng lại (xem đồ thị tiền đổ vào Quỹ SPDR vàng).
Thứ hai, mặc cho có người tin là vàng sẽ tăng tiếp, thì vẫn có những người tin vào điều ngược lại. Đó là những quỹ đầu tư có thể bán khống vàng, nên chắc hẳn không phải tay mơ. Hai nhóm này chắc chắn sẽ còn tranh đấu với nhau một thời gian dài nữa.
Chưa thấy dấu hiệu giá vàng “hạ nhiệt”
Tôi không thể biết được tương lai, nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu tiền vào vàng chững lại. Lý do là, nhiều quỹ đầu tư đang ra khỏi nơi trú ẩn an toàn là các quỹ thị trường tiền tệ (money market funds) và giải ngân mấy chục tỷ USD vào tài sản có rủi ro như trái phiếu và cổ phiếu. Theo số liệu của Lippers, trong tháng 6/2020, có hơn 130 tỷ USD đã rời khỏi quỹ thị trường tiền tệ và bắt đầu mua tài sản có rủi ro. Nhưng đa số các quỹ này vẫn đang tập trung vào trái phiếu và mua vàng để đa dạng hóa danh mục. Trước khi nhìn thấy số liệu bán lẻ và việc làm hồi phục vững chắc, họ sẽ vẫn thận trọng. Mặt khác, từ giữa tháng 7/2020, USD mất giá so với nhiều đồng tiền chính như euro và bảng Anh. Thường khi USD mất giá, vàng sẽ lên giá. Các quỹ này, vì vậy, sẽ nương theo chiều hướng yếu đi của USD mà hưởng lợi từ vàng.
Ở một khía cạnh khác, nếu nói giá vàng tăng khủng khiếp thì cũng chưa hẳn. So với mức tăng hơn 80% từ tháng 2/2020 của bạc, hay hơn 100% của cổ phiếu công nghệ như Shopify, thì vàng chỉ tăng hơn 25% (từ mức 1.500 USD lên đến 1.880 USD/ounce). Vì vậy, dư địa để vàng tăng giá vẫn còn. Goldman Sachs đã dự đoán giá vàng trong vòng 12 tháng tới sẽ lên đến 2.000 USD/ounce.
Vàng còn tăng giá đến đâu và trong bao lâu? Đó là điều không ai có thể biết chắc. Ai nói mua vàng khó thua lỗ cũng chưa chắc là đúng. Nhưng khi nào Mỹ - Trung còn tiếp tục căng thẳng, chưa hạ nhiệt và khi mà chưa có số liệu khả quan về hồi phục thị trường việc làm và bán lẻ vững chắc ở Mỹ, thì nhiều quỹ đầu tư sẽ vẫn tiếp tục tăng nắm giữ vàng trong danh mục đầu tư của họ.
Vàng chưa chắc là công cụ đầu tư có lợi nhuận cao nhất. Quả thật, vàng chưa là gì so với một số cổ phiếu công nghệ tăng 2 - 3 lần, thậm chí cũng không thể sánh với đà tăng giá bạc - kim loại quý rất gần với vàng. Nhưng nó là công cụ tích trữ giá trị được ưa chuộng trong thời kỳ nhiều bất ổn này.
Quan trọng là giá vàng rất cao, mỗi lần tăng chỉ 1 - 2% cũng làm tăng giá mấy chục USD/ounce, và đây là công cụ được dân châu Á quan tâm hàng đầu. Vì vậy, mỗi lần giá vàng tăng, dù là chỉ vài phần trăm, cũng đủ khiến xã hội xôn xao và nhiều người đứng ngồi không yên. Cái thú vị của quan sát thị trường vàng là ở đó.
Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh